Tuy nhiên, các trường hợp dị tật tim vẫn tương đối hiếm.
Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Tim mạch Châu Âu (EHJ) cho thấy, tỷ lệ trẻ thụ thai tự nhiên mắc dị tật tim là 1,15%, trong khi tỷ lệ này ở trẻ sinh sau khi thụ tinh trong ống nghiệm là 1,84%.
Nguy cơ tăng lên 2,47% ở những trường hợp sinh đôi hoặc sinh ba bằng phương pháp IVF.
Theo trưởng nhóm nghiên cứu Ulla-Britt Wennerholm từ Đại học Gothenburg, Thụy Điển: “Chúng tôi muốn tìm hiểu liệu nguy cơ dị tật tim ở những trẻ sinh bằng phương pháp IVF có cao hơn hay không.”
Nhóm nghiên cứu đã so sánh dữ liệu của trẻ thụ thai tự nhiên với trẻ thụ tinh qua các phương pháp như IVF, tiêm tinh trùng vào bào tương (ICSI), và sử dụng phôi đông lạnh.
Họ đã xác định số trẻ ở mỗi nhóm được chẩn đoán mắc dị tật tim nghiêm trọng và xem xét các yếu tố như tuổi của người mẹ khi sinh, việc hút thuốc trong thai kỳ, tiền sử mắc bệnh tiểu đường hoặc dị tật tim của người mẹ.
Theo Hiệp hội Y học Sinh sản Hoa Kỳ, có 2,5% tổng số ca sinh ở Mỹ thông qua phương pháp IVF thành công. Tại Đan Mạch, tỷ lệ này chiếm khoảng 9% tổng số ca sinh, cao nhất trên thế giới.
Bà Wennerholm cho rằng, sự gia tăng số người thụ thai nhờ công nghệ hỗ trợ sinh sản có thể dẫn đến nhiều ca dị tật tim bẩm sinh hơn. Việc nguy cơ dị tật tim tương tự nhau bất kể phương pháp thụ tinh nào cho thấy có yếu tố chung giữa vô sinh ở cha mẹ và bệnh tim bẩm sinh ở trẻ.
IVF được phát triển vào những năm 1970, ban đầu nhằm hỗ trợ phụ nữ có ống dẫn trứng bị tắc. Công nghệ này sau đó được áp dụng cho nhiều trường hợp khác như phụ nữ thường xuyên sảy thai, vô sinh nam và các cặp đôi muốn sử dụng người mang thai hộ.
Đầu năm nay, các nhà nghiên cứu tại Đại học California, San Diego đã công bố một phương pháp không xâm lấn để dự đoán chất lượng phôi tốt hơn trong quá trình IVF.