Nghiên cứu này đã thúc đẩy lời kêu gọi hạn chế thời gian sử dụng màn hình và tăng cường hoạt động thể chất đối với trẻ em. Nhưng cận thị là gì, tại sao nó lại trở thành mối quan tâm lớn như vậy và liệu chúng ta có thể làm gì để khắc phục tình trạng này?
Cận thị là gì?
Cận thị là một tình trạng về mắt khiến một người không thể nhìn rõ những vật ở xa.
Theo Tiến sĩ Annegret Dahlmann-Noor, bác sĩ nhãn khoa nhi tại bệnh viện mắt Moorfields: "Các dấu hiệu của cận thị thường được phát hiện khi cha mẹ hoặc giáo viên lần đầu tiên nhận thấy trẻ cầm đồ vật gần mặt để nhìn rõ hơn, hoặc ngồi gần TV, hoặc chỉ có thể đọc bảng trắng trong lớp học khi ngồi ở phía trước lớp nhưng không ngồi ở phía sau".
Cận thị được chẩn đoán như thế nào?
“Thường thì cận thị được chẩn đoán bởi một bác sĩ nhãn khoa khi kiểm tra thị lực và đo mắt để đeo kính”, theo Giáo sư Chris Hammond, bác sĩ nhãn khoa nhi khoa tư vấn tại quỹ tín thác NHS Guy's and St Thomas.
Đối với trẻ em dưới 6 tuổi, chúng có thể cần phải nhỏ thuốc giãn đồng tử để có thể biết chính xác trẻ bị cận thị (cận thị) hay viễn thị. Trẻ lớn hơn thường không cần nhỏ thuốc.
Cận thị được điều trị như thế nào?
Mặc dù cách điều trị cận thị đơn giản là đeo kính hoặc kính áp tròng để điều chỉnh thị lực, nhưng tình trạng này thường trở nên tồi tệ hơn theo tuổi tác và khi kính càng dày thì nguy cơ gặp các vấn đề đe dọa thị lực lâu dài ở tuổi trưởng thành cũng tăng lên.
Chuyên gia Hammond nói thêm rằng, điều này đặc biệt đúng khi cận thị bắt đầu ở trẻ em trước 10 tuổi. Điều này là do sự phát triển của mắt chậm lại trong thời kỳ thanh thiếu niên nhưng chỉ dừng lại ở độ tuổi từ 20 đến 25.
Hiện nay có những phương pháp điều trị kiểm soát sự tiến triển của cận thị và bao gồm tròng kính đặc biệt, hoặc tròng kính áp tròng mềm tiêu cự kép hoặc tròng kính áp tròng cứng đeo vào ban đêm (orthokeratology).
Theo Bhavin Shah, chuyên gia về cận thị tại Central Vision Opticians, các phương pháp điều trị như chỉnh giác mạc và kính áp tròng tiêu cự kép đặc biệt cùng tròng kính đeo mắt “đã có tác động rất lớn trong việc làm chậm tốc độ thay đổi của cận thị”.
Mối liên hệ giữa cận thị và thời gian sử dụng màn hình
Theo Shah: “Tăng cường làm việc gần - nghĩa là trẻ phải tập trung mắt ở cự ly gần. Việc tập trung lâu dài vào những thứ gần đã được chứng minh là làm tăng tốc độ tiến triển của cận thị ở trẻ em và việc giữ thiết bị gần mắt trong thời gian dài có thể khiến cận thị trở nên tệ hơn”.
Theo Hammond, ngoài tiền sử gia đình bị cận thị, các yếu tố nguy cơ chính là làm việc quá gần và không có đủ thời gian ở ngoài trời.
Làm việc gần không chỉ giới hạn ở thời gian sử dụng màn hình và có thể bao gồm cả việc đọc sách. Shah cho biết: “Đọc quá nhiều và cầm sách quá gần cũng có thể khiến trẻ em bị cận thị nhiều hơn”.
Ngoài ra, cũng có một số nghiên cứu chỉ ra rằng, "việc phong tỏa do đại dịch và thời gian sử dụng màn hình tăng mạnh cùng với việc thiếu thời gian ở ngoài trời đã khiến số trẻ em bị cận thị tăng đáng kể".
Chuyên gia Hammond nói thêm: “Cận thị đã là một vấn đề lớn ở khu vực đô thị Đông Á (ảnh hưởng đến 90% thanh thiếu niên) trước khi trẻ em sử dụng màn hình, có thể là do hệ thống giáo dục sớm quá tải ở đó, vì vậy tình hình có thể phức tạp hơn.
Trong khi các nghiên cứu sâu hơn cho thấy, màn hình giữ trẻ em ở trong nhà và khuyến khích trẻ em nhìn mọi thứ ở cự ly gần, và do đó việc hạn chế sử dụng màn hình có vẻ hợp lý, đặc biệt là ở trẻ nhỏ”.
Theo Dahlmann-Noor, lối sống đô thị ngày càng phát triển cũng là một thách thức trong việc điều trị cận thị.
“Điều này có nghĩa là ngay cả trẻ nhỏ cũng ngày càng ít có cơ hội dành thời gian ở ngoài trời và chúng ta biết rằng việc tiếp xúc với ánh sáng mặt trời ngoài trời sẽ làm chậm quá trình khởi phát và tiến triển của cận thị”, Dahlmann-Noor cho biết.
Cha mẹ có thể làm gì để giúp con em mình ngăn ngừa cận thị?
Chuyên gia Hammond khuyến cáo: "Trẻ cần khoảng 14 giờ một tuần ở ngoài trời, cho dù là chơi thể thao hay giải trí. Nhiều chuyên gia khuyến cáo trẻ em dưới 2 tuổi nên tránh sử dụng màn hình, giới hạn ở mức một giờ một ngày cho đến 5 tuổi, và sau đó là 2 giờ một ngày cho đến 12 tuổi”.
Khi sử dụng màn hình và đọc sách, trẻ em nên được khuyến khích nghỉ giải lao sau mỗi 20 phút. Dạy trẻ thói quen lành mạnh – hãy rời khỏi màn hình và cùng tham gia một số hoạt động ngoài trời với gia đình.
Điều này không chỉ tốt cho mắt của trẻ mà còn làm giảm nguy cơ gia tăng mức độ béo phì đáng lo ngại và cải thiện thể lực. Nếu gia đình có tiền sử cận thị, hãy đảm bảo kiểm tra mắt cho trẻ thường xuyên, khoảng một năm một lần.