Tiêu điểm: Bệnh Suy Thận
Chờ...

Trẻ sơ sinh bú sữa mẹ sẽ giảm nguy cơ bị béo phì

VOH - Trẻ sơ sinh được bú sữa mẹ đã được chứng minh là sẽ giảm nguy cơ phát triển bệnh béo phì ở trẻ em.

Một nghiên cứu mới, được công bố gần đây trên tạp chí Nhi khoa cho thấy, trẻ được bú sữa mẹ có nguy cơ bị béo phì thấp hơn bất kể chỉ số khối cơ thể (BMI) của người mẹ trước khi mang thai.

Tiến sĩ Gayle Shipp, trợ lý giáo sư tại Đại học bang Michigan, người đứng đầu nghiên cứu cho biết: “Các chuyên gia y tế có thể sử dụng những phát hiện của nghiên cứu này để khuyến khích và thúc đẩy việc nuôi con bằng sữa mẹ ở tất cả phụ nữ, đặc biệt là những người mắc bệnh béo phì”.

bú mẹ
Trẻ sơ sinh bú sữa mẹ đã được chứng minh là làm giảm nguy cơ phát triển bệnh béo phì ở trẻ em - Ảnh: stock.adobe.com

Trong nghiên cứu này, chỉ số BMI được ghi nhận cho 8.134 cặp bà mẹ và trẻ em trên 16 tiểu bang và Puerto Rico.

Các nhà nghiên cứu đã tính toán điểm BMI của những đứa trẻ tham gia nghiên cứu bằng cách so sánh chiều cao và cân nặng của trẻ khi chúng được 2 - 6 tuổi với những đứa trẻ cùng trang lứa.

Hai tình huống đã được đưa ra trong nghiên cứu - người mẹ có từng cho con bú sữa mẹ hay không và người mẹ có nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ lúc 3 tháng tuổi hay dùng sữa công thức.

Các nhà khoa học phát hiện ra rằng, việc cho con bú liên tục trong ba tháng đầu tiên của trẻ sơ sinh sẽ làm giảm điểm BMI của trẻ - bất kể chỉ số BMI trước khi mang thai của người mẹ là bao nhiêu.

Xem thêm: Trẻ được bú mẹ đỡ kén ăn hơn trẻ uống sữa công thức

BMI sử dụng chiều cao và cân nặng để xác định lượng mỡ trong cơ thể một người. Chỉ số BMI từ 25 đến 29,9 cho thấy người đó thừa cân; BMI từ 30 đến 39 là béo phì; và BMI từ 40 trở lên là béo phì nghiêm trọng.

Thống kê cho thấy, 30,7% người Mỹ trưởng thành bị thừa cân; 42,4% béo phì; và 9,2% bị béo phì nghiêm trọng, theo dữ liệu của chính phủ năm 2018.

Việc nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ khi trẻ được 3 tháng tuổi có nghĩa là chỉ số BMI của trẻ thấp hơn. Mỗi tháng cho con bú thêm có liên quan đến điểm BMI của trẻ thấp hơn đáng kể, dù mẹ của bé thừa cân hoặc béo phì trước khi mang thai.

Shipp cho biết: “Phát hiện của chúng tôi nhấn mạnh rằng, mỗi tháng cho con bú thêm, dù ở mức nhất quán hay hoàn toàn, có thể góp phần làm giảm cân nặng của con sau này trong thời thơ ấu, đặc biệt đối với những bà mẹ bị béo phì trước khi mang thai”.

Sữa mẹ - rất giàu vitamin, khoáng chất, chất dinh dưỡng và kháng thể - đã được chứng minh là mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, bao gồm giảm nguy cơ phát triển bệnh hen suyễn, tiểu đường type 1, hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh và các tình trạng khác.

Một nghiên cứu về trẻ sinh năm 2019 cho thấy, 83,2% được bú ít nhất một ít sữa mẹ khi mới sinh và 78,6% bú sữa mẹ khi được 1 tháng tuổi. Lúc 6 tháng tuổi, 55,8% được bú mẹ một ít và 24,9% được bú mẹ hoàn toàn.