Từ ngày 27/4 đến nay, TPHCM đã có hơn 25.600 trường hợp mắc COVID-19

(VOH) - Tính từ 18 giờ 30 ngày 16/7 đến 6 giờ ngày 17/7, Thành phố ghi nhận thêm 1.769 trường hợp nhiễm mới đã được Bộ Y tế công bố.

Trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, Thành phố đã có hơn 25.600 trường hợp mắc COVID-19.

Trong 1.769 trường hợp nhiễm mới được công bố gồm 1.391 trường hợp là các tiếp xúc đã được truy vết, được cách ly hoặc ở trong khu vực phong tỏa, 378 trường hợp là người tại khu vực ổ dịch, tới khám sàng lọc tại Bệnh viện.

Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), những ngày qua, Thành phố tiến hành truy vết các ca F0 trong cộng đồng bằng chiến dịch xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm. Do đó, số ca F0 tăng nhanh, nhưng sẽ giảm dần khi thực hiện liên tục.

Trước tình trạng F0 tăng nhanh khiến việc điều phối đến các Bệnh viện điều trị chưa đáp ứng kịp, Thành phố đang xây dựng kế hoạch mở rộng số giường bệnh lên 50.000 giường, đề ra nhiều giải pháp nhằm khắc phục vấn đề này.

Trong bối cảnh nhiều tỉnh xung quanh áp dụng Chỉ thị 16, để thuận lợi trong lưu thông hàng hóa, Thành phố sẽ ưu tiên hoạt động thu mua, sơ chế, chế biến; Thống nhất phương án vận chuyển trong nội bộ địa phương, khu cách ly, phong tỏa và giao thông liên tỉnh. Đồng thời, ưu tiên tiêm vắc-xin cho những người trực tiếp tham gia sản xuất, chế biến và lưu thông hàng hóa ở các địa phương.

Từ ngày 27/4 đến nay, TPHCM đã có hơn 25.600 trường hợp mắc COVID-19 1
Ảnh minh hoạ: HCDC

Người dân từ các địa phương khác đến TP.HCM học tập, sinh sống và làm việc là lực lượng rất quan trọng đóng góp cho sự phát triển của Thành phố. Do đó, họ được xem là người dân của Thành phố và được giúp đỡ, chăm sóc trong thời gian dịch xảy ra.

Dù không có chủ trương đưa người dân về các địa phương, nhưng nếu người dân có nguyện vọng trở về và địa phương đồng thuận thì Thành phố sẵn sàng hỗ trợ, tổ chức phương tiện chuyên chở và các thủ tục để người dân trở về địa phương an toàn.

Thành phố đã đặt ra 3 tình huống dịch bệnh giả định trong thời gian sắp tới. Một là, số ca mắc COVID-19 trong cộng đồng giảm xuống, khu vực nguy cơ cao được thu hẹp, khu vực an toàn được mở rộng. Hai là, tỷ lệ ca mắc COVID-19 tăng dần, các khu vực nguy cơ cao, nguy cơ vẫn còn nhiều. Ba là, số ca mắc COVID-19 tăng đột biến và có nhiều địa bàn thuộc nhóm nguy cơ rất cao hoặc không kiểm soát được sự lây lan trong cộng đồng.

Để đạt được mục tiêu tình huống thứ nhất, Thành phố kêu gọi sự chung sức đồng lòng, chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch, nhất là quy định về giãn cách, tránh tiếp xúc của mỗi người, mỗi nhà và cùng phối hợp với Thành phố thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm đạt được kết quả cao nhất.

Người dân có nên tự ý mua test nhanh và thực hiện tại nhà?

Chiều 16/7/2021, trong buổi họp báo cung cấp thông tin về dịch bệnh COVID-19, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Hoài Nam khuyến cáo người dân không nên tự ý mua các bộ xét nghiệm kháng nguyên nhanh SARS-COV-2 hay còn gọi là test nhanh về tự kiểm tra cho mình.

Theo ông Nguyễn Hoài Nam, test nhanh là món hàng thuộc trang thiết bị vật tư y tế vì vậy cần phải được Bộ Y tế công nhận. Nếu các bộ test nhanh được các trang mạng chào bán không có tên trong danh mục mà Bộ Y tế thì đương nhiên không hợp pháp.

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, nhiều người dân lo lắng và tìm mua các bộ test nhanh về tự thực hiện là không nên.

Các chuyên gia đánh giá, nhiều loại test nhanh đang bán trên thị trường chỉ có độ nhạy khoảng 25%. Vì không có độ chính xác cao nên khi chúng ta thử ra kết quả âm tính thì lại mất cảnh giác, đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người, trong khi đó kết quả có thể là dương tính thì vô cùng nguy hiểm, có nguy cơ phát tán và lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.