Tự theo dõi sức khỏe sau tiêm phòng vắc xin Covid-19 như thế nào?

(VOH) - Sau khi tiêm phòng vắc xin Covid-19, một số ít người sẽ gặp phản ứng không mong muốn. Vậy, làm sao để tự theo dõi sức khỏe và phát hiện sớm các phản ứng phản vệ?.

TPHCM đã bắt đầu đợt tiêm vắc xin phòng Covid-19 thứ 4, đợt lớn nhất từ đầu mùa dịch với 836.000 liều vắc xin Astrazeneca (từ nguồn viện trợ của Chính phủ Nhật). Dự kiến đợt tiêm chủng này kéo dài 5-7 ngày tại 1.000 điểm tiêm.

Những đối tượng cẩn trọng khi tiêm vắc xin

Theo Bộ Y tế, AstraZeneca là loại vắc xin mới và đã có một số phản ứng không mong muốn xảy ra. Do đó, việc khám sàng lọc trước khi tiêm rất cần thiết. Có khoảng 15 nhóm được Bộ Y tế xếp vào diện phải trì hoãn hoặc cẩn trọng khi tiêm vắc xin.

Cụ thể: người mắc bệnh cấp tính, ung thư giai đoạn cuối, người đang điều trị corticoid liều cao hoặc điều trị hóa trị, xạ trị trong 14 ngày trước, người đã tiêm vắc xin khác trong 14 ngày trước, người mắc Covid-19 trong vòng 6 tháng, người trên 65 tuổi giảm tiểu cầu và rối loạn đông máu...

covid-19, tiêm vắc xin
Có khoảng 15 nhóm được Bộ Y tế xếp vào diện phải trì hoãn hoặc cẩn trọng khi tiêm vắc xin. (Ảnh: HCDC)

Ngoài ra, Bộ Y tế còn khuyến cáo một số bệnh lý mà nhân viên tiêm chủng cần cẩn trọng khi tiêm như với người có tiền sử dị ứng với thành phần của vắc xin, người có bệnh nền nặng, bệnh mãn tính chưa được điều trị ổn định; người mất tri giác, mất năng lực hành vi và mắc các bệnh mãn tính có dấu hiệu bất thường dấu hiệu sống (mạch, huyết áp, nhịp thở...).

Đặc biệt lưu ý với người đã phản ứng phản vệ từ độ 2 trở lên trong lần tiêm trước thì không tiêm mũi kế tiếp.

Phụ nữ có thai nên tiêm hay không?

Theo Sổ tay hướng dẫn thực hành tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 AstraZeneca, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương khuyến cáo nên tiêm phòng cho phụ nữ mang thai nếu lợi ích của việc tiêm phòng vượt trội hơn các rủi ro tiềm ẩn của vắc xin, ví dụ họ là nhân viên y tế hoặc có các bệnh đi kèm nằm trong nhóm nguy cơ bị mắc Covid-19 nặng.

Tương tự, với phụ nữ cho con bú cũng cần tiêm vắc xin nếu thuộc nhóm đối tượng nguy cơ mắc Covid-19 như nhân viên y tế.

Phụ nữ mang thai không cần thử thai trước khi tiêm. Người cho con bú không cần tạm ngừng cho con bú sau khi tiêm vắc xin.

Theo dõi các phản ứng sau tiêm

Theo VNVC, hầu hết tác dụng phụ sau khi tiêm vắc xin Covid-19 là những phản ứng thông thường liên quan đến phản ứng tại vị trí tiêm và các triệu chứng “giả cúm” như đau đầu, ớn lạnh, mệt mỏi, buồn nôn, sốt, chóng mặt, đau cơ, nhịp tim nhanh… 

Các triệu chứng này xảy ra sớm sau khi tiêm vắc xin, tự khỏi và không gây ra vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe cũng như không để lại di chứng. Phản ứng sau tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 là dấu hiệu cho thấy cơ thể đã có đáp ứng miễn dịch đối với vắc xin.

Riêng với vắc xin Astrazeneca đang được triển khai tiêm tại một số địa phương, trong đó có TPHCM, Bộ Y tế cho biết, sau khi tiêm sẽ có khoảng 30% người gặp các phản ứng nhẹ như sốt, tiêu chảy, đau tại chỗ tiêm... Có khoảng 0,1% có phản ứng nặng hơn: phù mạch tại vị trí tiêm, kẹt huyết áp, sốc phản vệ. Bộ Y tế khuyến cáo khi có các phản ứng này, cần đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí.

Theo Hướng dẫn giám sát sự cố bất thường sau tiêm phòng Covid-19 của Bộ Y tế, người được tiêm chủng cần lưu lại tại điểm tiêm chủng để theo dõi tình hình sức khỏe ít nhất 30 phút sau khi tiêm.

Theo dõi sức khỏe tại nhà trong vòng 7 ngày sau tiêm về: toàn trạng, tinh thần, ăn, ngủ, thở, phát ban, triệu chứng tại chỗ tiêm và thông báo ngay cho nhân viên y tế khi có dấu hiệu bất thường.

Các dấu hiệu phản ứng phản vệ sau tiêm, cần được chăm sóc y tế sớm nhất

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra một số dấu hiệu phản ứng phản vệ, người được tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cần chú ý theo dõi và liên hệ ngay với bác sĩ hoặc bệnh viện gần nhất để được chẩn đoán nguyên nhân nhằm xử trí và điều trị kịp thời.

  • Sốt cao (trên 38 độ C): Nên uống nhiều nước, dùng thuốc hạ sốt an toàn, mặc thoáng, lau mát với nước ấm, đảm bảo nhu cầu dịch và dinh dưỡng.
  • Co giật: Co giật có thể kèm sốt hoặc không, dùng thuốc chống co giật theo đúng phác đồ xử trí co giật.
  • Áp xe: Có thể là áp xe vô khuẩn hoặc áp xe nhiễm khuẩn, rò dịch. Trường hợp áp xe do nhiễm khuẩn, nên dùng thuốc kháng sinh điều trị.
  • Nhiễm khuẩn huyết: Biến chứng trầm trọng và nguy hiểm nhất là sốc nhiễm trùng. Cần đến bệnh viện sớm để điều trị sốc theo phác đồ, tránh các biến chứng.
  • Phản ứng quá mẫn cấp tính: Trong trường hợp phản ứng nặng nên xử trí như trường hợp phản ứng phản vệ.
  • Phản ứng phản vệ: do nhiều nguyên nhân gây ra, thường có triệu chứng như vật vã, mẩn ngứa, ban đỏ, mề đay, mạch khó bắt, huyết áp tụt, đau bụng, khó thở, co giật… Cần đến bệnh viện ngay để được cấp cứu kịp thời.
  • Huyết khối: Đau đầu dai dẳng, dữ dội, triệu chứng thần kinh khu trú, co giật, hoặc mờ hoặc nhìn đôi, khó thở hoặc đau ngực, đau bụng hoặc đau bụng dữ dội, đau, phù chi dưới, có thể biểu hiện chảy máu, xuất huyết da, hoặc xuất huyết nội tạng.

Phản ứng phản vệ là trường hợp cực kỳ hiếm gặp, bất kỳ ai bị phản ứng phản vệ đều cần được chăm sóc y tế khẩn cấp. Những người bị sốc phản vệ sau lần tiêm vắc xin Covid-19 đầu tiên được khuyến cáo không nên tiêm liều thứ hai.