Tỷ lệ mắc mới ung thư và tử vong do ung thư tiếp tục gia tăng

VOH - Theo Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TPHCM, tỷ lệ mắc mới ung thư và tử vong do ung thư tiếp tục gia tăng, và một số bệnh nhân ung thư có độ tuổi trẻ hơn như ung thư vú, ung thư đại tràng…

Ngày 7/12, tại hội thảo hằng năm phòng chống ung thư TPHCM, ông Phạm Xuân Dũng, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TPHCM cho biết, bệnh lý ung thư đã và đang là gánh nặng cho gia đình, xã hội và nhất là trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Tỷ lệ mắc mới ung thư và tử vong do ung thư tiếp tục gia tăng.

Tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM, số lượng bệnh nhân ung thư tới khám và điều trị hằng năm khoảng hơn 20.000 ca mới, nhưng chỉ đến tháng 11/2023, Bệnh viện Ung bướu đã tiếp nhận 30.000 ca ung thư mới.

Theo ông Dũng, tại TPHCM, dù cần theo dõi và có thêm những nghiên cứu nhưng đã có những chứng cứ cho thấy khuynh hướng một số bệnh nhân ung thư có độ tuổi trẻ hơn như ung thư vú, ung thư đại tràng. Một số ung thư có xuất độ tăng như ung thư giáp, ung thư dạ dày, ung thư tiền liệt tuyến.

ung thư
Theo Globoca, năm 2020 Việt Nam có khoảng 182.563 ca mới và 122.690 ca tử vong do ung thư - 

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn dự báo, số người mắc ung thư dự kiến gia tăng nhanh trong vòng 20 năm tới.

“Đây là gánh nặng bệnh tật rất lớn, ảnh hưởng đến nguồn lực lao động xã hội và sự phát triển kinh tế đất nước" – ông Thuấn nhấn mạnh. 

Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền cho người dân về phòng chống chống ung thư, đi khám sàng lọc phát hiện sớm ung thư. Đồng thời, ông kêu gọi người dân tiếp tục chủ động, tham gia bảo hiểm y tế để tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân, bởi bảo hiểm y tế sẽ hỗ trợ đáng kể cho người dân nếu không may mắc bệnh, đặc biệt là bệnh ung thư…

Hội thảo hằng năm phòng chống ung thư TPHCM lần thứ 26 đã có 1.700 đại biểu tham dự và có 150 đề tài được chọn báo cáo. Hội thảo là diễn đàn thu hút sự quan tâm của ngành ung thư cả nước.

Hội thảo có sự tham gia trực tiếp và trực tuyến của 18 chuyên gia từ nước ngoài như Nhật Bản, Nga, Canada, Bỉ, vùng lãnh thổ Đài Loan, Singapore, Anh... Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), việc quản lý, phục vụ liên quan đến chẩn đoán, điều trị bệnh nhân ung thư đã giảm 50% ở tất cả các quốc gia.

Bình luận