Tiếp cận các ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong y tế là cơ hội để ngành y tế thành phố phát triển y tế chuyên sâu, bắt kịp xu thế thời đại và trên hết là đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của người dân. Trong những năm qua, các bệnh viện trên địa bàn TPHCM đã bắt đầu tiếp cận và triển khai các ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
Có thể nói, trong quá trình xây dựng trung tâm y tế chuyên sâu của thành phố, không thể thiếu các ứng dụng này nhằm mang đến sự hài lòng cho người bệnh. Tuy nhiên, để nhân rộng việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo cũng đặt ra cho ngành y tế không ít thách thức.
Phóng viên VOH phỏng vấn Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Tăng Chí Thượng – Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố về vấn đề này.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Tăng Chí Thượng – Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố. Ảnh: phapluatgiadinh
*VOH: Trong những năm qua, các bệnh viện của TPHCM đã bắt đầu tiếp cận và triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo để nhằm không ngừng nâng cao chất lượng điều trị cho người dân. Ông cho biết khái quát với việc triển khai nhiều các ứng dụng trí tuệ nhân tạo này như thế nào?
- Bác sĩ Tăng Chí Thượng: Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong y tế thì có thể nói ngành y tế thành phố bắt đầu tiếp cận trong những năm gần đây. Trước đây, y tế đã tiếp cận thông tin nhưng do một số vấn đề còn khó khăn do đó triển khai khá chậm so với các nước phát triển trên thế giới do các nước phát triển trên thế giới cũng đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo 30 năm nay, theo thời gian các ứng dụng đó sẽ tăng dần.
Với y tế thành phố, bắt đầu thì các bệnh viện đầu ngành như là Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Bình Dân và một số bệnh viện khác bắt đầu tiếp cận thông tin chọn lọc những cái ứng dụng khả thi phù hợp với nhu cầu trong chẩn đoán điều trị.
Ví dụ như điển hình nhất là việc ứng dụng triển khai robot phẫu thuật da Vinci tại Bệnh viện Bình Dân. Phải nói đây là đầu tư công nghệ mới, chi phí khá lớn. Qua gần 3 năm triển khai, đã phẫu thuật gần 700 trường hợp phức tạp thành công. Nếu không có robot da Vinci này thì bệnh viện vẫn triển khai phẫu thuật như trước đây nhưng chắc chắn tỷ lệ thành công cũng như hiệu quả, chất lượng điều trị sẽ không bằng.
BS.CK2 Nguyễn Đức Khang chia sẻ về những trường hợp bệnh nhân đột quỵ được thực hiện ứng dụng phần mềm Rapid. Ảnh: benhvien115
Hay như Bệnh viện Nhân dân 115 triển khai ứng dụng phần mềm Rabit trong đột quỵ. Với bệnh lý đột quỵ theo cửa sổ điều trị kinh điển chỉ trong vòng 6 giờ thì còn hy vọng để can thiệp cứu chữa nhưng với phần mềm này có thể mở rộng cửa sổ thời gian vàng lên đến 24 giờ. Khi bệnh nhân đến chậm thì ứng dụng trí tuệ nhân tạo này sẽ phân tích được là vị trí nào còn có thể can thiệp được.
Hay một số ứng dụng khác như tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 ứng dụng nguyên lý máy học bằng nguồn dữ liệu rất lớn là đơn thuốc. Bình quân một ngày tại đây bác sĩ có thể kê đơn từ 7.000 đến 8.000 đơn thuốc, trong vòng 3 năm số đơn thuốc đó được lưu trữ lại với một dung lượng rất lớn và bệnh viện đã biết sử dụng nguồn dữ liệu này và với nguyên lý máy học để cảnh báo cho bác sĩ hạn chế sai sót trong kê đơn.
Ví dụ chẩn đoán về viêm phế quản, bác sĩ cho một loại kháng sinh khi nhập vào hệ thống thì máy học đó sẽ báo liền trong vòng 3 năm qua các bác sĩ cho thuốc này như vậy là bao nhiêu phần trăm. Nếu mà là 0% thì bác sĩ phải xem lại coi mình có kê nhầm thuốc hay như thế nào hay không? Đây là những kết quả rất đáng khích lệ của một số cơ sở y tế trong ngành.
*VOH: Có thể nói đây cũng chỉ là bước đầu với rất ít cơ sở y tế triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo, vậy những thách thức trong việc triển khai là như thế nào?
- Bác sĩ Tăng Chí Thượng: Sau một thời gian ứng dụng trong ngành y tế thấy có một số kinh nghiệm ban đầu như sau: Thứ nhất, phải tiếp cận được thông tin vì khoảng thời gian rất ngắn các sản phẩm trí tuệ nhân tạo ra mắt rất nhiều, đặc biệt trong y tế nên chúng ta phải cập nhật liên tục thông tin về những ứng dụng trí tuệ nhân tạo chứng minh có hiệu quả, đây cũng là cơ hội cho các bệnh viện tuy đi sau nhưng mình có nguồn thông tin để chọn lọc. Trách nhiệm của các bệnh viện tuyến cuối phải liên tục cập nhật thông tin về các ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
Thứ hai, thách thức đó là đối với Việt Nam, cụ thể với TPHCM trong thời điểm hiện nay chỉ có mình chưa sản xuất ra được trí tuệ nhân tạo, bởi vì để sản xuất ra một sản phẩm trí tuệ nhân tạo đòi hỏi rất nhiều yếu tố trong đó có công nghệ vi tính hết sức hiện đại, có những chuyên gia được đào tạo chuyên về trí tuệ nhân tạo và đặc biệt là phải có nguồn dữ liệu lớn có giá trị, còn hiện nay TPHCM chưa đủ những điều kiện như vậy để tự tạo ra sản phẩm. Do đó, thách thức đó là mình phải chọn lọc các sản phẩm trên thị trường chất lượng tốt làm thế nào để chuyển thành ứng dụng cho mình, cái đó là thách thức bởi vì chi phí sẽ không nhỏ.
Thứ ba, ngay cả các doanh nghiệp, các công ty công nghệ thông tin lớn trên thế giới khi mà họ muốn tạo ra một sản phẩm mới họ cần một nguồn dữ liệu rất lớn vì có những bệnh lý không phổ biến thành ra trong một nước không đủ dữ liệu. Vậy thì các bệnh viện đều có thể tham gia cùng với doanh nghiệp trong nước và ngoài nước để tạo ra sản phẩm bằng cách tham gia đóng góp vào nguồn dữ liệu, đóng góp nguồn dữ liệu có giá trị thì sẽ khả thi, còn nếu để tự mình tạo ra một sản phẩm thì rất khó.
*VOH: Cụ thể chúng ta gặp những khó khăn gì để có thể nhân rộng các phần mềm trí tuệ nhân tạo này cho các cơ sở y tế?
- Bác sĩ Tăng Chí Thượng: Khó khăn không nhỏ đối với các bệnh viện, đó là phần lớn các sản phẩm trí tuệ nhân tạo giá thành rất cao, nó là sản phẩm trí tuệ nên phải chọn lọc và có hướng đầu tư thích hợp. Bên cạnh đó, một số bệnh viện có đội ngũ công nghệ thông tin mạnh bắt đầu biết sử dụng khai thác một số nguyên lý của trí tuệ nhân tạo để tạo ra những sản phẩm có lợi cho công tác quản lý bệnh viện thì cũng là việc cần khuyến khích làm.
*VOH: Cảm ơn bác sĩ!