Với mong muốn đi đầu trong việc xây dựng thành phố thông minh và trở thành trung tâm về công nghệ mới, về đổi mới – sáng tạo của Đông Nam Á, TPHCM cần sự đột phá để xây dựng nguồn nhân lực Trí tuệ nhân tạo dồi dào với trình độ cao, để thu hút các tập đoàn công nghệ cao của thế giới đầu tư mở các trung tâm R&D và AI tại Thành phố, giúp nâng tầm trình độ AI của Việt Nam.
Các chuyên gia sẽ có những hiến kế trong chiến lược đào tạo Trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam. Đặc biệt, điểm mấu chốt mà các chuyên gia nhấn mạnh: không thể thiếu vai trò của Nhà nước trong việc định hướng, xác định, tạo cơ chế, chiến lược phát triển Trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam, song song đó là sự hợp tác chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo – doanh nghiệp – Nhà nước.
Trí tuệ nhân tạo được đưa vào chương trình giảng dạy Đại học (Ảnh: Khám phá)
Đây cũng là nội dung kết thúc Loạt bài Thời đại của Trí tuệ nhân tạo, với các chuyên gia: Giáo sư Tiến sĩ Vương Thanh Sơn - Đại học British Columbia, Canada; Phó Giáo sư Tiến sĩ Thoại Nam - Đại học Bách Khoa - Đại học Quốc gia TPHCM, và ông Trần Phúc Hồng - Phó Tổng Giám đốc TMA Solutions kiêm giám đốc Trung tâm Sáng tạo TMA.
* VOH: Theo đánh giá của Google Brain từ đầu năm nay, nhu cầu nhân lực phục vụ cho lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) là 1 triệu người, nhưng hiện mới có khoảng 10.000 nhân lực chất lượng cao đáp ứng. Tại Việt Nam, dự báo sẽ thiếu từ 70.000 đến 90.000 nhân sự công nghệ thông tin trong năm 2019 trên tổng nhu cầu 350.000 người của toàn thị trường. Những dự báo này cũng đặt ra thách thức đào tạo nguồn nhân lực lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam đặt ra cho các trường đại học cần có những thay đổi trong chương trình đào tạo liên quan đến lĩnh vực này?
- Giáo sư Vương Thanh Sơn: Đối với những vấn đề về AI các trường đại học hàng đầu họ thực hiện khá tốt. Bởi vì họ đã đứng đầu trong lĩnh vực về nghiên cứu, thành ra họ đào tạo sinh viên, nghiên cứu sinh làm những đề án rất thực tiễn, thành ra những sinh viên đó sau khi xong tiến sĩ, họ có những kinh nghiệm chuyên môn tốt.
Không riêng gì Việt Nam, điều thú vị là ở nước ngoài cũng quan trọng sự hợp tác với doanh nghiệp. Sự kết hợp đại học với doanh nghiệp họ rất sát, chặt chẽ. Có những ông giáo sư có những nghiên cứu rất thực tiễn, sau đó họ ra bên ngoài khởi nghiệp từ kết quả nghiên cứu đó.
* VOH: Vậy theo ông, kinh nghiệm đào tạo của Canada có thể áp dụng trong điều kiện đào tạo của Việt Nam?
- Giáo sư Vương Thanh Sơn: Mình có thể có những lĩnh vực đào tạo ngắn hạn, thời gian 6 tháng, 1 năm để có được một số hiểu biết căn bản. Hoặc, học bài bản, học cử nhân chuyên môn về Ai. Dĩ nhiên, là bậc học cao hơn như thạc sĩ, nghiên cứu sinh để nghiên cứu đặc thù về lĩnh vực nào đó. Đặc biệt là có sự tương tác với công ty bên ngoài.
- Phó Giáo sư Tiến sĩ Thoại Nam: Ở các nước phát triển như Mỹ, Canada hay Châu Âu, các trường đại học của họ tự chủ rất cao.
Họ có tài chính, liên kết đủ mạnh để phát triển AI. Trong khi các trường đại học thì mới bắt đầu theo hướng này, nên vấn đề tài chính còn hạn chế. Cho nên, để phát triển nguồn lực về AI, vai trò của đại học với doanh nghiệp, công nghiệp không chưa đủ, mà Nhà nước phải vào cuộc.
Ví dụ, Việt Nam muốn phát triển AI, Chính phủ phải có chương trình về phát triển AI. Riêng TPHCM, một trung tâm kinh tế, công nghiệp, muốn xác định AI quan trọng trong tương lai, Thành phố cũng phải có chương trình để đầu tư cho các đại học, chương trình để kéo đại học và công nghiệp lại với nhau, để tạo ra những sản phẩm mang tính đột phá. Từ kinh nghiệm các nước gần chúng ta, để phát triển chương trình thì phải bắt đầu từ đào tạo giáo viên. Có thể, Nhà nước có thể hợp tác, giao nhiệm vụ cho những đơn vị đầu ngành, hợp tác cùng đại học nước ngoài, mở những chương trình đào tạo xuất sắc, đào tạo giáo viên cho những trường khác, đào tạo những người xuất sắc để hợp tác với công nghiệp trong lĩnh vực này.
Thứ hai, phải có điều kiện cơ sở vật chất. Lấy ví dụ, chương trình về AI của Đài Loan, họ có chương trình về AI từ năm 2018. Để làm được, họ đã khởi động trước đó. Thứ nhất, họ xây dựng dàn siêu máy tính. Bên cạnh đó, họ có chương trình để thành lập 80 nhóm nghiên cứu mạnh ở các đại học hàng đầu, có tính cạnh tranh. Đặc biệt, ưu tiên cho những hợp tác có tính liên kết với công nghiệp.
Chương trình đào tạo Việt Nam có điểm yếu là đơn ngành. Trong khi, để giải các bài toán phức tạp ở bên ngoài, công nghiệp cần một người có kiến thức đủ rộng. Cho nên, tôi nghĩ đào tạo liên ngành sẽ rất quan trọng trong giai đoạn hiện tại.
* VOH: Về phía doanh nghiệp có kỳ vọng gì đối với yêu cầu nguồn nhân lực lĩnh vực này?
- Ông Trần Phúc Hồng: Lĩnh vực đào tạo không phải là sở trường của doanh nghiệp. Những năm trước do ít trường đào tạo nên mình phải đào tạo để tạo nguồn nhân lực cho mình. Mong muốn của doanh nghiệp, chính là trường nào cũng đào tạo về AI để tạo ra nguồn nhân lực dư thừa, phong phú để không chỉ cho doanh nghiệp trong nước sử dụng không hết, doanh nghiệp nước ngoài đổ tới đầu tư để sử dụng tài nguyên này. Vấn đề nhân lực vừa là cơ hội vừa là thách thức của chúng ta. Chúng ta đưa ra những mục tiêu, nhưng nếu không bắt đầu từ nhân lực thì những mục tiêu đó cũng khó thực hiện được.
Tôi cũng đồng ý với ý kiến của ông Phó Giáo sư Tiến sĩ Thoại Nam, nhân lực về AI không chỉ nằm trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Tất cả các ngành, nếu các bạn yêu thích về công nghệ, kiến thức về Toán tốt đều có thể học được AI. Điều này mở ra đối tượng nguồn lực rộng hơn, thiết thực hơn. Vì đào tạo về công nghệ chỉ giới hạn thôi, nhưng đào tạo các kiến thức chuyên ngành nó rất lớn, nó mang ý nghĩa thực tiễn rất cao, đã được chứng thực từ phía doanh nghiệp.
* VOH: Cám ơn các vị khách mời!
TPHCM: Triển khai thí điểm bản đồ số dùng chung - Sáng 12/9, Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM tổ chức hội nghị triển khai thí điểm bản đồ số dùng chung.
Cách sử dụng hàm Rank để sắp xếp thứ tự trong Excel - Khi bạn cung cấp cho hàm rank một số và một danh sách các số thì hàm rank sẽ cho bạn biết thứ hạng của số đó, theo thứ tự tăng dần hoặc giảm dần trong danh sách.