Tiêu điểm: Bệnh Suy Thận
Chờ...

Ung thư lưỡi và những điều nên biết về căn bệnh này

(VOH) - Triệu chứng ung thư lưỡi ban đầu thường không rõ rệt, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý về răng miệng thông thường nên rất dễ bị xem nhẹ và bỏ qua. Vậy làm sao để nhận biết sớm căn bệnh này?

1. Ung thư lưỡi là gì?

Ung thư lưỡi là bệnh ung thư thường gặp trong các ung thư vùng khoang miệng, bệnh thường phát sinh từ sự biến đổi ác tính biểu mô phủ lưỡi hoặc các mô liên kết cấu trúc lưỡi.

ung-thu-luoi-va-nhung-dieu-nen-biet-ve-can-benh-nay-voh-1

Ung thư lưỡi là loại ung thư khoang miệng phổ biến (Nguồn: Internet)

Trong giai đoạn đầu, dấu hiệu của ung thư lưỡi khá mơ hồ và dễ bị bỏ qua. Chỉ khi bệnh đã tiến triển nặng thì các triệu chứng mới rầm rộ. Do đó, bệnh nhân ung thư lưỡi thường đến bệnh viện chẩn đoán ở giai đoạn muộn.

2. Nguyên nhân ung thư lưỡi

Hiện nay, vẫn chưa tìm được nguyên nhân chính xác gây ra bệnh ung thư lưỡi. Tuy nhiên, bệnh có thể được gây ra do các tác nhân sau:

2.1 Hút thuốc lá

Hút thuốc lá được cho là yếu tố hàng đầu trong việc làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư lưỡi. Ngoài ra, thuốc lá còn là tác nhân gây ra nhiều loại bệnh ung thư khác như ung thư phổi, ung thư vòm họng,…

2.2 Dùng nhiều rượu, bia, chất kích thích

Theo các con số thống kê cho thấy có đến khoảng 80% trong tổng số trường hợp mắc bệnh ung thư lưỡi đều là những người có thói quen thường xuyên uống bia, rượu.

ung-thu-luoi-va-nhung-dieu-nen-biet-ve-can-benh-nay-voh-2

Rượu, bia, thuốc lá là yếu tố nguy cơ hàng đầu gây ung thư lưỡi (Nguồn: Internet)

2.3 Tiếp xúc với tia phóng xạ

Việc thường xuyên tiếp xúc với các tia phóng xạ sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư của các bộ phận trong cơ thể, trong đó có lưỡi.

2.4 Di truyền

Những người có người thân mắc bệnh ung thư lưỡi cũng sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với những người khác.

2.5 Do nhiễm virus

Nhiễm virus HPV cũng làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư lưỡi.

2.6 Chế độ ăn uống không phù hợp

Những người có chế độ ăn uống thiếu chất xơ và các vitamin cần thiết như vitamin A, E, D,…sẽ có nguy cơ mắc bệnh ung thư lưỡi cao hơn những người khác.

3. Các giai đoạn phát triển của ung thư lưỡi

Ung thư lưỡi phát triển qua 4 giai đoạn gồm:

  • Giai đoạn khối u: Đây là giai đoạn sớm của bệnh, ban đầu khối u có kích thước nhỏ (dưới 2cm) và nằm toàn bộ trong lưỡi. Sau đó lớn từ 2 – 4cm và cuối cùng là kích thước vượt trên 4cm.
  • Giai đoạn bạch huyết: Lúc mới mắc bệnh trong các hạch bạch huyết không có tế bào ung thư. Sau đó, bệnh phát triển và các tế bào này bắt đầu di căn và xâm lấn sang các hạch bạch huyết và các cơ quan lân cận.
  • Giai đoạn di căn: Ở giai đoạn này, các tế bào ung thư không chỉ phát triển trong lưỡi mà đã di căn đến các bộ phận khác trên cơ thể và gây ra những tổn thương nhất định.
  • Giai đoạn ung thư lưỡi: Ở giai đoạn này bệnh nhân có nguy cơ tử vong cao.

4. Dấu hiệu ung thư lưỡi qua các giai đoạn

Ở mỗi giai đoạn, ung thư lưỡi sẽ biểu hiện các triệu chứng khác nhau. Cụ thể:

4.1 Dấu hiệu ung thư lưỡi giai đoạn đầu

Các triệu chứng ung thư lưỡi giai đoạn đầu thường không rõ rệt nên dễ bị bỏ qua. Người bệnh thường có cảm giác như có dị vật hoặc xương cá cắm vào lưỡi, rất khó chịu nhưng cảm giác này sẽ qua đi nhanh chóng.

Ở giai đoạn này, lưỡi có một điểm nổi phồng lên với sự thay đổi màu sắc, niêm mạc trắng, xơ hóa hoặc vết loét nhỏ. Tổn thương chắc, rắn, không mềm mại như bình thường. Ngoài ra, một số bệnh nhân còn có hạch cổ trong giai đoạn này.

ung-thu-luoi-va-nhung-dieu-nen-biet-ve-can-benh-nay-voh-3

Khi có những dấu hiệu bất thường ở lưỡi thì nên đi thăm khám sớm (Nguồn: Internet)

4.2 Dấu hiệu của bệnh ung thư lưỡi giai đoạn toàn phát

Người bệnh đau nhiều khi ăn uống, đau kéo dài gây khó khăn khi nói. Bệnh nhân có thể sốt do nhiễm khuẩn, không ăn được nên cơ thể suy sụp rất nhanh. Bên cạnh đó, ở giai đoạn toàn phát người bệnh có các biểu hiện như:

  • Tăng tiết nước bọt.
  • Chảy máu, nhổ ra nước bọt lẫn máu.
  • Hơi thở hôi thối do tổn thương hoại tử gây ra.
  • Một số trường hợp khít hàm, cố định lưỡi gây khó nói và nuốt.
  • Có ổ loét ở lưỡi, trên ổ loét phủ giả mạc dễ gây chảy máu, loét phát triển nhanh làm lưỡi hạn chế vận động.

4.3 Dấu hiệu ung thư lưỡi giai đoạn cuối

Ở giai đoạn tiến triển hơn, thể loét chiếm ưu thế, loét sâu lan rộng xuống bề mặt hoặc vào mặt dưới của lưỡi xuống sàn miệng gây đau đớn dữ dội, bội nhiễm, miệng có mùi hôi, rất dễ chảy máu, thậm chí có thể gây chảy máu nhiều ảnh hưởng đến tính mạng.

Đa số các tổn thương u gặp ở bờ tự do của lưỡi, đôi khi gặp ở mặt dưới lưỡi, mặt trên lưỡi hoặc ở đầu lưỡi.

5. Ung thư lưỡi có chữa khỏi được không?

Ung thư lưỡi có thể chữa khỏi và tiên lượng tốt đối với những người được chẩn đoán bệnh sớm. Những người bị ung thư không di căn có tỷ lệ sống cao hơn. Tỷ lệ sống thêm 5 năm đối với ung thư lưỡi là 78% trước khi ung thư lưỡi di căn, so với 36% nếu đã di căn.

ung-thu-luoi-va-nhung-dieu-nen-biet-ve-can-benh-nay-voh-4

Chẩn đoán ung thư lưỡi sớm sẽ tăng cơ hội chữa khỏi (Nguồn: Internet)

Dưới đây là một số phương pháp điều trị ung thư lưỡi hiện nay:

  • Phẫu thuật: chủ yếu áp dụng cho các trường hợp bị ung thư lưỡi giai đoạn sớm.
  • Xạ trị: xạ trị đơn thuần trong các trường hợp ung thư lưỡi giai đoạn muộn không còn chỉ định phẫu thuật hoặc xạ trị triệt căn trong trường hợp giai đoạn sớm. Xạ trị cũng có thể dùng sau phẫu thuật nhằm diệt nốt những tế bào ung thư còn sót lại. Ngoài ra có thể xạ trị tại chỗ (xạ trị áp sát) bằng cách dùng nguồn phóng xạ đặt hoặc cắm vào tổn thương ung thư tại lưỡi nhằm tiêu diệt tổn thương.
  • Hóa trị: có thể dùng đường toàn thân hoặc đường động mạch lưỡi, có thể đơn hóa chất hoặc phối hợp đa hóa chất. Hóa chất có thể dùng trước, sau phẫu thuật - xạ trị hoặc hóa chất điều trị triệu chứng. Điều trị hóa chất trước phẫu thuật hoặc xạ trị nhằm mục đích giảm thể tích khối u, ngăn chặn sự phát triển của khối u, khu trú tổn thương để phẫu thuật và xạ trị thuận lợi hơn.

Dựa vào giai đoạn mắc bệnh và tình trạng sức khỏe của người bệnh mà bác sĩ sẽ xem xét lựa chọn cách điều trị thích hợp.

Lời khuyên

Vì khó nhận biết ung thư lưỡi ở giai đoạn đầu nên khi bị loét lưỡi sau 3 tuần dùng kháng sinh mà không khỏi thì bạn nên đi khám ngay. Để phòng bệnh ung thư lưỡi cần vệ sinh răng miệng tốt, bỏ các thói quen xấu như hút thuốc lá, hạn chế tối đa uống rượu, bia. Đặc biệt, tầm soát với người có tiền sử gia đình ung thư khoang miệng.