Vì sao tim nàng dễ bệnh?

(VOH) - Cơn đau thắt ngực bất chợt, cảm giác ngộp thở, bổng nhiên vã mồ hôi, tâm trạng lo sợ cuống cuồng được mô tả như triệu chứng điển hình của nhồi máu cơ tim.

Điểm éo le là phải chi lúc nào dấu hiệu báo động cũng rõ như ban ngày thì đỡ biết mấy. Oái oăm chính ở điểm bệnh rất mù mờ ở phụ nữ, chưa kể nhiều trường hợp thầy thuốc tìm hoài nhưng không ra căn bệnh.

Nhiều người bệnh đã qua lại phòng đo điện tim, xét nghiệm máu, siêu âm tim... đến quen mặt nhưng chỉ để ra về với kết luận tréo cẳng ngỗng trên hồ sơ bệnh án là  “không thấy dấu hiệu bệnh lý!”. Còn gì tức cho bằng mệt gần chết mà cứ bị xếp vào nhóm còn “4 khỏe mạnh”.

Theo chuyên gia bệnh tim mạch ở đại học London, không dưới một phần tư số nữ bệnh nhân đến thầy thuốc vì bệnh tim mạch là do rối loạn chức năng vì nguyên nhân tâm lý.

Một số không ít phải uống thuốc tim mạch theo kiểu có còn hơn không cho dù thầy thuốc không tìm ra nguyên nhân. Một số nạn nhân không được điều trị rốt ráo vì nhiều thầy thuốc cho là bệnh nhân giả đò làm nữ hay chỉ bệnh do tưởng tượng.

Ảnh minh họa. 

Trong cả hai trường hợp, bệnh sớm muộn cũng trở nặng, phần do bệnh nhân càng lúc càng mất niềm tin vào thầy thuốc, phần do người bệnh càng lúc càng lệ thuộc vào thuốc tim mạch theo kiểu muốn ngưng thuốc cũng không được.

Trên thực tế, cho dù thành tim không hề có tổn thương thực thể, cho dù mạch máu không hề bị xơ vữa trước đó, giao động huyết áp, rối loạn nhịp tim vẫn có thể xảy ra dễ dàng sau một cơn chấn động tâm lý, sau một lần kinh hãi, với hậu quả nghiêm trọng. Hội chứng “bệnh tim do kinh hoàng” vì thế rất thuờng gặp ở người gặp trắc trở trên đường tình duyên, hay quá lo lắng vì gia đạo bất an...

Bệnh nhân tuy mỗi người một vẻ nhưng bao giờ cũng có một điểm tương đồng. Đó là sợ, sợ ghê gớm, sợ vô cớ, sợ khắp nơi. Không có gì khó hiểu nếu hội chứng kinh hoàng bộc phát trong cuộc sống được tiếng văn minh ở thế kỷ 21!

Tỷ lệ điều trị hiệu quả căn bệnh này chắc khó cao nếu chỉ tìm cách chữa trị bằng thuốc tim. Trợ tim được gì khi nỗi sợ vẫn còn đó! Cho thuốc đặc hiệu liệu có ích gì khi nguyên nhân gây bệnh rất xa tầm tay thầy thuốc?!   

Không lạ gì nếu y sĩ đoàn ở châu Âu đã cài môn tâm lý vào chương trình bổ sung kiến thức hậu đại học cho thầy thuốc chuyên khoa tim mạch. Cũng không có gì khó hiểu nhiều thầy thuốc ở Hoa Kỳ không ngần ngại ghi thêm trên toa thuốc một chữ THIỀN.

Khổ chính ở chỗ, cũng theo kết quả thống kê gần đây ở Hoa Kỳ, đa số người bệnh không dễ gặp được nhà điều trị thấu hiểu một điều rất đơn giản. Đó là con tim có những lý lẽ mà lý trí của nhà điều trị không hiểu nổi. Chữa bệnh tim mà chỉ biết cơ chế vận hành của trái tim chẳng khác nào cưỡi ngựa xem hoa!

Không thể xem thường “hội chứng kinh hoàng” cho dù chưa tìm thấy dấu hiệu bệnh lý nào đó trên điện tâm đồ. Theo tổ chức Y Tế Thế Giới, gọi là bệnh khi người bệnh mất chất lượng cuoc sống vì tâm trạng không bình yên.

Hội chứng kinh hoàng không hề là cảm giác chủ quan. Đó là nỗi khổ thật sự và triền miên của rất đông người bệnh chẳng qua vì thầy thuốc chưa chịu hòa mình trong cảm xúc của người đối diện.