Tiêu điểm: Nhân Humanity

Viêm hang vị dạ dày có nguy hiểm không, chữa trị bằng cách nào?

(VOH) - Viêm hang vị xung huyết là bệnh thường gặp của dạ dày, nó ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người bệnh, thậm chí có thể gây biến chứng nguy hiểm.

Viêm hang vị dạ dày là gì?

Viêm hang vị dạ dày hay viêm hang vị xung huyết là một vấn đề tự miễn có thể gây ra rất nhiều khó chịu cho người bệnh. Đó là tình trạng niêm mạc vùng hang vị bị viêm, các mạch máu vùng viêm giãn nở do ứ máu nhiều.

Viêm hang vị dạ dày có thể gặp ở mọi lứa tuổi, đối tượng dễ mắc phải nhất là người trong độ tuổi trung niên và đặc biệt là người cao tuổi. Gần đây trẻ em cũng có dấu hiệu mắc các bệnh về dạ dày nhiều hơn, thậm chí tình trạng loét dạ dày cũng có thể xảy ra ở trẻ trong khoảng 2 tuổi đầu.

viem-hang-vi-da-day-co-nguy-hiem-khong-chua-tri-bang-cach-nao-voh-1

Viêm hang vị dạ dày có thể gặp ở mọi lứa tuổi (Nguồn: Internet)

Nguyên nhân gây bệnh là do chế độ ăn uống không hợp lý, uống nhiều bia rượu, dùng thuốc giảm đau, kháng viêm, corticoid quá nhiều. Ngoài ra, yếu tố thần kinh căng thẳng, do bệnh lý nội tiết và đặc biệt viêm dạ dày do vi khuẩn HP cũng là nguyên nhân gây viêm xung huyết hang vị.

Biểu hiện chủ yếu là đau bụng cồn cào kèm theo ợ hơi, ợ chua, có thể có cảm giác buồn nôn hoặc nôn. Để chẩn đoán viêm hang vị dạ dày xung huyết phải dựa vào hình ảnh trên nội soi, thấy rõ được vùng hang vị đang bị xung huyết.

Viêm xung huyết hang vị dạ dày có nguy hiểm không?

Bệnh viêm hang vị dạ dày sẽ không nguy hiểm nếu bạn phát hiện sớm và có biện pháp điều trị kịp thời. Nếu có những dấu hiệu của bệnh viêm xung huyết hang vị mà không thăm khám và điều trị, kéo dài tình trạng bệnh có thể gây nên những biến chứng nguy hiểm. Có thể kể các biến chứng thường gặp như:

  • Mất máu: So với loét hành tá tràng, viêm hang vị ít bị xuất huyết hơn nhưng khi xuất huyết hang vị, nếu không phát hiện sớm để cấp cứu, người bệnh sẽ bị mất máu nhiều dẫn đến trụy tim.
  • Nhiễm trùng: Bệnh viêm hang vị dạ dày kéo dài sẽ gây nhiễm trùng màng bụng dẫn đến sốc nhiễm khuẩn, nguy hiểm cho tính mạng.
  • Gây hẹp môn vị: Nếu hang vị bị viêm lâu ngày, lan đến môn vị sẽ gây hẹp môn vị làm cho người bệnh ăn không tiêu, chán ăn, đầy bụng, đau âm ỉ suốt ngày đêm, người gầy, da xanh, thậm chí có bệnh nhân phải dùng động tác làm cho nôn hết mới dễ chịu, bởi vì hẹp môn vị sẽ làm ứ đọng thức ăn và dịch vị gây khó chịu.
  • Ung thư dạ dày: Viêm loét hang vị tuy đau ít, xuất huyết ít hơn viêm loét dạ dày tá tràng nhưng tỉ lệ bị ung thư hóa chiếm khá cao.

Vì thế, để tránh gặp phải những biến chứng của viêm hang vị xung huyết dạ dày, khi các triệu chứng như đau bụng, ợ hơi, ợ chua, buồn nôn,…diễn ra thường xuyên thì bạn nên đến gặp bác sĩ để nội soi chẩn đoán. Từ đó có thể phát hiện sớm bệnh và can thiệp điều trị hiệu quả hơn.

Cách chữa viêm hang vị xung huyết

Để điều trị viêm hang vị dạ dày hiệu quả cần xác định rõ nguyên nhân. Nếu nội soi chẩn đoán nguyên nhân cho vi khuẩn HP thì cần phải điều trị bằng kháng sinh. Ngoài ra, người bệnh cũng cần sử dụng thêm các thuốc băng niêm mạc dạ dày, trung hòa dịch vị, nuôi dưỡng niêm mạc dạ dày, an thần.

Ngoài việc dùng thuốc, người bệnh cần phải thay đổi chế độ ăn uống cho phù hợp, bởi nguyên nhân phổ biến gây viêm hang vị dạ dày xuất phát từ thói quen ăn uống không khoa học.

Việc điều trị viêm hang vị dạ dày mất nhiều thời gian nên thường ảnh hưởng đến tâm lý của người bệnh. Tuy nhiên, nếu bạn càng lo lắng thì bệnh càng lâu khỏi. Vì vậy, đừng lo lắng, hãy tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ cùng với chế độ ăn uống khoa học thì bạn sẽ sớm thoát khỏi căn bệnh này nhanh chóng.

Bị viêm hang vị dạ dày nên ăn gì?

Khi bị viêm hang vị dạ dày bạn nên tiêu thụ các loại thực phẩm nhẹ, dễ tiêu hóa để tránh dạ dày làm việc “vất vả”. Nên dùng trứng, sữa và các chế phẩm từ sữa như sữa chua...vì những thực phẩm này vừa giàu chất dinh dưỡng vừa trung hòa lượng axit trong dạ dày.

viem-hang-vi-da-day-co-nguy-hiem-khong-chua-tri-bang-cach-nao-voh-2

Người bị viêm hang vị dạ dày không nên ăn nhiều khoai lang vì nó dễ gây tăng tiết dịch vị làm nóng ruột (Nguồn: Internet)

Ngoài ra, bạn nên chọn những thực phẩm có tính bao bọc niêm mạc dạ dày như gạo nếp, bột sắn, bánh mì... Riêng khoai lang không nên ăn nhiều, nhất là khi đói vì sẽ gây tăng tiết dịch vị làm nóng ruột, ợ chua, sinh hơi trướng bụng. Bên cạnh đó, bạn cũng nên tránh dùng các thực phẩm có vị chua như cam, chanh, mơ, bưởi chua, măng cụt, xoài chua, dưa muối, cà muối...để bệnh không tiến triển nặng hơn và dạ dày sớm hồi phục bình thường trở lại.

Tài liệu tham khảo:

  1. Trang suckhoedoisong.vn, cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế
  2. Trang hellobacsi.com
Vi khuẩn HP có lây không?: Vi khuẩn HP là một loại vi khuẩn sống trong dạ dày người, nó có thể gây viêm dạ dày cấp và mãn tính, dẫn đến những cơn đau dạ dày khó chịu (đau bao tử). Vậy loại vi khuẩn này có lây không? 
Ung thư dạ dày: Dấu hiệu nhận biết và phương pháp điều trị: Ung thư dạ dày có thể phát triển ở bất cứ phần nào của dạ dày, có thể lan ra các cơ quan khác trên cơ thể. Mỗi năm, ung thư dạ dày gây ra khoảng 800.000 ca tử vong trên thế giới.
Bình luận