Bị ợ chua, ợ đắng thường xuyên là do đâu?

( VOH ) - Ợ chua, ợ đắng là hiện tượng vô cùng khó chịu. Đây là dấu hiệu cảnh báo hệ tiêu hóa của bạn đang có vấn đề cần được thăm khám ngay.

1. Thắc mắc của thính giả:

Chào bác sĩ!

Tôi thường xuyên bị ợ chua, đặc biệt là khi ăn cơm nếp hoặc các loại bánh. Đôi khi ợ chua kèm theo ợ cay và ợ đắng. Vậy bác sĩ cho tôi hỏi đây là hiện tượng gì? Hiện nay, tôi đang bị rối loạn mỡ máu và gan, vậy nên ăn gì để cải thiện tình trạng bệnh? Mong bác sĩ tư vấn giúp tôi về hiện tượng này.

2. PGS.TS Bác sĩ Nguyễn Thị Bay (Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM) giải đáp:

Chào anh!

Anh đang gặp phải hiện tượng ợ chua khi ăn bất kể thức ăn gì, kể cả cơm nếp, và đôi khi anh còn ợ đắng và ợ cay. Như vậy, với triệu chứng này, tôi nghĩ hiện tượng ợ chua mà anh gặp phải là do tình trạng tăng tiết axit dịch vị. Đây là một trong những nguyên nhân gây viêm dạ dày, thậm chí có thể dẫn đến loét dạ dày. Trên thực tế, đây là một bệnh lý độc lập hoặc do anh điều trị một số bệnh lý khác ảnh hưởng đến dạ dày và gây ra tình trạng ợ chua.

bi-o-chua-o-dang-thuong-xuyen-la-do-dau-voh

Ợ chua cảnh báo các vấn đề về đường tiêu hóa (Nguồn: Internet)

Như vậy, tình trạng của anh là đã có dấu hiệu rối loạn, do đó, khi mới chỉ ở giai đoạn báo động thì anh nên đi khám để bác sĩ xem xét xem có vi trùng HP hay viêm loét dạ dày hay không. Tốt nhất, anh nên điều trị ở giai đoạn này trước khi có các triệu chứng khác như đau thượng vị, đầy hơi, khó tiêu,…

Ngoài ra, anh còn bị ợ đắng, hiện tượng này có thể liên quan đến mật hoặc vấn đề ở dạ dày tá tràng lâu ngày.

Như vậy, ợ đắng, ợ chua và ợ cay là 3 hiện tượng mà anh cần đi khám hệ thống tiêu hóa và gan mật để bác sĩ chẩn đoán chính xác đâu là nguyên nhân để từ đó điều trị đúng cách.

Đối với tình trạng mỡ trong máu cao thì anh nên điều trị bằng thuốc và sử dụng thêm các thảo dược như nghệ (vừa có tác dụng tốt cho dạ dày vừa giúp điều tiết cân bằng mỡ trong máu, giảm mỡ xấu, tăng mỡ tốt). Ngoài ra, anh cũng có thể ăn thêm tỏi và ngô tất, 2 thảo dược này cũng góp phần hạ mỡ trong máu. Nếu có thói quen ăn mỡ động vật thì anh có thể ăn thêm hành và tỏi để góp phần loại bỏ thành phần mỡ xấu.

Bạn có thể lắng nghe lời giải đáp của bác sĩ Nguyễn Thị Bay tại audio bên dưới: