Viêm tuyến tiền liệt và những điều mà nam giới nên biết

(VOH) - Viêm tuyến tiền liệt có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi nào, phổ biến nhất là đàn ông trung niên. Nếu không phát hiện và chữa trị sớm, bệnh có thể ảnh hưởng đến chức năng sinh lý của nam giới.

Tuyến tiền liệt là một tuyến đặc biệt chỉ có ở nam giới, nó nằm ở phía dưới bàng quang, bao quanh đoạn đầu của niệu đạo. Chức năng chính của tuyến tiền liệt là sản xuất tinh dịch, giúp nuôi dưỡng, vận chuyển tinh trùng, do đó tuyến tiền liệt giữ vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe sinh sản của nam giới.

Tuyến tiền liệt ở nam giới thường có khối lượng khoảng 15 – 25g, tuy nhiên theo tuổi tác tuyến tiền liệt có thể to lên. 

1. Viêm tuyến tiền liệt là gì?

Viêm tuyến tiền liệt hay viêm tiền liệt tuyến là một trong 3 bệnh lý thường gặp ở tuyến tiền liệt. Đây là một dạng viêm nhiễm tại bộ phận tuyến tiền liệt khiến cho bộ phận này sưng và viêm. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh mà viêm tuyến tiền liệt sẽ xuất hiện đột ngột hay từ từ.

Có 3 loại viêm tuyến tiền liệt là:

  • Viêm tuyến tiền liệt cấp tính do vi khuẩn.
  • Viêm tuyến tiền liệt mãn tính do vi khuẩn.
  • Viêm tuyến tiền liệt không do vi khuẩn.

Ths.Bs Nguyễn Hồ Vĩnh Phước (Chuyên khoa nam học, Bệnh viện Bình Dân) cho biết, viêm tuyến tiền liệt có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nam giới, nhưng phổ biến nhất là nam giới ở độ tuổi trung niên. 

viem-tuyen-tien-liet-va-nhung-dieu-ma-nam-gioi-nen-biet-voh-0
Tuyến tiền liệt sưng to và viêm nhiễm so với bình thường (Nguồn: Internet) 

2. Triệu chứng viêm tuyến tiền liệt

Tùy vào tình trạng cấp hay mãn tính mà bệnh viêm tuyến tiền liệt có những dấu hiệu nhận biết khác nhau. Quan sát có những biến đổi sau đây, nam giới cần tới thăm khám càng sớm càng tốt. 

2.1. Triệu chứng viêm tuyến tiền liệt cấp tính

Một số dấu hiệu cho thấy có thể bạn đang mắc viêm tuyến tiền liệt ở mức độ cấp tính: 

  • Tiểu khó, tiểu đau, người bệnh thường phải cố rặn tiểu, khi tiểu thường có cảm giác buốt, rát
  • Đi tiểu thường xuyên, nhất là về đêm
  • Đau vùng bẹn bìu, xương mu hoặc xung quanh “cậu nhỏ”
  • Nước tiểu đục, có thể xuất hiện máu ở trong nước tiểu và tinh dịch
  • Người bệnh sốt, ớn lạnh, mệt mỏi
  • Có trường hợp rối loạn chức năng khi giao hợp như đau buốt khi xuất tinh, tinh trùng chuyển màu vàng hoặc rối loạn về sự co cứng dương vật

Xem thêm: 'Vạch mặt' 6 nguyên nhân khiến tinh trùng bạn hóa vàng và cách chữa trị

2.2. Triệu chứng viêm tuyến tiền liệt mãn tính

Khi mức độ viêm trở tăng nặng, cảm giác khó chịu và đau nhức ở vùng cơ quan sinh sản sẽ rõ ràng hơn: 

  • Cảm giác khó chịu ở vùng bụng dưới hoặc tinh hoàn
  • Đau tinh hoàn, đau vùng dưới thắt lưng, tiểu nhiều lần liên tiếp
  • Nước tiểu có màu đục, có thể kèm theo máu
  • Các triệu chứng của viêm tuyến tiền liệt mãn tính thường nhẹ hơn nhiễm trùng cấp tính và thường không bị sốt và ớn lạnh

3. Nguyên nhân viêm tuyến tiền liệt

3.1. Các tác nhân gây viêm tuyến tiền liệt 

Thực tế, viêm tuyến tiền liệt thường xuất hiện sau nhiễm trùng ngược dòng của viêm niệu đạo, viêm mào tinh hoàn hoặc các vị trí lân cận vùng trực tràng.

Vi khuẩn gây bệnh chủ yếu là vi khuẩn gram âm (-) đường tiêu hóa và sinh dục tiết niệu, điển hình là vi khuẩn E.coli. Ngoài ra, có thể gặp các vi khuẩn không điển hình như Chlamydia, lậu, giang mai,…

Bên cạnh đó, một số trường hợp không thể xác định được nguyên nhân gây bệnh.

3.2. Đối tượng dễ mắc viêm tuyến tiền liệt

Viêm tuyến tiền liệt là bệnh lý phổ biến ở nam giới, có thể xảy ra ở bất cứ độ tuổi nào, tuy nhiên với trường hợp đã có tiền sử mắc các bệnh dưới đây thì nguy cơ cao hơn:

  • Những người mới bị viêm bàng quang hoặc viêm đường tiết niệu
  • Những người đang đi tiểu thì đột ngột dừng tiểu
  • Phải đặt ống thông
  • Làm những nghề có chấn động hoặc rung nhiều
  • Đi xe đạp liên tục tạo chấn thương vùng xương chậu
  • Người có tuyến tiền liệt to
  • Người bị sỏi thận
  • Người bị hẹp bao quy đầu

Xem thêm: Những điều cần biết về hẹp bao quy đầu ở bé trai và nam giới trưởng thành

4. Biến chứng viêm tuyến tiền liệt 

Nam giới thường thắc mắc viêm tuyến tiền liệt có gây nguy hiểm không thì theo bác sĩ Phước bệnh viêm tuyến tiền liệt KHÔNG gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của nam giới.

4.1.Các biến chứng của viêm tuyến tiền liệt cấp tính

Viêm tuyến tiền liệt là bệnh không thể tự ý điều trị tại nhà, dù ở mức độ cấp tính nhưng nếu chủ quan sẽ rất khó kiểm soát tình trạng bệnh và đối mặt với nhiều biến chứng sau: 

  • Gây viêm tuyến tiền liệt mãn tính
  • Nhiễm trùng máu
  • Áp xe tuyến tiền liệt
  • Viêm mào tinh hoàn

Xem thêm: Tất cả những điều cần biết về viêm mào tinh hoàn - một bệnh lý nam khoa nguy hiểm

4.2. Các biến chứng của viêm tuyến tiền liệt mãn tính

Viêm tuyến tiền liệt mãn tính sẽ làm rối loạn bất thường trong tinh dịch, và nếu không điều trị đúng đắn sẽ dẫn tới vô sinh, làm chất lượng cuộc sống kém đi. 

Bác sĩ Phước cho biết, một số tài liệu cho thấy không có mối liên quan giữa viêm tuyến tiền liệt và ung thư tuyến tiền liệt mặc dù diễn ra trên cùng một cơ quan ở nam giới. Do đó, không thể nói viêm tuyến tiền liệt có thể gây ung thư tuyến tiền liệt.

5. Chẩn đoán viêm tuyến tiền liệt

5.1. Khám lâm sàng

viem-tuyen-tien-liet-va-nhung-dieu-ma-nam-gioi-nen-biet-voh-1
Người bệnh cần mô tả chính xác những bất thường của cơ thể khi khám lâm sàng (Nguồn: Internet) 

Theo bác sĩ Phước chia sẻ, trước khi thực hiện một số xét nghiệm cơ bản thì bác sĩ sẽ thăm hỏi bệnh nhân về các triệu chứng bất thường đang gặp phải, tiền sử bệnh lý,…đó là những thông tin hữu ích giúp bác sĩ tổng hợp và chẩn đoán. Bên cạnh đó, bác sĩ có thể khám tinh hoàn, vùng trên xương mu của nam giới.

Ngoài ra, trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ thăm khám tuyến tiền liệt qua ngã trực tràng. Bác sĩ có thể dùng ngón tay để đưa vào vùng hậu môn để xác định mật độ tuyến tiền liệt, bờ ranh giới tuyến tiền liệt, vùng rãnh giữa 2 thùy tuyến tiền liệt.

5.2. Tiến hành xét nghiệm 

Nhằm chẩn đoán viêm tuyến tiền liệt chính xác hơn, bác sĩ sẽ yêu cầu nam giới thực hiện một số xét nghiệm:

  • Xét nghiệm nước tiểu để xem có vi khuẩn hay không
  • Xét nghiệm máu để xác định tình trạng nhiễm trùng hoặc xác định chỉ số PSA. Thông thường, nam giới bị viêm tuyến tiền liệt thì chỉ số PSA tăng cao
  • Kiểm tra dịch tiết trong tuyến tiền liệt, tuy nhiên xét nghiệm này ít phổ biến
  • Siêu âm đầu dò qua ngã trực tràng
  • Chụp CT scan để tìm ra những tổn thương cơ quan vùng tiết niệu

Xem thêm: Viêm đường tiết niệu ở nam giới và những bệnh lý nguy hiểm kèm theo

6. Điều trị viêm tuyến tiền liệt

Tùy thuộc vào nguyên nhân gây viêm tuyến tiền liệt mà bệnh có những các chữa trị khác nhau, dưới đây là một số phương pháp điều trị đang được áp dụng hiện nay. 

6.1. Dùng kháng sinh

Bác sĩ sẽ xác định người bệnh nhiễm khuẩn gì để kê thuốc uống cho phù hợp. Nếu các triệu chứng trở nên nghiêm trọng, người bệnh sẽ được bác sĩ truyền kháng sinh qua tĩnh mạch.

Người bệnh có thể dùng kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ trong 4 đến 6 tuần. Tuy nhiên, chữa viêm tuyến tiền liệt mãn tính hoặc tái phát thì cần điều trị lâu hơn.

6.2. Dùng thuốc chẹn alpha

Các thuốc chẹn alpha được chỉ định nếu như người bệnh khó đi tiểu, thuốc giúp giãn cổ bàng quang và các thớ cơ nơi tiền liệt tuyến giáp với bàng quang, giúp bệnh nhân dễ tiểu hơn và giảm tải cho bàng quang.

Lưu ý: Uống quá nhiều thuốc dễ gặp tác dụng phụ như đau bụng, chảy máu hoặc loét dạ dày.

6.3. Một số biện pháp hỗ trợ

Cùng với điều trị bằng thuốc, người bệnh cần kết hợp các biện pháp trị liệu dễ thực hiện:

  • Vật lý trị liệu: Những bài tập đặc biệt và kỹ thuật thư giãn có thể cải thiện triệu chứng của bệnh viêm tuyến tiền liệt ở một số người.
  • Tập thể dục: Nằm duỗi thẳng và thư giãn cơ mu dưới.
  • Tắm ngồi: Là cách tắm chỉ ngâm nửa dưới của cơ thể vào nước nóng, cách này giúp giảm đau và thư giãn cơ bụng dưới.
  • Xoa tiền liệt tuyến: Một số người khi xoa tiền liệt tuyến đã giảm được xung huyết, thông mạch, nhờ đó bệnh thuyên giảm hơn.
  • Cân bằng lịch sinh hoạt tình dục: Viêm tuyến tiền liệt không nhất thiết phải ngừng “sinh hoạt vợ chồng”, tuy nhiên, khi quan hệ mà xuất hiện những dấu hiệu như chảy máu, tổn thương cơ quan sinh dục hay quá trình xuất tinh bất thường thì cần đi khám ngay.
viem-tuyen-tien-liet-va-nhung-dieu-ma-nam-gioi-nen-biet-voh-2
Thực hiện xoa bóp tuyến tiền liệt (Nguồn: Internet) 

7. Phòng ngừa viêm tuyến tiền liệt 

Lời khuyên của các chuyên gia y tế dành cho nam giới vẫn luôn là giữ gìn sức khỏe và chủ động phòng ngừa  bệnh lý, nhằm hạn chế những đau đớn, bất tiện khi phải điều trị bệnh.  

  • Vệ sinh vùng kín: Không nhịn tiểu khi mót tiểu, vệ sinh sạch sẽ bộ phận sinh dục hàng ngày, đặc biệt trước và sau quan hệ tình dục.
  • Cải thiện chế độ ăn uống: Uống nhiều nước (2-4 lít/ngày), không ăn thức ăn cay, nóng, hạn chế rượu, bia, thuốc lá và chất kích thích. Ăn nhiều rau xanh và trái cây.
  • Tăng cường vận động: Không ngồi lâu, nên ngồi trên đệm lót để giảm áp lực lên tuyến tiền liệt. Thực hiện các biện pháp bảo hộ khi đạp xe thời gian dài để giảm áp lực lên tuyến tiền liệt.

Bệnh viêm tuyến tiền liệt rất khó phát hiện, người bệnh cần chú ý quan sát, theo dõi tình trạng sức khỏe của mình, tiến hành chẩn đoán và điều trị sớm thì sẽ không gặp các biến chứng nguy hiểm.

🔴 Theo dõi chương trình Bí mật nam giới để được bác sĩ chuyên khoa tư vấn về các vấn đề nam khoa vào lúc 22h00 - 23h00 thứ 3 hàng tuần trên kênh FM 95.6 MHz và FM 90 MHz Hà Nội.

Radio VOH: radio.voh.com.vn/bi-mat-nam-gioi-797.html

Youtube: youtube.com/c/BiMatNamGioiVOH

Fanpage Facebook: fb.com/BiMatNamGioi.VOH

Group thảo luận kín: fb.com/groups/BiMatNamGioi

Form đặt câu hỏi ẩn danh cho bác sĩ: bit.ly/bmngvoh