- Nguyên nhân viêm đường tiết niệu nam
- Các yếu tố nguy cơ gây viêm đường tiết niệu nam
- Các triệu chứng viêm đường tiết niệu ở nam
- Xét nghiệm cận lâm sàng chẩn đoán viêm đường tiết niệu ở nam giới
- Điều trị nhiễm trùng đường tiểu ở nam giới
- Biến chứng nhiễm khuẩn đường tiết niệu ở nam giới
- Ngăn ngừa nhiễm trùng tiểu
Viêm đường tiết niệu là tình trạng viêm nhiễm nam khoa do vi khuẩn ở bất kỳ phần nào của hệ tiết niệu, bao gồm thận, niệu quản, bàng quang hoặc niệu đạo.
Nhiễm trùng tiết niệu hiếm gặp ở nam giới trưởng thành. Điều này chủ yếu là do niệu đạo của nam giởi ở độ tuổi này dài hơn và do tính chất kháng khuẩn của dịch tuyến tiền liệt ngăn vi khuẩn phát triển.
Tỷ lệ viêm tiết niệu ở nam tăng lên theo tuổi. Nhiễm trùng tiết niệu ước tính ảnh hưởng đến khoảng 3% nam giới trên toàn thế giới mỗi năm. Điều này có nghĩa là hầu hết nam giới sẽ chưa bao giờ bị viêm tiết niệu, đặc biệt là nếu họ còn trẻ.
Viêm đường tiết niệu ở nam giới thường khá phức tạp, có nhiều khả năng lây lan đến thận và đường tiết niệu trên. Một số trường hợp thậm chí có thể phải phẫu thuật.
1. Nguyên nhân viêm đường tiết niệu nam
Nhiễm trùng đường tiết niệu chia ra làm 2 loại dựa theo vị trí giải phẫu:
1.1 Nhiễm trùng đường tiết niệu dưới
Đường tiết niệu dưới bao gồm bàng quang và niệu đạo. Nhiễm trùng đường tiết niệu dưới thường do vi khuẩn đường ruột, phổ biến nhất là do Escherichia coli (E.coli) gây ra, chúng xâm nhập và làm viêm đường tiết niệu từ bên dưới, thường lây lan từ da đến niệu đạo và sau đó đến bàng quang.
Viêm niệu đạo cũng có thể do vi sinh vật gây bệnh lây truyền qua đường tình dục như bệnh lậu và Chlamydia.
1.2 Nhiễm trùng đường tiết niệu trên
Đường tiết niệu trên gồm có niệu quản, thận và bể thận. Nhiễm trùng đường trên thường xảy ra do vi khuẩn di chuyển lên trên đường tiết niệu từ bàng quang hoặc do vi khuẩn trong máu đi đến thận.
Xem thêm: Chúng ta sẽ bị nhiễm vi khuẩn E.coli qua những con đường nào?
2. Các yếu tố nguy cơ gây viêm đường tiết niệu nam
Nguy cơ mắc viêm đường tiết niệu của nam giới tăng lên khi họ có các đặc điểm giải phẫu và bệnh lý nền sau đây:
- Những bất thường về đường tiết niệu khiến nước tiểu không thể thoát ra ngoài cơ thể bình thường hoặc khiến nước tiểu trào ngược lên niệu đạo
- Bệnh tiểu đường
- Sỏi thận
- Phì đại tuyến tiền liệt
- Không được cắt bao quy đầu
Một số thói quen sinh hoạt cũng làm tăng nguy cơ viêm đường tiết niệu ở nam giới:
- Không uống đủ nước
- Giao hợp qua đường hậu môn có thể khiến niệu đạo tiếp xúc với vi khuẩn
Ngoài ra, viêm đường tiết niệu nam còn liên quan đến việc sử dụng một số thuốc hoặc làm các thủ thuật tại bàng quang, niệu đạo như:
- Dùng thuốc ức chế hệ thống miễn dịch
- Đặt ống sonde tiểu
- Làm thủ thuật nội soi bàng quang, để kiểm tra bàng quang và niệu đạo.
3. Các triệu chứng viêm đường tiết niệu ở nam
Tùy thuộc vào vị trí của nhiễm trùng tiết niệu, bệnh nhân có thể có một hoặc nhiều triệu chứng sau:
- Tiểu nhiều, luôn có cảm giác muốn đi tiểu hoặc bí tiểu, tiểu rắt
- Đau, rát hoặc khó chịu trong hoặc sau khi đi tiểu
- Đau hoặc căng tức vùng bụng dưới
- Nước tiểu đục hoặc có mùi
- Có máu trong nước tiểu
- Tinh dịch hoặc tinh trùng có màu vàng
- Sốt
Nam giới bị viêm tiết niệu phức tạp cũng có thể gặp một hoặc nhiều triệu chứng sau:
- Ớn lạnh
- Buồn nôn
- Nôn mửa
- Đau lưng dưới
Những triệu chứng này là dấu hiệu cho thấy bệnh đã lan đến thận hoặc đường tiết niệu trên, đây là một tình trạng nghiêm trọng hơn, cần được điều trị kịp thời.
Xem thêm: Hiện tượng tinh trùng đổi màu ‘cảnh báo’ nhiều bệnh lý tiềm ẩn ở nam giới
4. Xét nghiệm cận lâm sàng chẩn đoán viêm đường tiết niệu ở nam giới
Để chẩn đoán xác định, chẩn đoán nguyên nhân và các bệnh lý liên quan, ngoài các triệu chứng lâm sàng cần làm thêm các xét nghiệm cận lâm sàng:
- Xét nghiệm máu: tìm dấu hiệu viêm, số lượng bạch cầu tăng.
- Xét nghiệm nước tiểu: tìm hồng cầu, bạch cầu, vi khuẩn niệu.
- Đối với những người có tiền sử sỏi thận, tiểu đường, thận đa nang hoặc lao, cần làm các chẩn đoán hình ảnh như: chụp ống dẫn tinh qua tĩnh mạch hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT), chụp X-quang, siêu âm hoặc nội soi bàng quang.
- Nếu nghi ngờ vấn đề ở tuyến tiền liệt, khám trực tràng sẽ cho phép đánh giá kích thước và hình dạng của tuyến tiền liệt.
Xem thêm: Những triệu chứng viêm tuyến tiền liệt mà nam giới nên 'dè chừng'
5. Điều trị nhiễm trùng đường tiểu ở nam giới
Mục tiêu điều trị là ngăn ngừa nhiễm trùng lây lan đến thận hoặc đường tiết niệu trên. Phác đồ điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân gây nhiễm trùng.
5.1 Điều trị nội khoa
Các loại thuốc được sử dụng là kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn và thuốc để giảm các triệu chứng. Thuốc do bác sĩ kê đơn có thể bao gồm:
- Kháng sinh: chẳng hạn như nitrofurantoin (Macrobid), fluoroquinolones, trimethoprim-sulfamethoxazole (Bactrim), fosfomycin, hoặc aminoglycosides.
- Thuốc hạ sốt.
- Thuốc để giảm đau như phenazopyridine.
Với nhiễm trùng đường tiết niệu dưới, chỉ cần dùng kháng sinh trong một tuần hoặc ít hơn. Nhưng nếu bị nhiễm trùng đường trên, có thể phải dùng thuốc kháng sinh đến 2 tuần.
Trong một số trường hợp hiếm gặp và nghiêm trọng, sẽ phải dùng kháng sinh qua đường tĩnh mạch tại bệnh viện.
Thời gian điều trị có thể thay đổi từ 3 ngày đến 6 tuần, tùy thuộc vào nguyên nhân và các bệnh lý đi kèm, thời gian điều trị thường là 7 ngày.
5.2 Điều trị ngoại khoa
Những người bị nhiễm trùng phức tạp hơn có thể phải phẫu thuật. Can thiệp phẫu thuật được chỉ định ở những bệnh nhân có các tình trạng sau:
- Viêm tuyến tiền liệt liên quan đến tắc nghẽn cổ bàng quang, sỏi bàng quang hoặc viêm tuyến tiền liệt tái phát với cùng một loại vi khuẩn.
- Viêm thận bể thận có khí phế thũng.
- Viêm mào tinh hoàn do xoắn thừng tinh.
7. Biến chứng nhiễm khuẩn đường tiết niệu ở nam giới
Khi được điều trị kịp thời và đúng cách, bệnh viêm đường tiết niệu hiếm khi dẫn đến biến chứng. Nhưng nếu không được điều trị, nhiễm trùng tiết niệu có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
Các biến chứng của nhiễm trùng tiểu có thể bao gồm:
- Nhiễm trùng tái phát: đặc biệt ở những người bị nhiễm trùng tiểu từ hai lần trở lên trong khoảng thời gian từ sáu tháng đến một năm.
- Tổn thương thận vĩnh viễn: do nhiễm trùng thận cấp tính hoặc mãn tính (viêm bể thận).
- Chít hẹp niệu đạo: do viêm niệu đạo tái phát, thường xảy ra do viêm niệu đạo do lậu cầu.
- Nhiễm trùng huyết: một biến chứng có thể đe dọa tính mạng.
8. Ngăn ngừa viêm đường tiết niệu nam
Không thể ngăn ngừa tất cả các nhiễm trùng tiết niệu, đặc biệt là trường hợp bất thường cấu trúc giải phẫu bẩm sinh, nhưng có thể thay đổi những thói quen hàng ngày giảm nguy cơ mắc bệnh này.
Những việc cần làm:
- Mang bao cao su trong khi quan hệ tình dục để phòng tránh STDs
- Điều trị dứt điểm các vấn đề về tuyến tiền liệt cũng
- Uống nhiều nước
- Vệ sinh cẩn thận vùng dưới bao quy đầu
- Cẩn thận vệ sinh bộ phận sinh dục trước và sau khi quan hệ tình dục, để loại bỏ vi khuẩn
- Tắm vòi hoa sen thay vì tắm bằng bồn
- Mặc đồ lót cotton rộng rãi
Những việc không nên làm:
- Nhịn tiểu nếu cảm thấy muốn đi tiểu
- Mặc đồ lót tổng hợp, bó sát, chẳng hạn như nylon
- Mặc quần jean hoặc quần bó
- Sử dụng bao cao su có chất bôi trơn diệt tinh trùng
Viêm đường tiết niệu nam ít khi xảy ra nhưng nếu có thường khá nghiêm trọng. Những nam giới bị nhiễm trùng tiết niệu kéo dài hoặc tái phát thường xuyên nên được kiểm tra tổng thể để tìm ra những bệnh lý đi kèm và điều trị dứt điểm.
🔴 Theo dõi chương trình Bí mật nam giới để được tư vấn về vấn đề nam khoa vào lúc 22h00 - 23h00 thứ 3 hàng tuần trên kênh FM 95.6 MHz và FM 90 Hà Nội.
Radio VOH: radio.voh.com.vn/bi-mat-nam-gioi-797.html
Youtube: youtube.com/channel/UCVKfBMyg9iljtC_9iuPBVnA
Fanpage Facebook: fb.com/BiMatNamGioi.VOH
Group thảo luận: fb.com/groups/BiMatNamGioi
Form đặt câu hỏi ẩn danh cho bác sĩ: bit.ly/bmngvoh