Tiêu điểm: Nhân Humanity

Việt Nam chỉ có 5.500 máy lọc máu, chưa đủ phục vụ bệnh nhân suy thận

(VOH) - Việt Nam hiện có 350 đơn vị chạy thận nhân tạo với số máy chạy thận nhân tạo là hơn 5.500 máy, chưa đủ phục vụ bệnh nhân suy thận.

Tại Hội nghị Khoa học lần thứ II của Hội lọc máu Việt Nam vừa diễn ra, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng - Chủ tịch Hội lọc máu Việt Nam cho biết, Việt Nam hiện có 350 đơn vị chạy thận nhân tạo với nguồn nhân lực 3.500 cán bộ thầy thuốc, số máy chạy thận nhân tạo là hơn 5.500 máy đang thực hiện lọc máu cho khoảng 33.000 bệnh nhân.

Với số bệnh nhân suy thận cần lọc máu quá lớn đã xảy ra tình trạng trang thiết bị cho lọc máu còn thiếu, quá tải ở một số đơn vị chạy thận nhân tạo. Theo Hội Lọc máu Việt Nam, có nhiều nơi các trang thiết bị phục vụ lọc máu còn chậm thay thế. Có hơn 900 máy chạy thận (tương đương hơn 18%) có tuổi đời trên 10 năm, nghĩa là máy hết hạn sử dụng, phải thay thế.

chạy thận nhân tạo
Bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đà Nẵng (Ảnh: Bộ Y tế)

Do số lượng máy chạy thận nhân tạo ít, nhân lực ít, số bệnh nhân đông nên nhiều đơn vị phải chạy 3 ca, 4 ca thậm chí 5 ca một ngày. Chính điều này gây áp lực rất lớn lên nhân viên y tế.

Theo khảo sát, có trung tâm lọc máu, một bác sĩ phụ trách tới 37 máy thận nhân tạo, gây khó khăn khi xử lý các biến chứng xảy ra trong lọc máu, hoặc có trung tâm một bác sĩ phụ trách tới 125 bệnh nhân thận nhân tạo.

Theo Hội lọc máu Việt Nam (VDA), trên thế giới, ước tính năm 2018 có trên 850 triệu người bệnh thận mạn. Tỷ lệ mắc ở nam giới và nữ giới là 10.4% 11.8% và 5,3-10,5 triệu người điều trị thay thế thận.

Xem thêm: Đến năm 2023: Ngành Y tế Việt Nam có thể thiếu khoảng 40.000 - 50.000 điều dưỡng viên

Theo thống kê của ngành Y tế, cùng với gia tăng bệnh nhân đái tháo đường và tăng huyết áp, bệnh nhân thận mạn tính giai đoạn cuối và suy thận có chỉ định lọc máu chu kỳ (chạy thận nhân tạo) không ngừng gia tăng, vì suy thận là biến chứng nguy hiểm của hai bệnh trên.

Bệnh thận mạn thường tiến triển âm thầm, không triệu chứng trong giai đoạn sớm. Do đó, điều quan trọng là phát hiện bệnh sớm ở các đối tượng nguy cơ cao, đặc biệt là người bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp và gia đình có người bệnh thận. Những người có nguy cơ mắc bệnh thận cần được làm xét nghiệm tầm soát định kỳ hằng năm và tích cực điều trị sớm tránh bệnh thận tiến triển đến giai đoạn cuối.

Bình luận