Tiến sĩ Đỗ Tuấn Đạt, Giám đốc VABIOTECH cho biết ngay từ khi Việt Nam ghi nhận những mắc COVID-19 đầu tiên, các nhà khoa học của công ty đã hợp tác cùng Đại học Bristol (Anh) để nghiên cứu vắcxin phòng virus SARS-CoV-2 dựa trên công nghệ vector virus. Nghiên cứu đã thành công trong việc tạo chủng mang vùng kháng nguyên đặc hiệu của virus này.
Kháng nguyên của SARS-CoV-2 trong thành phần vắc xin khi tiêm sẽ giúp cơ thể sinh ra kháng thể chủ động chống lại SARS-CoV-2, tránh nguy cơ nhiễm bệnh. Đây là “nguyên liệu” quan trọng cho sản xuất vắc xin.
Với việc bước đầu phát triển thành công dự tuyển vắc xin phòng Covid-19 ở quy mô phòng thí nghiệm trong nhiều tuần qua, các nhà khoa học Việt Nam đã tiêm thử nghiệm trên chuột, đánh giá khả năng sinh kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2.
Các phòng thí nghiệm và hãng dược trên thế giới đẩy mạnh công tác nghiên cứu, phát triển vắc xin và thuốc đặc trị chống COVID-19. (Ảnh: REUTERS)
Tiến sĩ Đạt cũng cho biết thêm trong tuần tới, các mẫu máu trên chuột thí nghiệm sẽ được chuyển đến Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để đánh giá về khả năng sinh miễn dịch (kháng thể) chống lại virus SARS-CoV-2.
Sau giai đoạn này, vắc xin phòng COVID-19 sẽ tiếp tục được nghiên cứu để xây dựng quy trình sản xuất và tiêm thử nghiệm trên động vật nhằm đánh giá thêm về tính an toàn cũng như tính sinh miễn dịch của dự tuyển vắc xin này.
Nói về quá trình sản xuất vắcxin phòng COVID-19, Tiến sĩ Đỗ Tuấn Đạt cho biết: Đối với vắcxin, bao giờ cũng phải làm đánh giá trong phòng thí nghiệm, đánh giá tính kháng nguyên nào có hiệu quả tốt nhất, đáp ứng chống dịch tốt. Đối với vắcxin COVID-19 cũng tương tự.
Đối với các nhà sản xuất hiện nay, phải đánh giá 2 điều kiện: Một là có đủ năng lực tiếp cận với sản xuất vắcxin hay không, thứ 2 là quy mô sản xuất ở mức độ ra sao, phải có quy mô sản xuất lớn để đáp ứng cho một cộng đồng lớn, vì chúng ta không thể nào sản xuất vắcxin trên một quy mô nhỏ được.
"Chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu vắcxin phòng COVID-19 song song, không chờ đợi thế giới có kết quả, mình mới bắt tay vào việc"- ông Đạt khẳng định.
Theo Giám đốc VABIOTECH, hiện chưa có một nghiên cứu nào đánh giá việc ứng dụng vắcxin phòng virus Corona. Đối với SARS-CoV, các nhà sản xuất cũng mới chỉ dừng lại ở mức độ đánh giá trên động vật, đối với MERS-CoV thì đã bắt đầu thử nghiệm giai đoạn 1 trên người.
Đối với SARS-CoV-2, hiện nay các nước trên thế giới cũng đều đang tiến hành thử nghiệm trên động vật, có 8 thử nghiệm được thực hiện trên người tại một số quốc gia có khả năng thực hiện, nhưng chưa có đánh giá. Đến nay, chưa có một loại vắcxin Corona virus nào được thương mại hóa cả.
"Cả thế giới đều tuyên bố là phải chậm, chứ không thể nhanh được. Cái khó nhất của loại vắcxin chủng Corona mới này là chưa có một đối chiếu nào về thương mại. Đối với vắcxin cúm thì có thể có đối chiếu, nhưng chưa có vắcxin Corona nào trên thế giới được thương mại hóa. Tất cả đều phải dựa trên những nghiên cứu cũ để đẩy nhanh nghiên cứu"- ông Đạt cho hay.
Tròn 17 ngày Việt Nam không ghi nhận ca mắc Covid-19 trong cộng đồng.
Tính tới sáng 3/5, Việt Nam ghi nhận 270 ca mắc Covid-19. Kể từ sáng 16/4, đến nay, cả nước không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị - Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, đến thời điểm này đã có 219 bệnh nhân Covid-19 được công bố khỏi bệnh/xuất viện.
51 bệnh nhân còn lại đang được điều trị, theo dõi sức khoẻ tại 8 cơ sở khám, chữa bệnh. Đa số bệnh nhân có sức khoẻ ổn định, 12 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2 và 9 bệnh nhân có kết quả âm tính 2 lần trở lên với virus này.
Cập nhật Covid-19 sáng 3/5: Thế giới ghi nhận gần 3,5 triệu người mắc Covid-19 - Tính tới 6 giờ sáng 3/5, thế giới có 3.472.075 người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó 244.105 người tử ...
Ngày thứ 17 Việt Nam không phát hiện ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng - Tính từ 6h ngày 16/4 đến 6h ngày 3/5, đã 17 ngày Việt Nam không có ca mắc mới do lây nhiễm trong cộng đồng.