Sau sinh, sản phụ thường hay gặp phải các vấn đề bất ổn về sức khỏe như cơ thể suy nhược, vùng kín bị đau, viêm nhiễm.... Chính vì thế, ngoài việc bồi bổ bằng các món ăn, nghỉ ngơi thì nhiều chị em đã tìm đến các biện pháp dân gian để phục hồi sức khỏe, lấy lại vóc dáng. Trong đó, biện pháp xông hơ sau sinh được khá nhiều người lựa chọn áp dụng.
Có nên xông hơ sau sinh hay không?
Xông hơ sau sinh là biện pháp dân gian được sử để giúp mẹ sau sinh nhanh phục hồi sức khỏe. Tuy nhiên, ngày nay với sự tiến bộ của y học, biện pháp xông hơ sau sinh đã không còn được khuyến khích áp dụng bởi không có nhiều lợi ích.
Thông thường, xông hơ được thực hiện với mục đích làm sạch đường sinh dục sau sinh, giúp ‘vùng kín” phụ nữ săn chắc trở lại. Nhưng thực tế, nếu tử cung co hồi tốt thì sản dịch (máu dơ) sẽ được đào thải ra ngoài trong khoảng 1 tuần, sau đó các chất dịch sẽ ít dần, máu đỏ cũng nhạt dần. Nếu sản phụ giữ vệ sinh tốt vùng kín (tắm rửa hàng ngày, thay băng vệ sinh thường xuyên, ăn uống đủ chất) thì sẽ tránh được tình trạng viêm nhiễm.
Xông hơ sau sinh có nên hay không? (Nguồn: Internet)
Hơn thế, sự săn chắc vùng kín cũng sẽ được phục hồi sau 6 tuần hậu sản mà không cần phải phải áp dụng bất kỳ một biện pháp can thiệp nào.
Do đó, việc thực hiện xông hơ sau sinh mổ hay sinh thường đối với y học hiện nay là biện pháp không cần thiết.
Xông hơ sau sinh có tác dụng gì ?
Xông hơ là một liệu pháp dùng hơi nước nóng để kích thích tuyến mồ hôi hoạt động, giúp đào thải các chất độc trong cơ thể ra ngoài.
Khi xông, tinh dầu và các chất bay hơi chứa trong thảo dược sẽ được kéo theo hơi nước bay lên. Hơi nước sẽ tác động trực tiếp qua đường hô hấp đến niêm mạc mắt, mũi, tai, da, làm thông các ống dẫn mắt, mũi, tai và các xoang đào thải bụi bẩn, độc tố ra ngoài. Đồng thời, xông hơ sau sinh còn có tác dụng giảm stress, kích thích thần kinh, giảm mệt mỏi, nghẹt mũi, nhức đầu, ù tai hiệu quả.
Đối với việc xông hơ vùng kín sẽ giúp sản phụ hại chế sự sinh sôi của vi khuẩn, sát khuẩn, chống sưng viêm và giúp các vết thương mau lành. Ngoài ra, còn giúp quá trình phục hồi âm đạo diễn ra nhanh, âm đạo se khít trở lại và khử mùi hôi.
Xem thêm: Kiêng cữ sau sinh và 7 quan niệm sai lầm thường gặp ở các bà mẹ Việt
Hướng dẫn cách xông hơ sau khi sinh
Theo kinh nghiệm dân gian, xông hơ sau sinh có 2 cách, đó là:
-
Xông hơ sau sinh toàn thân
Chuẩn bị: Các loại lá xông hơ như bưởi, sả, chanh, bạc hà, tía tô, ngải cứu, kinh giới, quế, ổi.... (mỗi lần xông chỉ cần 1 số ít các loại lá kể trên), hoặc các loại thảo dược Đông y.
Thực hiện:
- Cho các lá hoặc thảo dược đã được rửa sạch vào nồi nước, đun sôi trong vài phút.
- Đặt nồi nước vào nơi kín gió, thai phụ ngồi cạnh nồi nước trùm chăn kín người. Lưu ý: Ban đầu chỉ nên mở hé nắp vung để hơi nóng bay ra (không nên mở toàn bộ ngay lập tức vì có thể gây bỏng). Sau đó, mở dần nắp vung để toàn bộ hơi nóng bay lên.
- Sau khi hơi nóng hạ nhiệt, cơ thể ra nhiều mồ hôi thì dừng lại, bỏ chăn ra và dùng khăn lau sạch người, thay bộ đồ mới.
-
Xông hơ “cửa mình”
Chuẩn bị: Lá trầu không và một chút muối.
Xông hơ "cửa mình" có tác dụng làm săn chắc vùng kín (Nguồn: Internet)
Thực hiện:
- Lá trầu không rửa sạch, cho vào nồi cùng một chút muối trắng đổ ngập nước và đun sôi trong vài phút.
- Đặt nồi nước ở nơi kín gió, tốt nhất là trong phòng vệ sinh.
- Sản phụ mặc váy rộng, không mặc đồ lót. Ngồi trước nồi nước, hé một chút nắp vung cho hơi nước bay vào vùng kín. Sau đó, mở dần nắp cho đến khi có thể mở hết toàn bộ nắp vung.
- Khi hơi đã hạ nhiệt thì dùng nước rửa lại vùng kín. Dùng khăn khô lau sạch và thay đồ mới.
Những lưu ý khi xông hơ sau sinh
Xông hơ có thể giúp cải thiện sức khỏe và tinh thần của sản phụ sau sinh, tuy nhiên nếu không thực hiện đúng cách có thể dẫn đến bỏng vùng kín, hoặc những nguy hiểm khác. Vì thế, sản phụ khi thực hiện xông hơ cần lưu ý:
- Đối với mẹ sinh thường chỉ thực hiện xông hơ sau khoảng 4 ngày sinh. Đối với mẹ sinh mổ cần phải đợi ít nhất 1 tuần.
- Phải thực hiện xông hơ ở nơi kín gió.
- Mỗi lần thực hiện xông hơ không quá 15 – 20 phút. Khi nước nguội phải dừng lại ngay.
- Uống trà gừng nóng hoặc nước để bù nước sau khi xông hơ.
- Không tắm lại sau khi xông hơ.
- Không thực hiện xông hơ khi vừa ăn no.
- Không xông hơ khi cơ thể mệt mỏi. Trong trường hợp có biểu hiện lạ, cơ thể suy yếu thì cần đi thăm khám ngay.
Như vậy, xông hơ sau sinh vốn là biện pháp dân gian cho đến nay vẫn được nhiều người áp dụng. Mặc dù không có nhiều khuyến cáo nhưng hiện tại phương pháp này cũng không được y học khuyến khích áp dụng, bởi có thể gây nguy hiểm, nhất là tình trạng bỏng khi xông hơ.