Dù là người lần đầu sinh con, chắc chắn các mẹ cũng nghe ít nhất 1 lần về cụm từ “hậu sản sau sinh". Phổ biến là thế, nhưng thực tế không phải mẹ nào cũng biết hậu sản là gì cũng như những cách phòng tránh hiệu quả.
1. Hậu sản là gì?
Giống như giai đoạn tiền sản, sau khi sinh cơ thể người mẹ trở nên yếu kém và thường mắc phải một số vấn đề về cả tâm lý và thể chất trong thời gian ở cữ (thường ám chỉ thời gian 6 tuần sau sinh). Nhóm bệnh lý này được gọi chung là bệnh hậu sản sau sinh.
Giai đoạn hậu sản (hoặc thời kỳ hậu sản hay giai đoạn sau khi sinh) thường bắt đầu ngay khi người mẹ sinh con, bao gồm những sự thay đổi về mức độ hormone và kích thước tử cung trở về trạng thái không mang thai.
Theo tổ chức Y tế Thế giới (WHO), giai đoạn hậu sản sau sinh là giai đoạn quan trọng nhất và bị bỏ qua nhiều nhất trong cuộc đời của các bà mẹ và trẻ sơ sinh. Hầu hết các trường hợp tử vong mẹ và/hoặc trẻ sơ sinh thường xảy ra trong giai đoạn hậu sản.
Giai đoạn hậu sản có thể được chia thành 3 giai đoạn riêng biệt: Giai đoạn ban đầu hoặc cấp tính bắt đầu từ 6 – 12 giờ sau sinh; Giai đoạn thứ hai bắt đầu từ 2 – 6 tuần sau sinh và giai đoạn hậu sản muộn, có thể kéo dài đến 6 tháng.
2. Các vấn đề hậu sản thường gặp ở mẹ sau sinh
2.1 Băng huyết sau sinh
Việc chảy máu một chút ngay sau khi sinh là hiện tượng bình thường, nhưng chảy máu ồ ạt thì được gọi là băng huyết sau sinh.
Băng huyết sau sinh là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 3 liên quan đến các vấn đề hậu sản. Nó thường xảy ra khi mẹ có một cuộc chuyển dạ kéo dài, tử cung không co lại tốt sau sinh hoặc do tử cung, cổ tử cung hay âm đạo bị tổn thương.
Triệu chứng khi băng huyết sau sinh là ra máu nhiều, khó cầm máu khiến mẹ bị mất máu gây choáng váng, da xanh nhợt nhạt, huyết áp giảm nhanh chóng, tay chân lạnh, đổ nhiều mồ hôi…
2.2 Nhiễm trùng tử cung
Nhiễm trùng tử cung là một trong những bệnh có thể xuất hiện trong thời gian hậu sản (Nguồn: Internet)
Thông thường, nhau thai sẽ bong ra khỏi tử cung sau khi em bé ra ngoài và bị đào thải khỏi âm đạo. Tuy nhiên, nếu các mảnh của nhau thai còn sót lại trong tử cung có thể dẫn đến nhiễm trùng. Nhiễm trùng túi ối khi chuyển dạ cũng có nguy cơ dẫn đến nhiễm trùng tử cung sau sinh.
Triệu chứng thường gặp của nhiễm trùng tử cung là sốt cao, tim đập nhanh, chỉ số bạch cầu cao bất thường, tử cung sưng, mềm và dịch tiết có mùi hôi...
2.3 Nhiễm trùng đường tiết niệu sau sinh
Một bệnh lý thường gặp trong thời gian hậu sản là nhiễm trùng đường tiết niệu. Tác nhân gây bệnh sẽ xâm nhập vào đường tiểu, thường là qua niệu đạo và gây nhiễm trùng. Trong một số trường hợp, vi khuẩn có thể di chuyển tới thận và gây viêm thận.
2.4 Nhiễm trùng thận
Nhiễm trùng thận cũng là bệnh nằm trong danh sách các vấn đề hậu sản mà mẹ sau sinh có thể gặp. Tình trạng này xảy ra khi vi khuẩn từ bàng quang lây lan sang thận.
Triệu chứng thường gặp của nhiễm trùng thận bao gồm: sốt cao, táo bón, tiểu đau, tiểu nhiều lần, cảm giác ốm yếu, đau lưng hoặc đau bên hông.
2.5 Đau tầng sinh môn
Rạch tầng sinh môn là thủ thuật mà các mẹ bầu phải trải qua khi sinh thường. Tầng sinh môn có nhiều mạch máu, vì vậy vết khâu sau sinh thực tế rất mau lành chỉ cần được chăm sóc cẩn thận và sạch sẽ.
Tuy vậy, vết thương ở tầng sinh môn lại rất dễ bị nhiễm khuẩn do nằm ở nơi nhạy cảm. Vì thế, khi phát hiện thấy dấu hiệu đau nhức, sưng tấy, phù nề, đau, ngứa ngáy hoặc có mùi hôi, đặc biệt là xuất hiện dịch mủ, mẹ nên thăm khám ngay.
2.6 Sốt sau sinh
Sốt hậu sản được định nghĩa là nhiệt độ cơ thể trên 38 độ C kéo dài trên 24 giờ sau sinh.
Thông thường, nếu chỉ sốt nhẹ ngay sau sinh thì là bình thường và rất phổ biến, nó sẽ tự dần biến mất và cơ thể người mẹ được phục hồi. Tuy nhiên, nếu sốt kéo dài từ 2 - 10 ngày sau sinh thì đây được coi như là một dấu hiệu của nhiễm trùng. Mẹ cần phải được theo dõi và điều trị phù hợp.
2.7 Ngực sưng
Khi sữa mẹ xuất hiện, ngực của mẹ có thể trở nên rất to, cứng và đau. Sự khó chịu này sẽ giảm bớt khi mẹ cho bé bú đều đặn. Mẹ có thể giúp bầu ngực được thoải mái hơn bằng cách mặc áo ngực dành cho phụ nữ cho con bú để hỗ trợ, sử dụng máy vắt sữa...
Khi sữa mẹ xuất hiện ngực của mẹ có thể trở nên rất to, cứng và đau (Nguồn: Internet)
Ngoài ra, sau khi sinh mẹ có thể gặp phải tình trạng viêm vú hoặc tắc tia sữa. Với những trường hợp này, mẹ có thể áp dụng các biện pháp như: massage ngực, cho trẻ sơ sinh bú thường xuyên, dùng máy hút sữa để khơi thông dòng sữa bị tắc, chườm ấm… Nếu đã thử áp dụng các cách trên nhưng vẫn chưa có sự cải thiện, hãy đến gặp bác sĩ.
2.8 Bế sản dịch sau sinh
Bế sản dịch là hiện tượng sản dịch không thoát ra ngoài được, ứ đọng lại trong tử cung. Sản phụ bị bế sản dịch nếu không được can thiệp kịp thời có thể dẫn tới rối loạn đông máu, chảy máu không cầm, nguy hiểm đến tính mạng.
Để phòng tránh hiện tượng bế sản dịch sau sinh, sản phụ bắt buộc phải kiểm tra cổ tử cung để xem có những dấu hiệu bất thường nào không. Khi nằm ngủ không nên nằm vắt chéo hai chân lên nhau vì điều này có thể khiến cho sản dịch bị ứ lại trong buồng tử cung và không thể chảy hết ra ngoài.
2.9 Rạn da
Tình trạng rạn da thường xuyên xuất hiện ở vùng ngực, đùi, hông và bụng của mẹ sau sinh. Những vết rạn do sự thay đổi nội tiết tố và quá trình căng da khi mang thai. Thực tế là rất khó để làm cho tình trạng rạn da biến mất hoàn toàn nhưng chúng có thể mờ dần theo thời gian.
Để cải thiện, mẹ có thể sử dụng những loại kem chuyên dụng hoặc các biện pháp từ thiên nhiên để những vết rạn nhanh chóng biến mất.
2.10 Trĩ và táo bón
Bệnh trĩ và táo bón có thể xuất hiện trong thời gian hậu sản cũng như lúc phụ nữ mang thai. Tình trạng này đôi lúc trở nên trầm trọng hơn do sự tăng kích thước của tử cung tạo áp lực lên các tĩnh mạch bụng dưới.
Để phòng tránh táo bón và bệnh trĩ, mẹ nên uống nhiều nước, chịu khó vận động nhẹ nhàng sau sinh, ăn nhiều hoa quả, rau củ giàu chất xơ. Lưu ý, không nên sử dụng thuốc nhuận tràng, thuốc đặt hoặc thụt mà chưa có chỉ định của bác sĩ, đặc biệt là nếu sản phụ bị rạch tầng sinh môn hoặc có vết khâu ở vùng đáy chậu.
2.11 Tiêu, tiểu không tự chủ
Nguyên nhân của tình trạng tiêu, tiểu không tự chủ thường là do sự kéo giãn của đáy bàng quang trong thời gian mang thai và sinh nở.
Để đối phó với tình trạng này, mẹ hãy sử dụng băng vệ sinh. Nếu tình trạng tiêu tiểu không tự chủ kéo dài, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ để được chỉ định sử dụng thuốc. mẹ sau sinh có thể đẩy nhanh quá trình phục hồi này bằng cách thực hiện các bài tập Kegel .
Ngoài ra, cũng nên lưu ý đến các hiện tượng như đau nhức, nóng rát, khó chịu khi đi tiểu bởi đây có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng bàng quang.
2.12 Rụng tóc sau sinh
Trong thời gian mang thai, nội tiết tố tăng vọt khiến tóc trở nên chắc khỏe, bóng mượt và ít rụng hơn. Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau khi em bé ra đời, nhiều mẹ phải đối mặt với tình trạng tóc rụng với tốc độ đáng báo động.
Rất nhiều phụ nữ gặp phải tình trạng rụng tóc sau sinh (Nguồn: Internet)
Nếu đang trong tình trạng này, mẹ không nên quá lo lắng, bởi thực tế lượng tóc rụng trong thời kỳ hậu sản chỉ tương đương với lượng tóc đáng lẽ sẽ bị rụng trong thời gian bạn mang thai mà thôi.
2.13 Đau bụng dưới
Nguyên nhân là trong quá trình sinh sản phụ bị mất máu quá nhiều, hoặc trước khi sinh cơ thể chị em vốn huyết hư, lại thêm khi sinh mất máu quá nhiều. Mẹ bị huyết thiếu khí nhược, vận hành uể oải vô lực, máu chảy không thông thoát và từ từ nên dẫn đến đau bụng.
Sản phụ bị đau bụng dưới thường có biểu hiện bụng dưới đau âm ỉ, bụng mềm, sản dịch màu nhạt, lượng ít, đầu choáng váng mắt hoa, nhịp tim không đều đặn, thắt lưng và mông sụt, trướng tức, chất lưỡi đỏ nhạt.
2.14 Sản giật sau sinh
Đây là một biến chứng khá nguy hiểm đối với thai phụ, nó thường xảy ra trong những ngày đầu sau sinh. Dấu hiệu của bệnh lý này là đau đầu, buồn nôn, co giật, ù tai, phù nề…
Ngay khi nhận thấy các triệu chứng trên mẹ cần đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt tránh để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng khác.
2.15 Trầm cảm sau sinh
Một số phụ nữ sau sinh hay gặp phải tình trạng bị trầm cảm. Nguyên nhân là do sự thay đổi nồng độ nội tiết tố, cùng với trách nhiệm mới trong việc chăm sóc trẻ sơ sinh khiến nhiều bà mẹ cảm thấy lo lắng, choáng ngợp hoặc tức giận.
Trầm cảm sau sinh được chia làm 2 cấp độ nhẹ và nặng. Mức độ nhẹ có thể sẽ biến mất sau vài tuần. Mức độ nặng thường trở nên rõ ràng từ 2 tuần đến 3 tháng sau khi em bé chào đời.
Bệnh được đặc trưng bởi cảm giác lo lắng hoặc tuyệt vọng mãnh liệt. Tình trạng thiếu ngủ, thay đổi nồng độ nội tiết tố và đau đớn về thể xác sau khi sinh con đều có thể góp phần gây ra trầm cảm.
Để điều trị trầm cảm sau sinh cần nhờ đến sự hỗ trợ của gia đình và bạn bè thân thiết. Ngoài ra, nên tham khảo ý kiến bác sĩ về bất kỳ triệu chứng nào của trầm cảm sau sinh để được chỉ định thuốc hỗ trợ hoặc có được lời khuyên đúng hướng nhất nhằm đối phó tốt hơn với những cảm xúc hỗn loạn này.
3. Cách phòng ngừa hậu sản sau sinh cho mẹ
Mẹ sau sinh có thể phòng ngừa các căn bệnh hậu sản kể trên bằng những phương pháp sau đây:
3.1 Chăm sóc sức khỏe tinh thần
Đây không chỉ là trách nhiệm của sản phụ mà còn là của những người thân trong gia đình, đặc biệt là người chồng. Không chỉ cung cấp về mặt tài chính, các ông chồng cần thể hiện sự quan tâm bằng hành đồng và lời nói đối với vợ như: giúp vợ chăm sóc con trẻ, làm việc nhà, cùng chia sẻ những nỗi lo lắng, băn khoăn của vợ...
Bản thân người mẹ cũng phải cố gắng tự chăm sóc sức khỏe của mình bằng cách ăn uống và ngủ đủ giấc. Có thái độ, tinh thần sống lạc quan, tích cực, đừng để những chuyện buồn phiền làm ảnh hưởng đến cuộc sống.
3.2 Chăm sóc sức khỏe sau sinh
Chăm sóc sức khỏe mẹ sau sinh đúng cách giúp mẹ tránh được các nguy cơ phải đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe. Mẹ cần lưu ý những điều sau đây để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé nhé!
- Trong những giờ đầu sau sinh mẹ cần theo dõi tình trạng sức khỏe bản thân để phát hiện sớm các tình trạng bất thường có thể xảy ra.
- Chế độ dinh dưỡng cho mẹ sau sinh cần được tăng cường nhiều thực phẩm giàu dinh dưỡng để giúp cơ thể nhanh hồi phục và đủ sữa cho con bú. Không nên kiêng khem quá mức sẽ dễ khiến mẹ bị thiếu hụt dưỡng chất cho cơ thể.
- Không nên tắm bằng nước lạnh, ngâm mình quá lâu trong bồn tắm. Tốt nhất là lau mình bằng nước ấm hoặc tấm bằng nước ấm nhanh trong thời gian đầu.
- Cần tránh quan hệ vợ chồng trong thời kỳ hậu sản để đảm bảo cho sức khỏe của mẹ.
Trên đây là những thông tin về các vấn đề hậu sản có thể gặp phải ở mẹ sau sinh. Hi vọng với những chia sẽ trên sẽ giúp các mẹ nắm rõ các vấn đề về hậu sản để chuẩn bị tốt hơn với những thay đổi về thể chất lẫn tinh thần sau khi bé yêu ra đời.