Theo Ths.BS Lê Quang Thanh – Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, bế sản dịch (tắc sản dịch) là một trong những tình trạng phổ biến trong giai đoạn hậu sản. Bế sản dịch sau sinh mổ hay sinh thường cũng đều giống nhau và thường gặp nhiều hơn ở những sản phụ sau khi sinh nhưng ít vận động khiến cho tử cung không co hồi, gây ứ đọng sản dịch.
1. Hiện tượng bế sản dịch là gì?
Sản dịch ở phụ nữ sau sinh thực chất là màng nhau, dịch và niêm mạc của cổ tử cung, âm đạo bong ra, dễ bị phân hủy và là môi trường thuận lợi để vi khuẩn trong đường sinh dục phát triển.
Thông thường, phụ nữ sau khi sinh, tử cung sẽ co bóp để đẩy hết sản dịch ra ngoài. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, tử cung không co bóp khiến cho sản dịch không thể thoát ra ngoài được, ứ đọng lại trong tử cung và gây ra tình trạng bế sản dịch.
2. Dấu hiệu bế sản dịch sau sinh mổ và sinh thường
Ra sản dịch sau sinh là điều hoàn toàn bình thường ở phụ nữ sau sinh. Mỗi sản phụ sẽ có những biểu hiện khác nhau. Tùy theo cơ địa từng người mà thời gian hết sản dịch cũng sẽ khác nhau. Tuy nhiên, có một đặc điểm chung của quá trình sản dịch chính là: máu ra loãng, ít dần, máu có màu nâu sẫm và quá trình này chỉ diễn ra tối đa đến 45 ngày.
Nếu sản phụ sau thời gian này nếu vẫn tiếp tục ra sản dịch, kèm theo các dấu hiệu dưới đây sẽ được xem là bất thường, chị em cần phải hết sức lưu ý:
- Sản phụ có triệu chứng bị sốt
- Căng tức, đau bụng vùng hạ vị
- Sờ vùng bụng thấy cứng, có cục ở trong.
- Âm đạo có rất ít sản dịch, có thể kèm theo mùi hôi do nhiễm trùng.
- Cổ tử cung đóng kín, đau nhiều khi ấn đáy tử cung.
Một trong những triệu chứng của bế sản dịch là đau bụng vùng hạ vị (Nguồn: Internet)
3. Nguyên nhân bế sản dịch sau sinh mổ và sinh thường
Có rất nhiều sản phụ thường có hiện tượng bể sản dịch sau mổ và sinh thường, các nguyên chính gây ra tình trạng này:
3.1 Do sinh mổ
Những người sinh mổ sẽ bị mất màu nhiều hơn khi sinh thường và làm cho tử cung của sản phụ co hồi chậm, kém nên sản sịch khó đẩy được ra hết.
3.2 Biến chứng sau sinh
Các trường hợp biến chứng sau sinh như thai to, đa ối, đa thai, quá trình chuyển dạ kéo dài,... cũng sẽ dễ làm cho sản phụ bị bế sản dịch sau sinh.
3.3 Chế độ sinh hoạt sau sinh không tốt
Việc các sản phụ sau sinh ít vận động, ít đi lại hoặc vệ sinh vùng kín không sạch sẽ nên dễ dẫn đến tình trạng nhiễm trùng và làm gia tăng hiện tượng bể sản dịch sau sinh.
3.4 Bị mất máu quá nhiều khi sinh
Bi mất máu khi sinh là chuyện bình thường nhưng khi bị mất quá nhiều sẽ dẫn tới tử cung co bóp chậm, kém và thậm chí mất hẳn khả năng co bóp để đẩy sản dịch ra ngoài.
3.5 Các yếu tố khách quan khác
Ngoài những yếu tố trên thì việc sức khỏe bà bầu suy kiệt, yếu sau sinh, cổ tử cung bị đóng kín,....cũng sẽ làm cho sản dịch khó thoát ra ngoài được.
4. Bế sản dịch có nguy hiểm không ?
ThS.BS Phan Thị Hằng – Phó Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương cho rằng, sản phụ bị bế sản dịch sau sinh mổ hay sinh thường cũng đều không thể chủ quan, bởi nếu không được can thiệp kịp thời sẽ có thể dẫn đến chứng rối loạn đông máu, chảy máu không cầm được, gây mất máu và nguy hiểm đến tính mạng.
Nhiều trường hợp sản phụ phải tái nhập viện vì bế sản dịch, đi kèm với tình trạng nhiễm trùng hậu sản gây đau bụng, sốt cao, sản dịch có mùi.
Một số trường hợp nghiêm trọng hơn là gây chảy máu ồ ạt, phải thực hiện truyền máu, hút dịch lòng tử cung, hoặc phải cắt bỏ tử cung nếu dùng thuốc không hiệu quả.
5. Cách phòng ngừa tình trạng bế sản dịch sau sinh thường và sinh mổ
Để đề phòng tình trạng ứ đọng sản dịch, sau khi sinh, sản phụ nhất thiết phải đi khám phụ khoa, để bác sĩ kiểm tra tử cung. Nếu phát hiện bế sản dịch, bác sĩ sẽ tiến hành kê đơn thuốc điều trị bế sản dịch sau sinh mổ, sinh thường nhằm kích thích co bóp tử cung, đẩy sản dịch ra ngoài.
Có quan niệm cho rằng, nằm gác chéo chân lên nhau sẽ giúp âm đạo nhanh khép lại, tuy nhiên, điều này là không hề tốt bởi sẽ làm ngăn cản sản dịch thoát ra ngoài. Thông thường, trong 10 ngày đầu sau sinh, tình trạng tử cung co hồi rất tốt (mỗi ngày có thể co hồi khoảng 1cm), để tống sản dịch ra ngoài.
Sản phụ lười vận động sau sinh sẽ ảnh hưởng đến quá trình co hồi của tử cung (Nguồn: Internet)
Nếu trong khoảng thời gian này, sản phụ lười vận động, nằm nhiều sẽ khiến tử cung không co hồi được. Chính vì thế các bác sĩ thường khuyên, nếu sản phụ muốn ngăn ngừa tình trạng bế sản dịch sau đẻ thì cần phải:
- Chỉ nên nằm yên nghỉ ngơi trong thời gian khoảng 8 tiếng đầu sau khi sinh, sau đó nên vận động, đi lại nhẹ nhàng.
- Cần chú trọng đến việc vệ sinh vết mổ, vết khâu tầng sinh môn để tránh viêm nhiễm, gây nhiễm trùng hậu sản. Thường xuyên thay băng 4 – 5 lần/ngày trong những ngày đầu tiên.
- Việc cho con bú sớm cũng là cách giúp tử cung dễ co hồi, bởi khi cho con bú sẽ tiết ra Oxytocin – chất nội tiết tố giúp khả năng co hồi tử cung được tốt hơn.
- Với những sản phụ có tử cung ngả trước và sinh thường thì có thể nằm sấp với thời gian từ 20 – 30 phút mỗi ngày để giúp sản dịch ra dễ dàng.
- Đi tiểu thường xuyên, từ 2 - 3 giờ sản phụ hãy đi tiểu 1 lần vì những ngày đầu khi sinh thì bàng quang của phụ nữ có thể kém nhạy cảm hơn bình thường nên khi bàng quang đầy dễ gây ra tình trạng tử cung khó co bóp hơn dễ dẫn tới sản dịch khó thoát ra ngoài.
- Các mẹ cũng có thể áp dụng các bài thuốc dân gian đã được chứng minh tốt cho sức khỏe phụ nữ sau sinh như rau dền, ngải cứu hoặc nghệ để giúp việc co hồi tử cung cũng như quá trình đẩy sản dịch ra ngoài được nhanh hơn.
Hiện tượng bế sản dịch sau sinh ở sản phụ là một vấn đề nghiêm trọng mà các mẹ bầu cần quan tâm và chú ý để tránh gây hại cho sức khỏe.