Giúp mẹ xử lý tình trạng tắc tia sữa tại nhà nhanh và hiệu quả

Có rất nhiều phụ nữ sau khi sinh bị tắc tia sữa nhưng lại không biết cách khắc phục khiến đôi ‘gò bông’ vô cùng căng tức, đau nhức, thậm chí bị áp xe, viêm vú... ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt.

Tắc tia sữa là một trong những rắc rối thường gặp nhất ở sản phụ sau sinh khi nuôi con bằng sữa mẹ. Khi bị tắc tuyến sữa, mẹ không chỉ gặp phải những cơn đau nhức, khó chịu mà còn có nguy cơ ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe sinh sản sau khi sinh.

1. Tắc tia sữa là gì?

Sữa mẹ được sản xuất từ các nang sữa, theo ống dẫn đổ về xoang chứa sữa, dưới sự kích thích của động tác bú mút của trẻ, sữa sẽ được chảy ra ngoài. Tuy nhiên, vì một lý do gì đó mà lòng ống dẫn sữa bị bít hẹp lại làm sữa không thể thoát ra được.

Tại chỗ tắc sẽ tạo thành hòn cục do hiện tượng sữa đông kết. Cùng lúc đó, sữa vẫn tiếp tục được tạo ra, khiến cho các ống dẫn trước chỗ tắc ngày càng căng giãn gây ra hiện tượng chèn ép các ống dẫn sữa khác khiến sữa bị tắc đồng loạt.

Hiện tượng này có thể khiến việc cho trẻ bú mút gặp nhiều khó khăn, đồng thời việc hút sữa để tích trữ cũng gặp nhiều đau đớn. Ngoài ra, nếu tình trạng tắc tia sữa kéo dài còn dẫn đến các vấn đề lớn hơn như: viêm vú hoặc nhiễm trùng vùng vú do dừng hẳn việc ra sữa.

1.1 Nguyên nhân khiến mẹ bị tắc tia sữa sau khi sinh

Có nhiều nguyên nhân khiến cho mẹ bị tắc tia sữa sau sinh, một số nguyên nhân điển hình như:

  • Mới sinh con: Sau khi sinh, một số phụ nữ sẽ gặp phải tình trạng tắc tia sữa. Mặc dù sữa có nhiều trong bầu ngực nhưng vẫn không thể chảy ra ngoài cho bé bú được. Việc ứ đọng sữa khiến bầu vú bị căng cứng, thậm chí mẹ có thể là bị sốt.
  • Ngực chịu áp lực: Những mẹ nào sau sinh mặc áo ngực quá chật hoặc bó hay bồng bế trẻ làm chèn ép đôi ‘gò bồng đảo’ cũng có thể khiến các tia sữa bị tắc. Ngoài ra, việc nằm sấp khi ngủ cũng có thể gây ra tình trạng tương tự.
  • Sữa mẹ dư thừa: Ở một số trường hợp, hiện tượng bị tắc 1 tia sữa hay nhiều tia sữa là do sữa mẹ còn dư thừa sau khi bé đã bú no. Việc mẹ ít hút sữa hoặc không hút hết sữa dư trong ngực cũng có thể dẫn đến việc sữa còn đọng lại và gây tắc nghẽn.

giup-me-xu-ly-tinh-trang-tac-tia-sua-tai-nha-nhanh-va-hieu-qua-voh

Con ngậm vú mẹ không đúng cách sẽ khiến sữa còn đọng lại tại bầu ngực (Nguồn: Internet)

  • Con ngậm vú mẹ không đúng: Khi bé ngậm ti mẹ không đúng cách, bé sẽ không thể bú đủ lượng sữa mẹ sản xuất ra. Khiến sữa vẫn còn tồn động trong bầu ngực và khiến mẹ bị tắc tia sữa.
  • Mẹ không cho trẻ bú thường xuyên: Khi mẹ không cho trẻ bú thường xuyên hoặc không hút hết sữa ra trong khoảng từ 5 giờ đến 1 ngày cũng có thể dẫn đến tình trạng tắc tia sữa.
  • Stress: Mẹ sau sinh bị căng thẳng, mệt mỏi sẽ làm chậm quá trình sản sinh hormone oxytocin - giúp giải phóng sữa mẹ.

1.2 Dấu hiệu nhận biết mẹ bị tắc tia sữa

Tình trạng tắc tia sữa có thể xảy ra bất cứ lúc nào dù mẹ đang ở giai đoạn đầu cho trẻ bú hay đã cho trẻ bú một thời gian. Mẹ có thể chú ý đến một số điểm sau đây để nhận biết hiện tượng tắc tia sữa.

  • Một số khu vực ở bầu ngực có hiện tượng cứng và khó chịu
  • Đau, tức ngực nhẹ
  • Các nốt sần nhỏ nổi trên ngực
  • Một số khu vực ở vùng ngực có cảm giác ấm nóng bất thường khi chạm vào

2. Cách chữa tia sữa tia không đau tại nhà mẹ có thể áp dụng

Nhiều mẹ khi thấy bị tắc tia sữa thường tạm dừng việc cho trẻ bú để ngăn chặn cơn đau. Tuy nhiên, điều này sai hoàn toàn. Cách chữa tắc tia sữa hiệu quả là nên duy trì việc cho bé bú sữa mẹ. Việc cho trẻ bú mẹ thường xuyên sẽ giúp tình trạng này giảm đi rất nhiều.

Bên cạnh đó, mẹ cũng có thể xử lý tắc tia sữa bằng một số biện pháp sau đây:

  • Cho bé bú bên ngực bị đau trước: Nếu bầu vú không quá đau đớn, mẹ nên cho trẻ bú ở phía bên ngực bị đau trước vì lúc này, trẻ sẽ bú bằng lực mạnh nhất để hút sữa mẹ, nhờ đó giúp khai thông các tia sữa bị tắc.
  • Thay đổi tư thế cho trẻ bú: Nếu thường xuyên cho trẻ bú ở tư thế bế thì mẹ có thể chuyển sang tư thế nằm nghiêng hoặc ôm banh để giúp sữa trong tia được hút hết ra ngoài.
  • Chườm ấm: Mẹ có thể chườm ấm quanh bầu ngực để giúp sữa chảy được đều đặn hơn.
  • Massage: Việc thường xuyên xoa bóp vùng ngực sẽ giúp hỗ trợ giảm đau và sưng.

giup-me-xu-ly-tinh-trang-tac-tia-sua-tai-nha-nhanh-va-hieu-qua-1-voh

Phụ nữ sau sinh nên uống nhiều nước (Nguồn: Internet)

  • Chế độ dinh dưỡng: Nếu mẹ bị tắc tia sữa mẹ nên uống nhiều nước, đồng thời bổ sung những loại thức ăn có khả năng tăng cường sức đề kháng cho cơ thể tránh gặp phải trường hợp tắc tia sữa gây sốt cao.
  • Nghỉ ngơi: Nghỉ ngơi hợp lý cũng là cách giúp mẹ hạn chế tình trạng tắc tia sữa. Vì thế, khi bé ngủ, mẹ nên cố gắng chợp mắt cùng con hoặc nếu có thể hãy nhờ người thân trông hộ bé để mẹ được nghỉ ngơi.

3. Có thể phòng tránh tình trạng tắc tia sữa bằng cách nào?

Ngoài việc quan tâm đến cách làm nhiều sữa mẹ sau khi sinh như thế nào cho hiệu quả và an toàn, thì mẹ cũng cần có biện pháp ngăn chặn nguy cơ bị tắc tia sữa sau sinh bằng cách:

  • Sau khi bé chào đời, hãy cho bé bú càng sớm càng tốt và cho bú liên tục theo nhu cầu của trẻ.
  • Đảm bảo giờ giấc cho bé bú hay hút sữa.
  • Uống nhiều nước, có thể uống gấp đôi lượng nước hằng ngày.
  • Sử dụng áo ngực hoặc quần áo rộng rãi.
  • Nghỉ ngơi đầy đủ.
  • Ăn uống đa dạng chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, cần hạn chế ăn các loại thức ăn có chứa chất béo bão hòa.

Tắc tia sữa có thể nói là nỗi khổ của các bà mẹ sau sinh, do đó, chị em phụ nữ cần nhớ rõ các biện pháp phòng ngừa cũng như xử lý khi phải tình trạng này. Nếu đã áp dụng tất cả các cách làm tại nhà nhưng vẫn không hiệu quả thì mẹ hãy đến bệnh viện để được hỗ trợ.