Xử lý thế nào khi trẻ tự nhiên biếng ăn cơm ?

(VOH) - Bỏ cơm chỉ ăn thịt là rất nguy hiểm. Nhiều phụ huynh đang lúng túng khi bé biếng ăn theo kiểu này.

* Bé 30 tháng tuổi, cao 95 cm, cân nặng 12 kg. Gần đây, bé không ăn cơm, chỉ ăn thức ăn hoặc không ăn mà chỉ đòi uống sữa. Có phải bé biếng ăn?

Theo Bác sĩ Đào Thị Yến Phi - Trưởng bộ môn Dinh dưỡng và An toàn Thực phẩm, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TPHCM, trường hợp này, bé bị thiếu cân nặng nhưng phát triển chiều cao tốt. Sữa chỉ giúp phát triển chiều cao, còn cân nặng thì phụ thuộc vào chế độ ăn, quan trọng nhất là chất bột đường.

Hiện tại, theo cách ăn của bé thì trong bữa ăn bé chỉ có đạm (thức ăn) mà thiếu bột đường (cơm).

Uống sữa thì tốt vì cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng. Chỉ duy nhất chất mà sữa không có là tinh bột. Như vậy sẽ không tốt cho bé. Năng lượng đang cần cho bé hơn do đó nên khuyến khích bé ăn một chén đầy chất bột mỗi bữa ăn (cơm, bánh mì, bánh phở, bún, hủ tíu)…), vài lát thịt cá.

Trường hợp bé bỏ cơm chỉ ăn thịt là rất nguy hiểm. Vì trong bữa ăn có quá nhiều đạm khi vào cơ thể sẽ tích tụ lại trở thành chất độc như amoniac, ure… ảnh hưởng không tốt đến gan, thận và mất chiều cao sau này vì bị tăng thải canxi qua đường thận.

Nghe BS Đào Thị Yến Phi tư vấn

Em bé nào cũng có giai đoạn gọi là biếng ăn sinh lý. Ảnh minh họa: internet

Em bé nào cũng có giai đoạn gọi là biếng ăn sinh lý hay còn gọi là giai đoạn khủng hoảng khi trẻ lên 3. Trường hợp bé đang ăn bình thường, nhưng sau đó biếng ăn 2, 3 tuần hay khó ăn hơn bình thường, kén ăn… đó là khi bé có thay đổi gì đó trong cuộc đời như: mới biết đi, mới biết đọc, mới biết xem ti vi, mới đi học... Tóm lại, trường hợp này, bé chỉ cần mẹ theo dõi, không cần phải làm gì, cũng không lo phát triển chiều cao của bé.

Cha mẹ cần lưu ý, cho bé ăn cân đối, không can thiệp thô bạo như ép bé ăn, khó chịu, lo lắng… dù có thay đổi đủ các món ăn thì bé cũng không ăn do tâm lý muốn được chú ý. Qua gia đoạn này, bé sẽ ăn uống bình thường như người lớn.

Nhiều phụ huynh xót khi thấy con không ăn nên tẩm bổ bằng cách cho ăn yến. Điều này có tốt ?

Cũng theo BS Yến Phi, yến chỉ cung cấp chất đạm, mà đạm thì cũng đã có trong thành phần của sữa, trứng. Bác sĩ khuyến cáo, trẻ dưới 18 tuổi không nên dùng yến vì nó kích thích tế bào hoạt động quá nhiều, làm tăng chuyển hóa cơn bản. Trẻ bị ép tế bào hoạt động phát triển quá nhiều thì không tốt.

Để bé phát triển toàn diện, ngoài chế độ chăm sóc, dinh dưỡng, bé cần được đến trường để chơi với các bạn cùng tuổi, học được cách ứng xử, hình thành tính cách cũng như cách ăn uống…

Để nuôi dạy bé được thông minh và khỏe mạnh là việc không dễ dàng, đòi hỏi các bậc cha mẹ phải trang bị kiến thức khoa học về nuôi dạy trẻ, đặc biệt là tâm lý của trẻ. Bé cần sự quan tâm, chăm sóc của bố mẹ nhưng không chiều chuộng, đặc biệt là nghiêm khắc trong việc ăn uống.