Bệnh nhân 49 tuổi đến khám vì trong thời gian gần đây thấy bụng mình to dần lên. Khoảng 1 tuần trước khi nhập viện, bụng to nhanh gây đau tức, chướng bụng khó thở, tay chân phù.
Tại bệnh viện, bệnh nhân được chụp CT160 lát kiểm tra. Kết quả cho thấy, hình ảnh tổn thương dạng nang lớn ổ bụng, khối u chứa dịch keo và tổ chức đặc kích thước lớn chiếm gần hết ổ bụng dưới và đẩy nội tạng lên trên. Bệnh viện tiến hành hội chẩn liên Khoa Sản Phụ Khoa, Ngoại Tổng Quát, Chẩn đoán hình ảnh, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân có khối u nang buồng trứng kích thước lớn và chỉ định phẫu thuật cắt bỏ khối u.
Trong lúc phẫu thuật, phẫu thuật viên thám sát ổ bụng thấy khối u đã vỡ, bản chất u là u nhầy, chất nhầy lan tràn khắp ổ bụng lên tới gan và túi cùng trước - sau, dính vào thành bụng và các quai ruột, nhầy đặc. Phẫu thuật viên thận trọng tiến hành bóc tách, mở rộng vết mổ để cắt bỏ nguyên khối u cùng toàn bộ tử cung, hai buồng trứng và mạc nối lớn, đồng thời kết hợp truyền hóa chất sau mổ để điều trị triệt để.
Xem thêm:
Quá trình bóc tách khối u “khủng” diễn ra trong 5 giờ phẫu thuật với gần 7 lít dịch nhầy được lấy ra ngoài, bệnh nhân mất máu ít nên sức khỏe tiến triển tích cực, phục hồi tốt ngay sau mổ, bệnh nhân tỉnh táo, các chỉ số ổn định.
Bác sĩ Huỳnh Thị Đào, Phó Trưởng Khoa Sản Phụ Khoa - Bệnh viện Xuyên Á chia sẻ thêm, trường hợp của bệnh nhân trên vào viện trong tình trạng khối u nang buồng trứng kích thước to tương đương với bụng bầu khoảng 5 tháng, chèn ép các tạng trong ổ bụng. Nếu không được phẫu thuật kịp thời, khối u sẽ gây chèn ép các cơ quan xung quanh, viêm phúc mạc, nhiễm trùng... có thể ảnh hưởng tới tính mạng bệnh nhân.
Qua đây, Bác sĩ Đào cũng khuyến cáo chị em phụ nữ cần khám sức khỏe định kỳ, nhất là khi phát hiện cơ thể có dấu hiệu bất thường để phát hiện bệnh và có hướng điều trị kịp thời, tránh trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra.
Bệnh viện Quốc tế City vừa phẫu thuật thành công dị tật bẩm sinh hiếm gặp ở bé gái 13 tuổi.
Trước đó, bé được đưa vào bệnh viện trong tình trạng toàn trạng bé xanh xao, khóc sướt mướt vì đau đớn trong vùng bụng. Hàng tháng mỗi lần đến kỳ kinh nguyệt, bé đau đớn bỏ ăn bỏ ngủ, bao nhiêu thuốc giảm đau cũng không giúp bé giảm được cơn đau, huyết kinh không thoát, bụng phình to.
Tại bệnh viện, bác sĩ chẩn đoán đây là một trường hợp bị teo hẹp bẩm sinh phần dưới âm đạo gây ứ máu kinh phần trên âm đạo và tử cung. Quyết định phẫu thuật được đưa ra với sự đồng thuận của mẹ bệnh nhi. Ca phẫu thuật này được tiên lượng rất khó do bé đã trải qua 1 lần phẫu thuật thất bại trước đó, các mô sẹo của lần mổ cũ có thể gây dầy dính biến dạng cấu trúc cơ thể học bình thường.
Bác sĩ Tạ Thị Thanh Thủy, Trưởng khoa Phụ sản – Bệnh viện Quốc tế City đã chủ trì kíp mổ, thực hiện ca mổ thành công, thoát lưu được khoảng 600 ml máu cũ ứ đọng trong tử cung và âm đạo của bé, tái tạo mới hoàn toàn phần âm đạo bị teo. Ca mổ được hoàn thành mà không có bất kỳ biến chứng nào xảy ra.
Bác sĩ Thuỷ cho biết đây vốn là một loại phẫu thuật khó vì hiếm gặp, và khó hơn nữa vì người bệnh đã trải qua một cuộc mổ trước thất bại. Bác sĩ cũng cho biết, kỹ thuật mổ mà bác sĩ áp dụng là một kỹ thuật mới với tỷ lệ thành công > 90% nhưng đòi hỏi người phẫu thuật viên phải được đào tạo kỹ lưỡng.
Bé bị teo hẹp 1/3 dưới âm đạo, một dị dạng bẩm sinh hiếm gặp trên thế giới, tỷ lệ khoảng 1/10.000 đến 1/5.000 trẻ gái sinh sống. Các bé gái mang dị tật từ lúc mới sinh, nhưng thường không được phát hiện cho đến tuổi dậy thì.
Khi tới chu kỳ kinh, huyết kinh không có lối thoát ra ngoài mà bị ứ đọng lại ở phần trên âm đạo, lâu ngày dội ngược gây ứ đọng toàn bộ tử cung và 2 bên phần phụ gây đau đớn. Trước đó 6 tháng bé đã trải qua một cuộc phẫu thuật, song thất bại.
Qua ca bệnh này, Bác sĩ mong muốn các bậc phụ huynh có bé gái lưu ý khi vào “tuổi dậy thì” nếu hằng tháng bé cứ đau bụng mà không thấy có kinh nguyệt như bình thường thì kịp thời cho bé khám chuyên khoa xem có bất thường hay không.