Chờ...

Xương cá 15 mm đâm vào thực quản

VOH - Bệnh nhân đau nhói vùng ngực suốt đêm sau bữa tối có món cá chép đã được cấp cứu khẩn cấp, nội soi thực quản dạ dày phát hiện mảnh xương cá đâm vào thực quản.

Bác sĩ chuyên khoa II Hồ Thị Bích Thủy, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM vừa tiến hành nội soi cho bệnh nhân tên Hương (56 tuổi, TPHCM) và gắp trọn mảnh xương cá chép dài 15 mm, đâm vào vị trí 1/3 giữa thực quản.

xương cá
Mảnh xương cá chép đâm vào thành thực quản khiến bà Hương đau tức ngực dữ dội - Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Bà Hương cho biết, tối hôm trước bà ăn cá chép, ngay sau bữa ăn, bà cảm giác đau và nóng rát vùng giữa ngực (dọc xương ức), đặc biệt nóng rát và đau nhiều khi bệnh nhân nuốt nước miếng, uống nước.

Dù áp dụng nhiều cách như uống nhiều nước, nuốt cục cơm lớn… nhưng triệu chứng không thuyên giảm, cảm giác đau tức ngực tăng nặng suốt đêm nên sáng hôm sau bà được đưa đi cấp cứu.

Với những triệu chứng trên, bác sĩ nghi ngờ bà Hương mắc dị vật đường tiêu hóa. Sau khi đánh giá tình trạng sức khỏe, các bác sĩ tiến hành nội soi thực quản – dạ dày – tá tràng, kiểm tra đường tiêu hóa cho người bệnh.

Tuy nhiên, vì bệnh nhân lớn tuổi, lại có tiền căn tăng huyết áp, thiếu máu cơ tim, đái đường type 2, nên bác sĩ cấp cứu thận trọng đo điện tim và xét nghiệm men tim trước khi đưa bệnh nhân đi soi lấy dị vật xương cá đường tiêu hóa.

Qua 10 phút nội soi thực quản – dạ dày – tá tràng không đau (gây mê) tìm dị vật, bác sĩ Thủy đã gắp ra mảnh xương cá đang đâm ngang thành thực quản.

Sau khi mảnh xương được lấy ra, bà Hương bớt đau, thành thực quản không chảy máu, chỉ xước nhẹ ở chỗ mảnh xương đâm vào. Bệnh nhân có thể ăn cháo loãng, sức khỏe ổn định và xuất viện sau 2 ngày.

Bác sĩ Thủy cho biết, nuốt dị vật trong lúc ăn uống như xương cá, xương gà vịt… là tình trạng khá thường gặp. Dị vật có thể gặp ở bất kỳ vị trí nào trên ống tiêu hóa, từ thực quản đến hậu môn. Tùy vào vị trí nông, sâu mà dị vật sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe và xảy ra biến chứng.

Nếu dị vật mắc ở vùng họng – thanh quản sẽ thực hiện thủ thuật nội soi bằng đường miệng để gắp ra dễ dàng mà không cần phải gây mê.

Khi không xử lý kịp thời, xương sẽ di chuyển xuống phần ống tiêu hóa như thực quản, dạ dày, ruột non, ruột già, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Xương đâm thủng thực quản sẽ gây áp xe trung thất, rò thực quản, tụ máu hầu họng, tràn mủ màng phổi, màng tim, gây viêm phổi, thậm chí gây tử vong.

Trường hợp của bà Hương, xương cá đâm vào thành thực quản, nhưng chỉ viêm xước nhẹ, gây đau ngực nhờ can thiệp sớm.

Nếu xương làm tổn thương dạ dày, ruột non, ruột già sẽ gây biến chứng viêm phúc mạc, nhiễm trùng ổ bụng toàn thể hoặc khu trú.

Dị vật đâm xuyên ra ngoài ổ bụng gây tổn thương các tạng xung quanh, đe dọa tính mạng. Trường hợp dị vật gây thủng hoặc đi xuống vị trí sâu như ruột non sẽ cần mổ để gắp dị vật, súc rửa ổ bụng, xử lý lỗ thủng ở ruột non.

Bác sĩ Bích Thủy khuyến cáo, để tránh những biến chứng nguy hiểm trên, nhất là trong những dịp lễ tết, mọi người cần ăn uống cẩn thận. Khi ăn cá, gà, vịt… có nhiều xương cần gỡ xương cẩn thận, nhai kỹ thức ăn trước khi nuốt.

Khi biết mình mắc phải xương nên đến ngay các cơ sở y tế, bệnh viện để được xử lý sớm. Người dân không nên dùng các mẹo dân gian chưa được kiểm chứng khiến dị vật xuống sâu hơn, gây ra những biến chứng nguy hiểm.