Y tế thông minh: để phục vụ người bệnh những điều tốt nhất

(VOH) - Một luồng gió mới của việc ứng dụng y tế thông minh ở TPHCM đã tạo ra xu thế chuyển động mới, tăng tiện ích cho người bệnh, đạt mục tiêu tối ưu hóa điều trị.

Các cơ sở y tế TPHCM sớm tiếp cận ứng dụng các phần mềm mang lại hiệu quả và lợi ích cho bệnh nhân, hiện thực hóa “Đề án Y tế thông minh” của Thành phố. 

Giấc mơ xã đảo đã thành hiện thực

Gần đây, năng lực y tế tại xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ được nâng cao rõ rệt. Các bác sĩ trẻ ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong phát hiện các bất thường trên phim X-quang phổi. 

Lần đầu tiên trên cả nước, cùng với việc đưa các bác sĩ trẻ tình nguyện ra xã đảo, ngành y tế Thành phố đã đưa máy X-Quang kỹ thuật số có tích hợp trí tuệ nhân tạo AI đến với trạm y tế xã Thạnh An.

Các bác sĩ sẽ dễ dàng đọc được đầy đủ các thương tổn có trên X-quang phổi, và kết nối hệ thống PACs, khi cần hội chẩn và xin ý kiến các bác sĩ chuyên khoa về chẩn đoán các bệnh có liên quan các tổn thương trên X-quang phổi.

Với các hoạt động và sản phẩm công nghệ sáng tạo này, chỉ chưa tới 15 phút, các bác sĩ trẻ tình nguyện đã có một chẩn đoán chính xác và phác đồ điều trị rõ ràng cho người bệnh.

Y tế thông minh: để phục vụ người bệnh những điều tốt nhất 1
Máy X-quang tại giường hiện đại có tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) và hệ thống PACS được lắp đặt tại trạm y tế xã đảo Thạnh An - Ảnh: Sở Y tế TPHCM

Bác sĩ Lê Phúc An - một trong hai bác sĩ tình nguyện đầu tiên đến công tác tại xã Thạnh An, chia sẻ: "Bệnh nhân ở xã đảo Thạnh An chủ yếu là người lớn tuổi với các bệnh thường là huyết áp, tiểu đường. Công nghệ mới của máy X-quang này là tích hợp trí tuệ nhân tạo hiện đại nhất."

Bác sĩ Luân Thanh Trường, Trưởng trạm y tế xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ xúc động nói: "Đến nay Trạm y tế Thạnh An đã có nhiều trang thiết bị hiện đại hơn như siêu âm, X-quang, điện tim... có những bước đột phá về nhân sự, có bác sĩ tình nguyện về đây".

Phần mềm AI này do các tác giả Trần Đặng Minh Trí, Trần Đặng Đình Áng tạo ra được nhiều nước có nền y tế tiên tiến công nhận như Úc, Nhật. Họ từng là những trí thức trẻ của Thành phố mong muốn được mang sản phẩm trí tuệ này đến người dân xã đảo Thạnh An như là món quà của một trí thức trẻ từng được sinh sống, học tập tại Thành phố.

Tác giả phần mềm - Trần Đặng Minh Trí nhớ lại cơ duyên mà mình đã mang sản phẩm trí tuệ nhân tạo này về xã đảo: "Giám đốc Sở Y tế đề ra một ý nguyện làm sao sản phẩm này xuất hiện tại xã đảo Thạnh An – nơi khó khăn nhất – đó là điều tuyệt vời". Trong 2 tuần, chúng tôi lên kế hoạch để triển khai ngay ứng dụng này cho xã đảo.

Người dân tại xã đảo vui mừng, Cô Nguyễn Thị Mai Hương sinh sống tại xã đảo phấn khởi bộc bạch: "bà con ở đảo bị bệnh đi xa tốn kém lắm, nhiều người không có tiền không dám lên TP khám bệnh, bây giờ có được sự quan tâm đầu tư y tế hiện đại ở đây, bà con không phải đi xa nữa ai cũng vui mừng. Cám ơn sự đầu tư của chính quyền, của ngành y tế".

Luồng gió mới của việc ứng dụng y tế thông minh

Thành phố Hồ Chí Minh đã phê duyệt “Đề án Y tế thông minh giai đoạn 2020 - 2025 và tầm nhìn 2030”.

Ngành y tế Thành phố đã triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử; xây dựng dữ liệu lớn về sức khỏe và mô hình bệnh tật của người dân; triển khai số hoá tăng tiện ích trong quản lý và cho người bệnh; xây dựng Trung tâm điều hành thông minh của ngành Y tế Thành phố.

Bệnh viện Ung Bướu Thành phố ứng dụng phần mềm "IBM Watson for Oncology" sử dụng trí tuệ nhân tạo nhằm lựa chọn giải pháp điều trị tốt nhất cho người bệnh ung thư. 

Y tế thông minh: để phục vụ người bệnh những điều tốt nhất 2
Các bác sĩ ứng dụng robot phẫu thuật u não tại Bệnh viện Nhân dân 115 - Ảnh: TTBC TPHCM

Bệnh viện Nhân dân 115, áp dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo RAPID trong chẩn đoán và đưa ra hướng điều trị can thiệp lấy huyết khối điều trị nhồi máu não cho người bệnh giúp tăng tỷ lệ cứu sống bệnh nhân, giảm tỷ lệ tàn phế. 

Thực hiện từ giữa năm 2019, phần mềm giúp mở rộng cửa sổ điều trị lên 24 giờ so với 6 giờ như trước đây, tăng thêm cơ hội cứu sống bệnh nhân.

Hiện nay, 50% bệnh nhân đột quỵ đến Bệnh viện Nhân dân 115 sau giờ vàng trong khoảng thời gian từ 6 đến 24 giờ được can thiệp nội mạch nhờ ứng dụng này.

Tiến sĩ. Bác sĩ Phan Văn Báu - Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 chia sẻ: "Phần mềm này hỗ trợ bác sĩ rất hiệu quả, phân tích não bộ con người, giúp bác sĩ tránh tối đa tổn thương các dây thần kinh khi phẫu thuật, đó là điểm nổi trội mà bình thường khó lòng làm được".

Theo Phó Giáo sư-Tiến sĩ Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế Thành phố, ngành y tế đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ để giải quyết ba thách thức lớn của ngành y tế: Xây dựng các công cụ, giải pháp, mô hình quản trị điều hành hệ thống y tế; Ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo phục vụ điều trị, chăm sóc sức khoẻ người dân; Kết nối, thu hút các nguồn lực xã hội để hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực sức khoẻ.

Hòa cùng xu thế phát triển của thế giới, tận dụng thế mạnh nền tảng số và sự cần thiết của y tế thông minh trong bối cảnh hiện nay, ngành y tế TPHCM bắt đầu cho sự chuyển động số hoá toàn cục, hướng đến y tế thông minh điều trị hiệu quả tối ưu cho người bệnh.