Yêu cầu làm rõ nguyên nhân nhiều địa phương có tỉ lệ tiêm vắc xin Covid-19 thấp

(VOH) - Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 yêu cầu các địa phương có tỉ lệ tiêm chủng thấp rà soát, xem xét trách nhiệm, làm rõ nguyên nhân chưa hoàn thành việc tiêm vắc xin Covid-19.

Tính đến ngày 19/9/2022, cả nước đã tiêm hơn 259,4 triệu liều vắc xin Covid-19 các loại. Bên cạnh các địa phương tiêm nhanh vẫn có hàng chục tỉnh, thành tiêm chậm mũi 3 cho các đối tượng theo hướng dẫn; tiêm cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi thấp, có địa phương mũi 2 mới đạt gần 26%, trong khi tỉ lệ chung của cả nước là 60%.

Bộ Y tế đánh giá, tỉ lệ tiêm vắc xin Covid-19 cho các nhóm đối tượng đã tăng sau một thời gian chững lại nhưng vẫn chưa bảo đảm yêu cầu tại một số nơi, tiến độ tiêm chủng còn chậm, tỉ lệ tiêm chủng vắc xin nhất là cho trẻ em còn thấp, trong khi Tổ chức Y tế thế giới đánh giá thế giới vẫn đang trong giai đoạn đại dịch và cảnh báo về những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có thể làm cho dịch Covid-19 trở nên phức tạp và gia tăng trở lại.

tiêm vắc xin Covid-19
Điểm tiêm tại Bệnh viện Đa khoa thành phố Lào Cai (Ảnh: Bộ Y tế)

Xem thêm: Thông điệp chống dịch Covid-19 giảm còn 2K+

Thông tin tại Phiên họp thứ 17 của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 trực tuyến với các địa phương, tình hình dịch Covid-19 trong nước vẫn đang được kiểm soát; tuy nhiên vẫn tiềm ẩn nguy cơ diễn biến phức tạp, khó lường do: virus biến đổi, xuất hiện các biến thể mới; hiệu lực bảo vệ của vắc xin suy giảm theo thời gian; các dịch bệnh thông thường, dịch bệnh theo mùa có xu hướng gia tăng dẫn đến nguy cơ dịch chồng dịch; có tâm lý lơ là, chủ quan ở một bộ phận người dân và chính quyền một số địa phương; tác động tiêu cực của tình trạng biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan.

Do đó, các ngành, các cấp, các địa phương khẩn trương hoàn thành việc tiêm vắc xin theo mục tiêu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia đã đề ra, hướng dẫn của Bộ Y tế, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả.

Các tỉnh, thành phố có tỉ lệ tiêm chủng thấp nghiêm túc rà soát, xem xét trách nhiệm các cấp, làm rõ nguyên nhân chưa hoàn thành việc tiêm vắc xin để khẩn trương có biện pháp khắc phục.

Cùng với đó, Bộ Y tế sẽ tiếp tục bảo đảm cung ứng phân bổ đầy đủ, kịp thời vắc xin phòng Covid-19 theo nhu cầu của địa phương, không để thiếu vắc xin.

Các Bộ sẽ cùng phối hợp sớm giải quyết triệt để tình trạng thiếu thuốc vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh, đặc biệt là cho phòng, chống dịch Covid-19, sẵn sàng đáp ứng mọi tình huống của dịch bệnh. Đặc biệt, không để tiếp diễn, kéo dài tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế do vướng mắc về thủ tục, quy định và do thiếu trách nhiệm.

Tại TPHCM, trong bốn tuần gần đây, số ca mắc Covid-19 nhiễm biến chủng BA.5 đang chiếm ưu thế. Hiện tại, tất cả các bệnh viện đều có khoa điều trị Covid-19 nên Sở Y tế TPHCM đã yêu cầu các bệnh viện theo dõi sát diễn tiến của dịch. Trường hợp cần thiết ngành y tế Thành phố sẽ cho khởi động Bệnh viện dã chiến số 13 theo các kịch bản đã được xây dựng sẵn.

Điều đáng lo ngại nhất là tỉ lệ tiêm vắc xin Covid-19 mũi nhắc lại tại TPHCM thấp. Đối với mũi tiêm nhắc lần 2 (mũi 4) - TPHCM hiện chỉ đạt tỉ lệ tiêm 51,5%; đối với nhóm từ 5 đến dưới 12 tuổi tỉ lệ tiêm của TPHCM chỉ đạt 62,1%; đối với mũi 2, TPHCM có tỉ lệ tiêm thấp 34,6%...

Theo chuyên gia, dịch Covid-19 chưa thể kiểm soát nên vắc xin vẫn là biện pháp quan trọng phòng, chống dịch. Người dân TPHCM có thể truy cập website của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật thành phố để cập nhật thông tin điểm tiêm mỗi ngày để tiêm phòng sớm nhất.