10 bệnh về lưỡi thường gặp, ai cũng nên biết

(VOH) - Có bao giờ bạn quan sát và thử nhận biết những điều bất thường trên lưỡi bạn không? Hành động kiểm tra này sẽ giúp bạn dễ dàng nhận biết các bệnh về lưỡi thường gặp đấy.

Lưỡi là cơ quan được cấu tạo từ các nhóm cơ chịu trách nhiệm giúp chúng ta nhận biết mùi vị thức ăn, nhai nuốt và nói chuyện. Nếu lưỡi của bạn có màu hồng và có nhiều nhú lưỡi xung quanh, điều này cho thấy lưỡi của bạn đang rất khỏe mạnh. Tuy nhiên, nếu lưỡi đổi màu hoặc đau nhói, sưng tấy thì bạn không được chủ quan, bởi đó là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý về lưỡi cần được điều trị ngay.

Dưới đây là các bệnh về lưỡi thường gặp nhất.

10-benh-ve-luoi-thuong-gap-ai-cung-nen-biet-voh-1

Nhận biết bệnh về lưỡi qua các dấu hiệu bất thường ở lưỡi (Nguồn: Internet)

1. Viêm lưỡi bệnh lý

Viêm lưỡi bệnh lý là do nhiễm khuẩn, nấm, mẫn cảm hoặc triệu chứng của một bệnh khác (cơ thể thiếu vitamin, đặc biệt là vitamin B, thiếu vitamin PP, thiếu máu ác tính hoặc thiếu sắt). Một số bệnh da phát triển toàn thân như lichen phẳng, áp tơ, giang mai, ung thư,…cũng có thể gây viêm lưỡi bệnh lý.

Biểu hiện của viêm lưỡi bệnh lý là lưỡi có thể đỏ, sưng to, xuất hiện mụn rộp, nứt kẽ lưỡi, loét hoặc nhợt nhạt, láng bóng, trơn nhẵn, đau hoặc không đau.

Người bệnh điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ, có thể sử dụng kháng sinh nếu nhiễm vi trùng, kháng virus nếu do virus, kháng nấm nếu viêm do nấm, bổ sung vitamin nếu viêm lưỡi do thiếu vitamin. Ngoài ra, bệnh nhân cần vệ sinh răng miệng sạch sẽ, tránh các chất kích thích cay nóng, bia rượu.

2. Viêm lưỡi di trú

Bệnh viêm lưỡi di trú thường không có những triệu chứng rõ ràng, xuất hiện những vùng hơi đỏ dạng teo có viền bao bọc màu vàng nhẹ, thường xuất hiện trên mặt lưng của lưỡi nhưng cũng có thể xuất hiện ở cả mặt trước bụng lưỡi hay sàn miệng.

Viêm lưỡi di trú tuy không nguy hiểm và thường tự khỏi nhưng cũng gây khó chịu cho người bệnh. Có thể điều trị triệu chứng bằng cách súc miệng với nước muối sinh lý và vệ sinh răng miệng sạch sẽ.

3. Viêm lưỡi bản đồ

Khi trên lưỡi có những vết như hình bản đồ, viền màu trắng, phía trong đỏ đậm hơn màu lưỡi bình thường và dần dần loang rộng ra là biểu hiện của bệnh viêm lưỡi bản đồ.

Khi bị viêm lưỡi bản đồ, bạn có thể điều trị bằng thuốc giảm đau, kháng viêm, thuốc bôi tại chỗ theo chỉ định của bác sĩ. Súc miệng thường xuyên, vệ sinh răng miệng sạch sẽ để bảo vệ vùng viêm lưỡi không bị viêm và mau chóng lành bệnh. Bên cạnh đó, bạn nên tránh những thức ăn cay, nóng và đồ uống có cồn làm chỗ viêm lưỡi nặng thêm.

4. Loét lưỡi Apthae

Hiện tượng loét lưỡi Apthae là khi lưỡi xuất hiện các vết loét ở mặt bụng lưỡi hay ở chóp lưỡi khiến bệnh nhân rất khó chịu và đau, ảnh hưởng đến chức năng nhai và phát âm. Bệnh nhân cần được điều trị theo đơn thuốc của bác sĩ, có thể bôi tại chỗ hoặc uống toàn thân.

Người mắc bệnh này nên làm thêm các xét nghiệm để xem có bị thiếu máu hay không.

5. Lưỡi trắng

Biểu hiện của bệnh lưỡi trắng là lưỡi không còn hồng tươi như bình thường mà có màu trắng toàn bề mặt lưỡi do viêm nhiễm gây nên. Bệnh lưỡi trắng chủ yếu do thói quen vệ sinh răng miệng chưa tốt, mắc chứng hôi miệng, khô miệng hoặc do hút thuốc lá và uống rượu bia.

Khắc phục tình trạng trắng lưỡi rất đơn giản, người bệnh chỉ cần vệ sinh răng miệng sạch sẽ, cạo lưỡi đều đặn, uống nhiều nước lọc và các loại nước hoa quả nhằm giúp sạch miệng, sạch lưỡi.

6. Bạch sản

Tổn thương lưỡi dạng bạch sản là những mảng trắng đồng đều thường xuất hiện ở bờ bên của lưỡi, đa số là lành tính nhưng vẫn có thể trở thành ác tính.

7. Ung thư lưỡi

Đây là loại ung thư thường gặp nhất ở vùng miệng và lưỡi. Ung thư lưỡi có thể xuất hiện dưới hình thức là một bạch sản trước đó hoặc hoàn toàn không có triệu chứng gì. Triệu chứng thường gặp là phát hiện thấy một vết loét lâu lành, màu trắng hay đỏ ở bờ bên của lưỡi, không đau.

Bệnh được chẩn đoán qua giải phẫu bệnh, điều trị phẫu thuật sớm có thể kết hợp với hóa hay xạ trị.

10-benh-ve-luoi-thuong-gap-ai-cung-nen-biet-voh-2

Khi lưỡi thay đổi về màu sắc hoặc xuất hiện vết loét, khối u thì nên đi khám ngay (Nguồn: Internet)

8. Bệnh nứt lưỡi

Đây là một tình trạng bẩm sinh, lành tính, trên bề mặt lưỡi có các rãnh sâu, trong đó có rãnh sâu nhất, rộng nhất chạy dọc ở chính giữa lưỡi. Các rãnh ở rìa lưỡi thì ngắn hơn và nông hơn. Niêm mạc lưỡi vẫn bình thường, vẫn phủ lên các rãnh đó, không đau, không cộm nhưng dễ bị nhiễm khuẩn hoặc nhiễm nấm thứ phát nếu vệ sinh răng miệng không tốt.

9. Chứng cứng lưỡi

Chứng cứng lưỡi có tên khoa là Ankyloglossia, là một sự phát triển bất thường và ít gặp của lưỡi. Bệnh đặc trưng là cử động động tác đưa ra hay đưa lưỡi vào hay đưa qua lại gặp nhiều khó khăn. Bệnh ít ảnh hưởng đến rối loạn phát âm.

10. Bệnh nhiễm nấm lưỡi do Candida Albican

Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nam cũng như nữ. Biểu hiện lúc đầu thường xuất hiện ở niêm mạc có tính chất đỏ sẫm, sau đó xuất hiện các mảng trắng như sữa đóng cục lại, các mảng trắng dính chặt vào niêm mạc, cạo mảng trắng thấy niêm mạc đỏ và dễ rịn máu, vị trí thường gặp là lưng lưỡi.

Lời khuyên: Các bệnh về lưỡi tuy có bệnh lành tính nhưng cũng có một số bệnh ác tính gây nguy hiểm cho sức khỏe. Vì vậy, việc phòng bệnh cho lưỡi là việc làm hết sức cần thiết, cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, bảo vệ lưỡi bằng cách thực hiện tốt vệ sinh răng miệng, khám lưỡi định kỳ, phát hiện sớm những bất thường để điều trị kịp thời.

Bình luận