Chờ...

9 nguyên nhân gây hoa mắt chóng mặt và chế độ ăn uống giúp cải thiện

(VOH) – Xây xẩm, choáng váng là thuật ngữ y học dùng để mô tả 2 cảm giác khác nhau, đó là hoa mắt và chóng mặt. Thế nhưng, bạn có biết hoa mắt chóng mặt lại là biểu hiện của rất nhiều bệnh lý?

Hoa mắt là cảm giác mà người bệnh cảm thấy họ sắp té xỉu. Tình trạng này sẽ được cải thiện hoặc biến mất khi bệnh nhân được nằm nghỉ ngơi, tuy nhiên, nếu trầm trọng bệnh nhân có thể bị bất tỉnh. Ngoài ra, người bị hoa mắt đôi khi còn có cảm giác buồn nôn hoặc ói mửa.

Chóng mặt là cảm giác mà bệnh nhân cảm thấy xung quanh họ chuyển động, cảm giác như họ bị xoay vòng vòng, làm mất thăng bằng. Khi cơn chóng mặt nghiêm trọng, bệnh nhân có thể sẽ bị nôn ói, gặp khó khăn khi đứng hoặc đi và dễ bị té ngã do mất thăng bằng.

Theo BS Dương Đình Phúc - Chủ nhiệm Khoa nội tâm thần kinh (BV 354), mọi người không nên coi thường triệu chứng hoa mắt, chóng mặt. Khi cơ thể có biểu hiện hoa mắt, chóng mặt nghĩa là sức khỏe không được bình thường. Nếu chỉ xuất hiện thoáng qua rồi hết, thỉnh thoảng có lặp lại nhưng xuất hiện ngắn thường là lành tính, chỉ cần tăng cường nghỉ ngơi và có chế độ dinh dưỡng đầy đủ là ổn định. Tuy nhiên, nếu các dấu hiệu xuất hiện kéo dài, không cải thiện thì thường sẽ kèm các bệnh lý nguy hiểm khác.

1. 9 nguyên nhân gây ra tình trạng hoa mắt chóng mặt

Có rất nhiều nguyên nhân có thể gây ra tình trạng hoa mắt chóng mặt buồn nôn, nhưng 9 nguyên nhân dưới đây được xem là điển hình nhất:

1.1 Mất nước hoặc quá nóng

Nắng nóng mùa hè không chỉ dễ khiến cơ thể bị say nắng, say nóng mà còn gây mất nước và dẫn đến hoa mắt chóng mặt. Tình trạng mất nước sẽ làm lượng đường huyết giảm mạnh, khiến cơ thể mệt mỏi, kiệt sức kéo dài và có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.

1.2 Thiếu máu

Khi hàm lượng chất sắt trong cơ thể bị thiếu sẽ gây ra thiếu máu và làm xuất hiện các chứng bệnh liên quan đến thiếu máu mà biểu hiện dễ nhận biết nhất chính là hoa mắt chóng mặt dẫn đến suy giảm năng lượng, mệt mỏi triền miên.

1.3 Bệnh BPPV

BPPV (Benign Paroxysmal Positional Vertigo) là bệnh chóng mặt tư thế lành tính kịch phát, do bị tích tụ các mảng tiểu cầu (hay còn gọi là đá tai) bên trên tai trong, có thể gây tổn thương và nhiễm trùng.

9-nguyen-nhan-gay-hoa-mat-chong-mat-va-che-do-an-uong-giup-cai-thien-voh

Có rất nhiều nguyên nhân có thể gây ra tình trạng hoa mắt chóng mặt (Nguồn: Internet)

Có khoảng 20% người bị BPPV có triệu chứng hoa mắt, chóng mặt. Ngoài ra, còn kèm theo các triệu chứng khác như: lâng lâng trong đầu, mất thăng bằng và buồn nôn, gặp nhiều nhất là khi đứng dậy ra khỏi giường vào buổi sáng.

1.4 Bệnh Meniere

Những đối tượng từ 40 – 50 tuổi thường có khả năng bị rối loạn tai trong (Meniere). Người mắc bệnh này hay bị hoa mắt chóng mặt và còn xuất hiện tình trạng ù tai, giảm thính lực hoặc giảm áp lực trong tai, có cảm giác buồn nôn.

1.5 Đột quỵ thoáng qua

Hoa mắt chóng mặt không phải là triệu chứng ban đầu của một cơn đột quỵ. Tuy nhiên, nếu bị hoa mắt chóng mặt kèm theo những thay đổi ở một bên cơ thể, thị lực giảm, đau đầu dữ dội hoặc khó phát ngôn thì tuyệt đối không thể xem thường, nên đưa bệnh nhân đến bệnh viện càng sớm càng tốt.

1.6 Suy nhược cơ thể

Suy nhược cơ thể có thể gặp ở rất nhiều đối tượng khác nhau. Các triệu chứng thường gặp ở người suy nhược cơ thể là rối loạn giấc ngủ, nhức đầu thường xuyên, chán ăn, sụt cân... và có cả tình trạng bị hoa mắt chóng mặt buồn nôn nhiều.

1.7 Huyết áp thấp

Huyết áp thấp được xem là một trong những nguyên nhân gây ra hiện tượng hoa mắt chóng mặt tê chân tay. Mức huyết áp dưới 100/60 được xem là huyết áp thấp.

1.8 Hạ đường huyết

Lượng đường huyết bị tụt có thể gây chóng mặt. Ngoài ra, bệnh nhân bị tiểu đường có thể bị hoa mắt do có quá nhiều hoặc quá ít insulin. Ở những người không mắc bệnh tiểu đường nhưng nếu làm việc quá sức hoặc luyện tập nhiều, không có chế độ ăn uống phù hợp cũng có thể gây chóng mặt hoa mắt.

1.9 Tác dụng phụ của thuốc

Một số loại thuốc có thể gây ra tác dụng phụ làm ù tai, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn. Chẳng hạn như thuốc chống trầm cảm, thuốc điều trị tăng huyết áp... Những loại thuốc này có khả năng ức chế sự chuyển hóa men trong cơ thể và dẫn đến chóng mặt, hoa mắt.

Ngoài ra, tình trạng bị ù tai hoa, mắt chóng mặt, buồn nôn cũng có thể là do bệnh tim, hội chứng tiểu não, thường xuyên sử dụng các chất kích thích, bị say tàu xe, tâm trạng hoảng loạn...

2. Cần làm gì khi bị hoa mắt chóng mặt?

Tình trạng hoa mắt chóng mặt có thể xảy ra ở nhiều cấp độ khác nhau. Tùy vào từng mức độ sẽ có những cách khắc phục cụ thể.

2.1 Mức độ nhẹ

Người bệnh có thể tự điều trị bằng cách không di chuyển một cách đột ngột. Dùng tay day ấn các huyệt ở đầu (thái dương, bách hội) hoặc dán cao...

2.2 Mức độ vừa

9-nguyen-nhan-gay-hoa-mat-chong-mat-va-che-do-an-uong-giup-cai-thien-1-voh

Uống nước gừng có thể làm giảm tình trạng buồn nôn kèm chóng mặt hoa mắt (Nguồn: Internet)

Nếu bị hoa mắt chóng mặt, buồn nôn mức độ vừa. Có thể làm giảm tình trạng bằng cách dùng gừng tươi khoảng 10g, làm sạch, giã nhỏ. Rót vào khoảng 100 – 150ml nước thật sôi, khuấy đều, gạn lấy nước và thêm đường đủ ngọt rồi uống lúc còn nóng. Nước gừng tươi có thể làm giảm triệu chứng buồn nôn hiệu quả.

Ngoài ra, bệnh nhân nên nằm yên, không nên thay đổi vị trí một cách đột.

2.3 Mức độ nặng

Bị hoa mắt chóng mặt mức độ nặng nên đưa bệnh nhân đến nơi yên tĩnh, tránh ánh sáng hoặc tiếng động và cho bệnh nhân uống nước gừng tươi theo công thức trên. Sau khi bệnh nhân đã khỏe hơn hãy đưa bệnh nhân đến gặp bác sĩ để được thăm khám cụ thể.

Thai phụ nên thận trọng với tình trạng hoa mắt chóng mặt

Phụ nữ cũng có thể bị hoa mắt chóng mặt khi mang thai, nguyên nhân chính là do sự tăng lên của hormone làm dãn, mở rộng thành mạch máu.

Để khắc phục tình trạng này, thai phụ cần nhớ:

  • Không nên đứng trong thời gian dài, nếu phải đứng thì hãy thay đổi trọng lực lên hai chân.
  • Không đứng dậy ngay lập tức khi đang nằm mà hãy từ từ ngồi dậy, nghỉ một chút, sau đó mới đứng dậy.
  • Cần ăn thường xuyên nhưng không ăn kéo dài mà hãy chia thành nhiều bữa nhỏ.
  • Không để nước trong phòng tắm quá nóng hoặc tắm bằng vòi hoa sen.
  • Không mặc quần áo chật.

3. Người bị hoa mắt chóng mặt nên ăn gì?

Nếu thường xuyên bị hoa mắt chóng mặt ngoài việc đi khám bác sĩ thì bệnh nhân cũng nên áp dụng chế độ dinh dưỡng lành mạnh để cải thiện tình trạng sức khỏe.

3.1 Các loại thực phẩm nên ăn

  • Thực phẩm giàu vitamin C: Tiêu thụ nhiều thực phẩm giàu vitamin C có thể giúp điều trị tình trạng hoa mắt chóng mặt do bệnh Meniere gây ra. Những loại thực phẩm giàu vitamin C như trái cây họ cam quýt, sơ-ri, dâu tây, cà chua, kiwi, xoài....
  • Thực phẩm giàu vitamin B6: Vitamin B6 là dưỡng chất rất cần thiết để cơ thể tổng hợp protein và chuyển hóa tế bào máu đỏ nên có thể cải thiện được chứng chóng mặt và buồn nôn, đặc biệt là chóng mặt do tác dụng phụ khi dùng thuốc trị bệnh. Để bổ sung vitamin B6, có thể lựa chọn các thực phẩm như: ngũ cốc, chuối, bơ đậu phộng, cá hồi, thịt gà...
  • Gừng: Gừng là loại thực phẩm có thể giúp hỗ trợ tiêu hóa, trị rối loạn dạ dày, tiêu chảy và buồn nôn cực kỳ hiệu quả.
  • Nước: Là thành phần quan trọng giúp các cơ quan trong cơ thể hoạt động tốt hơn. Thời tiết nóng nực dễ gây mất nước, vì thế hãy đảm bảo cơ thể luôn được cung cấp đủ nước mỗi ngày.

3.2 Thực phẩm không nên ăn

  • Không ăn quá mặn: Mặc dù muối natri rất cần thiết cho sức khỏe, tuy nhiên nếu tiêu thụ quá nhiều sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, suy thận và gây chóng mặt.
  • Không ăn nhiều đường: Dùng thức ăn và đồ uống nhiều đường có thể khiến tình trạng hoa mắt chóng mặt kéo dài. Vì thế, tốt nhất chỉ nên tiêu thụ đường ở mức cho phép.
  • Hạn chế uống rượu, bia và cà phê: Nồng độ cồn trong rượu bia và chất cafein trong cà phê đều là những chất kích thích góp phần làm tăng thêm chứng buồn nôn, chóng mặt và đau đầu. Nên tránh dùng những loại thức uống này để giảm tình trạng hoa mắt, chóng mặt và đau đầu.

Như vậy, hoa mắt chóng mặt có thể là một dấu hiệu cảnh báo sức khỏe đang không bình thường. Do đó, mọi người cần lưu ý nếu nhận thấy thường xuyên bị chóng mặt hoa mắt, buồn nôn thì nên đi thăm khám sớm để chắc chắn rằng cơ thể bạn luôn khỏe mạnh.