Cần chú ý 4 biểu hiện của bệnh sởi sau đây và cách điều trị kịp thời

( VOH ) - Mọi năm dịch sởi đề xuất hiện ‘hoành hành’ sức khỏe con người. Điều quan trọng nhất là chúng ta cần nắm được các dấu hiệu bệnh sởi để kịp thời nhận biết và điều trị.

Sởi là một bệnh phổ biến gây ra bởi virus. Đây là một trong những căn bệnh dễ lây lan và gây tử vong cho trẻ nhỏ, thậm chí cả người lớn. Dưới đây là dấu hiệu bệnh sởi giúp bạn nhận biết cũng như điều trị kịp thời căn bệnh này.

1. Biểu hiện của bệnh sởi

Bệnh sởi được chia làm 3 giai đoạn, ở mỗi giai đoạn biểu hiện của sởi sẽ khác nhau. Cụ thể:

1.1 Thời gian ủ bệnh

Thời gian ủ bệnh thường là 7 – 18 ngày. Bệnh nhân sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh thì trong vòng 7 – 18 ngày sẽ không thấy triệu chứng của bệnh sởi.

1.2 Giai đoạn đầu

bieu-hien-cua-benh-soi-nhu-the-nao-voh-1

Giai đoạn đầu bệnh nhân sởi thường bị sốt (Nguồn: Internet)

Sau thời gian ủ bệnh, bệnh nhân bị sốt, có biểu hiện viêm đường hô hấp như ho, nhảy mũi, đỏ mắt, chảy nước mũi…Ở giai đoạn này, dấu hiệu lâm sàng điển hình là dấu Koplik ở niêm mạc má (các hạt Koplik ở niêm mạc miệng, mặt trong má).

1.3 Giai đoạn phát ban

Ở giai đoạn này, bệnh nhân sẽ xuất hiện ban đỏ toàn thân, theo thứ tự từ trên xuống dưới, bắt đầu là ở đầu, mặt, cổ, thân rồi lan ra tứ chi.

Đặc điểm của bệnh sởi là nổi sẩn mịn, có màu hồng nhạt, khi dùng tay ấn vào sẽ biến mất.

1.4 Giai đoạn phục hồi

Khi bệnh sởi lui, ban sởi sẽ nhạt dần và mất đi theo thứ tự lúc xuất hiện, trên da sẽ còn lại những vết thâm loang lổ như da hổ.

Lưu ý: Bệnh nhân sởi có thể lây bệnh cho người tiếp xúc trong khoảng thời gian từ 5 ngày trước đến 5 ngày sau khi phát ban.

Ngoài những dấu hiệu nhận biết bệnh sởi trên còn có thể lâm sàng không điển hình của bệnh sởi như:

  • Bệnh nhân chỉ có sốt nhẹ thoáng qua, viêm hô hấp nhẹ và các nốt ban xuất hiện ít, tổng trạng thường ổn.
  • Bệnh nhân sốt cao liên tục nhưng ban xuất hiện không điển hình, có thể có viêm phổi kèm theo, có phù nề tay chân.

Phần lớn bệnh sởi xuất hiện ở trẻ em, chính vì thế ngay khi thấy trẻ có những triệu chứng trên, cha mẹ nên đưa trẻ đến trung tâm y tế để thăm khám, chẩn đoán và điều trị đúng cách.

2. Phương pháp cận lâm sàng chẩn đoán bệnh sởi

2.1 Các xét nghiệm cơ bản

  • Công thức máu: Bạch cầu giảm, thành phần lympho giảm.
  • Chụp X-quang phổi: Phương pháp này nhằm mục đích tránh bỏ sót biến chứng viêm phổi ở người bệnh.

2.2 Xét nghiệm chuyên biệt phát hiện virus sởi

  • Huyết thanh miễn dịch dịch: Xét nghiệm máu vào ngày thứ 3 – 4 sau khi bệnh nhân có xuất hiện ban sởi để tìm kháng thể IgM.
  • Phân lập virus: Cách này khó làm, chỉ thực hiện được ở các phòng thí nghiệm có kỹ thuật cao.
  • Dùng phương pháp sinh học phân tử để khuếch đại gen của virus sởi.

3. Bệnh sởi điều trị bằng cách nào?

bieu-hien-cua-benh-soi-nhu-the-nao-voh-2

Khi có dấu hiệu mắc bệnh sởi, cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện để thăm khám và điều trị (Nguồn: Internet)

Khi mắc bệnh sởi người bệnh cần được cách ly trong 4 ngày sau và nghỉ ngơi cho đến khi hết sốt và phát ban biến mất.

Thông thường, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc giảm đau, hạ sốt không chứa aspirin như paracetamol nếu người bệnh bị sốt. Không dùng aspirin cho trẻ em dưới 16 tuổi mắc bệnh sởi do nguy cơ của hội chứng Reye. Người bệnh không cần dùng kháng sinh bởi vì sởi là bệnh truyền nhiễm do virus chứ không phải vi khuẩn.

Ngoài ra, người bệnh lưu ý phải uống nước thường xuyên để tránh bị mất nước.