Cách để cha mẹ nhận biết trẻ gặp "vấn đề" ở trường mẫu giáo

(VOH) - Đừng chỉ hoang mang khi nghe các thông tin trẻ bị bạo hành tại các cơ sở giữ trẻ. Thay vào đó, cha mẹ hãy bình tĩnh tự đánh giá liệu con mình có đang “gặp vấn đề” ở trường hay không?

Phản ứng của trẻ mỗi sáng khi chuẩn bị đi học

Tâm lý bình thường, sau một khoảng thời gian làm quen với lớp học, trẻ sẽ rất vui vẻ đi học nếu thực sự thích thú lớp học, thoải mái ở lớp học. Ngược lại, cha mẹ đừng xem nhẹ những phản ứng của trẻ như sợ đi học, tìm đủ mọi cách để không đi học như giả bị bệnh, té…., đến trường trẻ tỏ ra sợ hãi, kêu khóc đòi về. Đây là những biểu hiện cho thấy trẻ đang gặp vấn đề nào đó ở trường.

Cũng cần quan sát phản ứng của con khi tiếp xúc với cô giáo: Trẻ con rất trung thực và tình cảm, nếu trẻ yêu cô, thích cô, tình cảm đó sẽ thể hiện rạng ngời trên gương mặt trẻ hoặc ngược lại.

Diễn biến tâm lý của trẻ

Thông thường, trẻ đến lớp học sẽ nhanh nhẹn, dạn dĩ hơn vì bắt đầu làm quen với các giao tiếp xã hội. Nếu thấy vài tháng sau khi đi học, trẻ trở nên rụt rè, nhút nhát, ít hoạt bát, ít nói chuyện, hay nếu bé vốn trầm tính nay trở nên khó chịu, xung động hơn thì cha mẹ cần gần gũi con hơn và tìm hiểu nguyên nhân.

Biểu hiện rõ nhất, quan sát giấc ngủ của bé

Khoa học đã chứng minh giấc mơ là sự phản chiếu vô thức những gì xảy ra trong cuộc sống. Trẻ sau một ngày bình thường, vui chơi vui vẻ, thoải mái sẽ ngủ thật ngon, hoặc cười trong lúc ngủ.

Ngược lại những trẻ khó ngủ, ngủ trằn trọc, giật mình khi đang ngủ, khóc lớn, tỉnh dậy ôm chầm lấy mẹ. Hay những trẻ đã ngủ riêng bỗng sợ hãi đòi ngủ chung với mẹ…. Đừng bỏ qua những phản ứng này của trẻ. Cha mẹ từ từ gợi mở trẻ mơ thấy gì? Tại sao con khóc? Con sợ gì?

Hãy làm bạn của con để con được mỗi ngày đến trường là một ngày vui. Hình minh họa. Phương Nguyệt

Quan sát những dấu vết lạ trên người con

Ở lứa tuổi non nớt, thích khám phá, trẻ không tránh được những va chạm với bạn cùng lứa hoặc bị té, ngã. Nhưng cha mẹ cũng nên để tâm ở những vết bầm, trầy xước trên người trẻ sau khi đi học về.

Những vết trầy, bầm ở các vị trí trán, bàn tay, khuỷu tay, hai chân…. có thể là những vị trí vô tình bị tổn thương khi trẻ vận động, chơi cùng bạn bè...

Các vị trí cổ, chỗ kín, nách, ngực, bụng, lòng bàn chân…. có thể là những vị trí ít khi do sơ sẩy, do trẻ xung đột với nhau để lại dấu vết

Theo chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh - giám đốc trung tâm đào tạo và Kỹ năng sống Ý tưởng Việt, cha mẹ cũng cần để ý đến các vị trí khó quan sát như phần đầu, vành tai, cha mẹ sờ vào các vùng này để biết con có bị đau không?

Khi phát hiện trẻ có vết bầm, vết trầy xước hay các tổn thương khác, hãy hỏi cô giáo lý do. Trẻ thường bị tổn thương ngoài da, nếu cô giáo cho biết do bạn đánh cũng nên nghĩ đến việc chuyển lớp cho trẻ.

Theo chị Mỹ Hạnh, cha mẹ cũng cần quan tâm đến một kiểu bạo hành khác là bao hành tinh thần. Việc trẻ bị người lớn thường xuyên chửi mắng, đay nghiến cũng ảnh hưởng đến tâm lý của bé. Có thể quan sát con có nói những câu la mắng dọa nạt mà người trong nhà không nói những câu này không

Nếu được hãy cùng con chơi trò chơi lớp học, mẹ đóng vai là học sinh, con đóng vai cô giáo ở trường. Khi đó bé có thể “nhập vai” cô giáo và nói hay có hành động như cô thường thể hiện ở trường.

Đừng “định kiến” khi con hư thì bị đánh

Khi trẻ bị người lớn đánh (ngay cả người thân) nhiều người mặc định dạy con rằng tại con hư thì bị đánh, đánh để con không hư nữa. Như vậy, có thể khiến bé dù bị bạn đánh ở trường hay cô giáo đánh cũng không dám kể cho cha mẹ nghe, vì như vậy nghĩa là bé hư hỏng, bé có lỗi.

Có những chuyện bé kể ra cho thấy bé hư, cha mẹ cũng nên phản ứng chừng mực.

Thay vào đó, hãy làm bạn của con mỗi ngày

Luôn trò chuyện với con mỗi ngày sau khi đi học về. Tuy vậy đừng hỏi thẳng bé: hôm nay cô giáo có đánh con không? Có thể câu trả lời của trẻ không đúng sự thật

Hãy hỏi han con hôm nay con học bài hát gì, chơi trò gì, chơi với bạn nào, ở lớp bạn nào ngoan nhất, bạn nào chưa ngoan, cô thưởng bạn ngoan, phạt bạn hư như thế nào? Tóm lại, hãy tỏ ra thoải mái khi trò chuyện với con.

Như vậy bé có thể sẽ kể hết cho cha mẹ nghe chuyện ở trường. Nếu bé bị bạo hành, có thể bé sẽ bị “hù” không được nói cho ai biết nếu không sẽ bị ăn đòn nhiều hơn. Nên khi cha mẹ không sẵn sàng làm bạn với con, bé sẽ không dám nói.

Nếu được hãy cùng con chơi trò chơi lớp học, mẹ đóng vai là học sinh, con đóng vai cô giáo ở trường. Khi đó bé có thể “nhập vai” cô giáo và nói hay có hành động như cô thường thể hiện ở trường.

Nguyên tắc quan trọng nhất để bảo vệ con

Hãy tạo cho trẻ niềm tin rằng cha mẹ sẽ bảo vệ được con trước mọi nguy hiểm, chỉ cần con nói ra cho cha mẹ biết, con sẽ không phải sợ hãi điều gì nữa.