Chờ...

Cách sử dụng tinh dầu tràm cho bé sơ sinh và trẻ nhỏ an toàn

(VOH) – Các loại dầu gió thông thường vốn không thích hợp với làn da và sức khỏe của trẻ nhỏ nên nhiều mẹ ‘bỉm sữa’ thay thế bằng dầu thảo dược như dầu tràm. Vậy dùng dầu tràm cho bé có tác dụng gì?

Từ lâu, dầu tràm đã được sử dụng như một liệu pháp thiên nhiên điều trị các vấn đề về da. Tinh dầu tràm (dầu tràm gió) là một loại tinh dầu được chiết xuất từ lá, thân, cành cây của cây tràm lá dài, hương dịu nhẹ và rất lành tính nên loại dầu này được cũng sử dụng trên làn da của trẻ.

1. Dùng tinh dầu tràm cho bé có tác dụng gì?

Sử dụng loại dầu tràm được chưng cất nguyên chất, đúng quy trình sẽ mang đến khá nhiều lợi ích tuyệt vời trong quá trình chăm sóc và bảo vệ bé. Cụ thể phải kể đến các tác dụng của dầu tràm dưới đây:

1.1 Tác dụng của dầu tràm tăng cường sức đề kháng

Các nghiên cứu dinh dưỡng nhận thấy rằng tinh dầu tràm có chứa lượng lớn cineol với đặc tính kháng viêm, kháng khuẩn tương đối mạnh. Theo đó, hoạt chất này sẽ củng cố hệ thống miễn dịch của cơ thể, tạo “lá chắn” ngăn chặn vi khuẩn mang mầm bệnh xâm nhập vào cơ thể, tăng cường bảo vệ bé khỏi các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

1.2 Trị côn trùng cắn

cach-su-dung-tinh-dau-tram-cho-be-so-sinh-va-tre-nho-an-toan-voh-0
Tinh chất từ dầu tràm có công dụng trị côn trùng cắn hiệu quả (Nguồn: Internet)

Bên cạnh cineol, trong tinh dầu tràm còn có hoạt chất eucalyptol có khả năng làm “tê liệt” thần kinh của các côn trùng như muỗi, từ đó giúp hạn chế tình trạng trẻ bị muỗi đốt và ngứa ngáy. Ngoài ra, trong trường hợp cần xử lý vết côn trùng cắn, mẹ cũng có thể xoa trực tiếp dầu tràm lên vùng da của bé để sớm cải thiện.

Xem thêm: Mách mẹ 7 cách đơn giản và 9 loại tinh dầu tự nhiên giúp trẻ không bị muỗi tấn công

1.3 Dùng tinh dầu tràm cho bé giảm ho và sổ mũi

Một trong những công dụng của dầu tràm cho bé được chuyên gia sức khỏe đánh giá cao đó là hỗ trợ điều trị các bệnh lý liên quan đến đường hô hấp như giảm ho hay trị sổ mũi. Hương tinh dầu thơm dịu, cùng tác động của chất kháng viêm mạnh cineol sẽ ức chế hoạt động của virus gây viêm nhiễm, “dọn dẹp” các xoang tai – mũi – họng của bé.

1.4 Chữa đầy bụng khó tiêu

Hoạt chất cineol là thành tố quan trọng tạo nên tính nóng ấm của dầu tràm. Do đó, trong trường hợp bé bị đầy bụng, khó tiêu, chỉ cần cho một vài giọt dầu tràm vào lòng bàn tay, xoa hai tay vào nhau để làm ấm, rồi thoa lên vùng bụng của bé, massage nhẹ nhàng sẽ giúp làm ấm vùng bụng, kích thích tuần hoàn, từ đó làm giảm triệu chứng đầy bụng khó tiêu.

Xem thêm: 6 nguyên nhân khiến trẻ ăn dặm bị rối loạn tiêu hóa và chế độ dinh dưỡng tốt cho sức khỏe

1.5 Tác dụng của dầu tràm hỗ trợ trị chàm sữa

Chàm sữa được biết đến là bệnh lý viêm da rất dễ tái phát ở trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, do hàng rào da bị hư tổn, làm giảm độ ẩm da của trẻ, dẫn tới sưng mẩn đỏ, ngứa rát. Lúc này nếu chàm sữa ở mức độ nhẹ, vùng da không bị nổi mụn, chảy nước thì dùng dầu tràm để dưỡng da cho trẻ cũng là phương pháp mà cha mẹ nên tham khảo.

cach-su-dung-tinh-dau-tram-cho-be-so-sinh-va-tre-nho-an-toan-voh-1
Trong quá trình điều trị chàm sữa cho bé, cha mẹ có thể tham khảo sử dụng dầu tràm (Nguồn: Internet)

1.6 Công dụng của dầu tràm giảm đau

Ở những trẻ lớn hơn, khi gặp các vấn đề về đau cơ bắp hay bị đau nhức cũng đều có thể thoa một dầu tràm lên vùng vết thương để giảm đau.

Xem thêm: Mách mẹ 8 cách giảm đau cho trẻ sau khi tiêm phòng

2. Hướng dẫn cách sử dụng dầu tràm cho bé

Làn da trẻ em thường rất nhạy cảm, do đó, lựa chọn và sử dụng bất kỳ sản phẩm nào cũng cần phải thận trọng, với tinh dầu tràm cho bé cũng không ngoại lệ. Dưới đây xin hướng dẫn cha mẹ cách sử dụng an toàn loại dầu này:

2.1 Bôi dầu tràm cho bé

Bôi dầu tràm cho bé là cách sử dụng phổ biến và phù hợp nhất mà cha mẹ có thể áp dụng. Mẹ có thể thoa một vài giọt dầu tràm lên ngực bé, lên gối của bé hoặc dùng để massage lòng bàn chân của bé để giúp giữ ấm cơ thể.

Dù dầu tràm không gây cảm giác nóng rát nhưng các mẹ nên sử dụng massage cho bé với liều lượng vừa phải khoảng 1 giọt/lần.

2.2 Tắm dầu tràm cho bé

Hòa dầu tràm với nước ấm (5 giọt/lần) rồi dùng tắm vừa giúp làm sạch cơ thể của bé, vừa để trẻ cảm thấy thư giãn, vui vẻ và hợp tác với cha mẹ hơn.

Xem thêm: 8 sai lầm thường gặp của các mẹ khi tắm cho trẻ sơ sinh

2.3 Xông dầu tràm cho bé

Nếu muốn xông dầu tràm cho bé, mẹ có thể chuẩn bị đèn xông tinh dầu hoặc đơn giản là dùng bông gòn thấm dầu tràm rồi đặt ở góc phòng của bé. Với phương pháp này, mỗi lần mẹ chỉ cần nhỏ khoảng 3 – 4 giọt dầu tràm là được.

3. Một số lưu ý an toàn khác khi dùng dầu tràm cho bé

Tuy có rất nhiều công dụng tốt thế nhưng sử dụng dầu tràm cho bé an toàn, đúng chuẩn khoa học, các mẹ cũng cần lưu ý thêm một số khuyến cáo quan trọng sau:

3.1 Tránh vùng vết thường hở

Khi dùng dầu tràm cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, mẹ không nên thoa trực tiếp lên những vết thương hở và vùng da gần bộ phận sinh dục… vì có thể gây nhiễm trùng, khiến tình trạng trở nên trầm trọng hơn.

cach-su-dung-tinh-dau-tram-cho-be-so-sinh-va-tre-nho-an-toan-voh-2
Tuyệt đối không bôi dầu tràm vào vùng vết thương hở trên da trẻ (Nguồn: Internet)

3.2 Không sử dụng quá nhiều

Các bác sĩ chuyên khoa thường khuyên các mẹ chỉ nên dùng dầu tràm cho bé trong những trường hợp bé bị cảm lạnh, bị ho hoặc bị côn trùng cắn. Nếu bé hoàn toàn khỏe mạnh thì không nên lạm dụng dầu tràm quá nhiều.

3.3 Để xa tầm tay trẻ

Mẹ cần bảo quản tinh dầu tràm cẩn thận sau khi đã sử dụng xong. Nếu vô tình bé cầm chơi và nuốt phải có thể gặp các phản ứng phụ như tiêu chảy, đau bụng, nôn… Trong trường hợp nghiêm trọng, bé bị phản ứng quá mức với dầu tràm sẽ gây ra động kinh.

Trên đây là những chia sẻ về các công dụng của dầu tràm cho bé cũng nhưng những vấn đề mà mẹ cần lưu ý khi sử dụng. Hi vọng qua những thông tin trên, các mẹ sẽ hiểu hơn về tác dụng của dầu tràm để có thể sử dụng đúng lúc, đúng cách và an toàn.

group-me-va-be-voh-nhung-ba-me-thong-thai-1
Group Mẹ và Bé VOH - Những bà mẹ thông thái