Tìm hiểu 5 lợi ích sức khỏe và 3 cách pha chế trà gừng

(VOH) – Có thể nói gừng là loại củ khá đặc biệt, vừa dùng để tăng vị thơm cay cho món ăn, vừa được tận dụng làm thành phần của thức uống giúp cải thiện sức khỏe – trà gừng.

Gừng không phải thực phẩm có giá thành quá đắt đỏ mà loại củ này vốn rất phổ biến và gần như gian bếp của gia đình nào cũng dự trữ sẵn. 

1. Trà gừng có tác dụng gì?

Nếu như củ gừng có vị cay nồng thì khi đem pha trà độ cay sẽ dịu lại và hương thơm rất dễ chịu. Được chiết xuất trực tiếp từ củ gừng tươi nên trà gừng cũng cung cấp khá nhiều hoạt chất, kể đến như chất chống oxy hóa gingerol, khoáng chất kali, canxi hay magie,…

Nhờ chứa những dưỡng chất quan trọng mà trà gừng góp phần không nhỏ giúp khắc phục một số vấn đề sức khỏe dưới đây: 

1.1 Điều hòa huyết áp

Trà gừng là thức uống mà người có huyết áp thấp có thể sử dụng. Theo đó, trà gừng với đặc tính ấm, có thể làm thuyên giảm cơn hoa mắt, chóng mắt và điều hòa nhịp tim của người bệnh khi rơi vào tình trạng tụt huyết áp. 

1.2 Điều trị cảm lạnh

Vào thời điểm giao mùa, mưa nắng thất thường hoặc khi nhiệt độ bên ngoài hạ thấp, cơ thể dễ bị nhiễm lạnh và nguy cơ mắc cảm lạnh thường tăng cao. Lúc này, uống một ly trà gừng ấm nóng là điều mà người bệnh nên thực hiện, bởi trà gừng sẽ làm giãn nở mạch máu, kích thích tuần hoàn máu và tăng tiết mồ hôi, giúp làm ấm cơ thể, giải cảm hiệu quả. 

tim-hieu-5-loi-ich-suc-khoe-va-3-cach-pha-che-tra-gung-voh-0
Trà gừng có tính ấm, giúp điều trị cảm lạnh rất hiệu quả (Nguồn: Internet) 

1.3 Giảm buồn nôn

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng hương thơm dịu nhẹ cùng hoạt chất gingerol trong trà gừng có khả năng ngăn chặn các cơn buồn nôn vô cùng hữu hiệu. Đáng chú ý là công dụng này của gừng thậm chí còn vượt cả nhóm chất dimenhydrinate – thành phần chính của thuốc chống say tàu xe, từ đó giúp bạn vượt qua các cơn nôn ói và cảm giác mệt mỏi dễ dàng hơn.

Xem thêm: Bỏ túi 9 cách chống say tàu xe đơn giản, từ nay bạn sẽ thoải mái đi du lịch mà chẳng cần lo lắng

1.4 Kháng viêm giảm đau

Bên cạnh việc hỗ trợ giảm tình trạng buồn nôn khó chịu, với hàm lượng lớn chất chống oxy hóa gingerol, gừng còn được xem như loại thuốc “kháng sinh tự nhiên”, hoạt động như thuốc chống viêm không steroid, giảm cơn đau nhức xương khớp và phòng chống thoái hóa. 

1.5 Phòng chống ung thư

Các chuyên gia đã tiến hành khá nhiều nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, nghiên cứu trên động vật cũng như nghiên cứu trên người về tác dụng ngăn ngừa ung thư của trà gừng. Họ thấy rằng tỉ lệ người mắc phải bệnh ung thư gan, tuyến tụy (1) hay ung thư ruột kết (2) ở người sử dụng loại trà này thấp hơn so với các nhóm đối tượng khác.  

Xem thêm: Vì sao ung thư tuyến tụy được gọi là bệnh ‘ung thư tử thần’?

2. Hướng dẫn cách pha trà gừng

Công đoạn pha trà gừng khá đơn giản, bạn chỉ cần cắt vài lát gừng mỏng rồi ngâm trong ly nước nóng khoảng 5 – 10 phút là có thể dùng. Tuy nhiên để vị trà dễ uống, bớt cay nóng hơn thì bạn có thể tham khảo các công thức kết hợp dưới đây xem sao nhé.

2.1 Trà gừng mật ong

Nguyên liệu

  • Gừng: 50g (1 củ nhỏ) 
  • Mật ong: 3 – 4 thìa cà phê
  • Trà túi lọc: 1 túi 
  • Nước cốt chanh
  • Nước lọc

Cách làm trà gừng mật ong

  • Gừng rửa sạch, gọt vỏ sau đó cắt thành các lát mỏng, dùng khoảng 5 – 6 lát là được. Đun sôi nước lọc rồi ngâm gừng trong nước khoảng 15 phút. 
  • Pha trà túi lọc, ủ trà trong 10 phút. 
  • Tiến hành hòa nước gừng với trà, sau đó pha thêm nước cốt chanh cùng mật ong, khuấy tan đều là có thể dùng. 
tim-hieu-5-loi-ich-suc-khoe-va-3-cach-pha-che-tra-gung-voh-1
Trà gừng mật ong ngọt ấm, thơm phức (Nguồn: Internet) 

2.2 Trà gừng hoa cúc

Nguyên liệu

  • Gừng: 50g
  • Nụ hoa cúc khô: 4 – 5 nụ 
  • Mật ong: 1 – 2 thìa cà phê
  • Nước lọc 

Cách làm trà gừng hoa cúc

  • Rửa sạch gừng, nạo phần vỏ rồi thái gừng thành các lát mỏng (có thể băm nhuyễn). 
  • Làm sạch nụ hoa cúc với nước ấm, không cần ngâm lâu, chỉ cần trần (trụng) nhanh qua để sạch bụi bẩn. 
  • Trộn hỗn hợp gừng tươi, hoa cúc khô vào ly hoặc ấm pha trà, rót nước đun sôi vào. Hãm trà trong vòng 10 – 15 phút. 
  • Trước khi dùng thêm mật ong vào để hương vị thơm, đậm đà hơn. 
tim-hieu-5-loi-ich-suc-khoe-va-3-cach-pha-che-tra-gung-voh-2
Trà gừng hoa cúc vị thanh thanh (Nguồn: Internet) 

2.3 Trà gừng bạc hà

Nguyên liệu

  • Gừng: 50g
  • Lá bạc hà
  • Trà túi lọc: 1 túi  

Cách làm trà gừng bạc hà

  • Gừng rửa sạch, gọt bỏ lớp vỏ và cắt thành các lát mỏng. 
  • Ngâm rửa lá bạc hà với nước muối loãng, vớt để ráo rồi ngắt lấy lá. 
  • Chuẩn bị ấm pha trà hoặc ly, cho gừng, lá bạc hà và trà túi lọc vào, rót nước sôi rồi ủ trà trong khoảng 15 – 20 phút là có thể thưởng thức trà gừng bạc hà. 
tim-hieu-5-loi-ich-suc-khoe-va-3-cach-pha-che-tra-gung-voh-3
Trà gừng bạc hà the mát, cay dịu (Nguồn: Internet) 

3. Uống trà gừng nhiều có tốt không?

Mặc dù trà gừng là loại trà rất dễ pha chế, đồng thời mang đến nhiều lợi ích sức khỏe nhưng các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo tuyệt đối không lạm dụng uống quá nhiều. Tốt nhất bạn chỉ nên dùng tối đa 1 ly trà gừng (khoảng 80ml – 100ml) trong một ngày và tránh uống nhiều vào buổi tối. 

Việc duy trì uống trà gừng hợp lý và khoa học sẽ hạn chế tối đa nguy cơ mắc các tác dụng phụ nguy hại như: 

  • Gây loãng máu 
  • Trằn trọc, mất ngủ 
  • Bỏng rát miệng, tổn thương nướu
  • Đầy hơi ợ nóng

Nhâm nhi ly trà gừng thơm thơm sẽ đem đến cho bạn cảm giác thư thái, dễ chịu nhưng hãy nhớ chỉ uống trà với lượng vừa phải để đảm bảo an toàn cho sức khỏe nhé.