Bệnh thường xuất hiện vào những lúc thời tiết chuyển mùa, không khí nóng ẩm. Đặc biệt trẻ em với hệ miễn dịch còn non nớt là đối tượng dễ mắc phải thủy đậu hơn người lớn.
1. Triệu chứng của bệnh thủy đậu
1.1 Thủy đậu mọc ở đâu trước?
Triệu chứng đầu tiên của bệnh thủy đậu là cơ thể người bệnh sẽ xuất hiện những “nốt rạ” là những nốt phồng tròn, nhỏ có kích thước trung bình khoảng 2-4mm - đó cũng là lý do vì sao ở miền Nam thường gọi bệnh này là bệnh trái rạ.
Các nốt phồng này xuất hiện đầu tiên ở các vị trí trên mặt, ngực và lưng sau đó lan dần khắp cơ thể.
Trong vòng 12-24 giờ sau, các nốt phồng này sẽ sẽ tiến triển thành những mụn nước, bóng nước. Thời điểm ban đầu, bên trong mụn nước chứa chất dịch trong, sau một ngày sẽ chuyển dần sang trắng đục như mụn mủ.
Tùy vào thể trạng và cơ địa của mỗi người mà có thể bị chỉ nổi từ vài mụn trái rạ cho đến hơn 500 nốt trên cơ thể.
1.2 Nhận biết đặc trưng của nốt mụn mủ thủy đậu
Khác với chứng phát ban của bệnh sởi là các mụn mủ mọc lần lượt và tuần tự, ở bệnh thủy đậu các nốt phỏng mọc không theo tuần tự. Chúng mọc hết đợt này đến đợt khác cách nhau khoảng từ 3-4 ngày, vì vậy trên cùng một khoảng da các mụn mủ này mọc không cùng một lứa (có nốt đỏ, có nốt phỏng nước, có nốt đã mưng mủ).
Tránh làm vỡ các nốt thủy đậu vì dễ gây bội nhiễm và có thể tạo thành sẹo tồn tại lâu dài. Ảnh minh họa: internet
Đặc điểm ban đầu của của nốt phỏng thủy đậu là chứa dịch trong, thể tích nông, có dạng tròn hoặc bầu dục, làn da xung quanh nốt mụn có vòng đỏ, một số nốt thủy đậu hơi lõm ở trung tâm.
Lưu ý: Tránh làm vỡ các nốt thủy đậu vì dễ gây bội nhiễm và có thể tạo thành sẹo tồn tại lâu dài.
1.3 Thủy đậu có nổi hạch không?
Theo các chuyên gia y tế, bệnh thủy đậu trong thời điểm ban đầu (giai đoạn tổn thương phỏng nước), có thể có triệu chứng sưng hạch lympho, điều này là bình thường trong diễn tiến và biểu hiện lâm sàng của bệnh. Về cơ bản, đây là hạch viêm do cơ thể phản ứng khi bị virus xâm nhập, vì thế sẽ dần lặn đi khi hết hẳn thủy đậu.
Cũng có trường hợp sau khi đã hết bệnh thủy đậu nhưng hạch chậm lặn hơn, người bệnh không nên quá lo lắng.
Tuy nhiên, nếu hạch vẫn không thay đổi kích thước sau thời gian khoảng 3 tháng, hay có biểu hiện phát triển to hơn nữa hoặc mọc thêm hạch mới thì phải đến khám tại cơ sở y tế để kiểm tra kỹ hơn.
Cũng có một số bệnh nhân dù đã khỏi bệnh, virus thủy đậu vẫn còn tồn tại trong các hạch thần kinh, thời gian sau khi gặp điều kiện thuận lợi sẽ tái hoạt động trở lại và gây ra san thương của bệnh Zona, có người còn gọi là giời leo.
2. Những nơi dễ mọc nốt thủy đậu
2.1 Thủy đậu mọc trên đầu
Khi bị sốt, mồ hôi ra nhiều sẽ khiến cho da đầu mất vệ sinh. Ngoài ra, do da đầu cũng là nơi nhạy cảm nên nếu đầu tóc không sạch sẽ thì cảm giác ngứa ngáy, khó chịu cũng sẽ tăng lên. Lúc này, theo phản xạ tự nhiên, người bệnh sẽ có phản ứng gãi nhiều, làm cho các nốt mụn trên da bị trầy xước hoặc vỡ và lây nhiễm sang vùng da lành bệnh, nguy cơ để lại sẹo là rất cao.
2.2 Thủy đậu mọc ở mặt, trong mắt
Mụn phỏng thủy đậu có thể mọc trên da lưng, bụng, chân tay, trên da mặt, da mi mắt và cả bờ chân lông mi. Do đó, dù có nốt thủy đậu nổi lên ở da mặt hay mi mắt cũng được xem là triệu chứng bình thường của bệnh chứ không phải là biến chứng nguy hiểm.
Với nốt mụn mủ ở mắt sẽ gây cảm giác cộm do kích thích, đến khi mụn vỡ, dịch viêm của nó tràn ra, dễ gây ra viêm kết mạc. Đặc biệt là ở trẻ em khi nổi các mụn ở hai mi mắt, khi bị vỡ ra trong lúc ngủ, chất dịch tiết ra kết hợp với nước mắt qua thời gian dài trong đêm có thể làm dính hai bờ mi với nhau. Trường hợp này, phụ huynh nên thường xuyên nhỏ mắt cho trẻ bằng dung dịch muối sinh lý để vệ sinh và sát khuẩn cho bé.
2.3 Thủy đậu mọc ở miệng, vòm họng
Với trường hợp nổi mụn nước bên trong miệng do nổi trái rạ, người bệnh chỉ cần vệ sinh răng miệng đều đặn như bình thường. Cố gắng không làm động chạm đến các mụn nước này, tránh làm vỡ mụn. Triệu chứng này đôi khi có thể bị hiểu nhầm do nhiệt miệng.
Đối với bệnh nhân bị bệnh trái rạ, tốt nhất nên ăn những thức ăn lỏng, dễ nuốt như cháo, súp, canh dinh dưỡng,...
Triệu chứng này đôi khi có thể bị hiểu nhầm do nhiệt miệng. Ảnh minh họa: internet
2.4 Thủy đậu mọc ở vùng kín, bộ phận sinh dục
Nốt mụn do thủy đậu có thể lan khắp toàn thân nên cũng có thể lan đến bộ phận sinh dục. Theo bác sĩ chuyên khoa, việc này không gây ảnh hưởng đến khả năng có con của người bệnh.
Khi bệnh nhân bị thủy đậu mọc ở vùng kín sẽ gây ngứa ngáy khó chịu, nhưng cần tránh cào, gãi để không làm vỡ các nốt mụn dễ lây lan rộng hơn ở khu vực nhạy cảm này.
Khi mắc bệnh, đừng quên bôi các loại thuốc màu có tác dụng kháng khuẩn và giúp khô vết thương. Ảnh minh họa: internet
Do cơ quan sinh dục vốn là vùng dễ bị bội nhiễm bởi vi khuẩn nên người bị thủy đậu mọc ở bộ phận sinh dục cần lưu ý mặc quần áo thoáng mát và tắm rửa bình thường, thay đồ lót 2 lần/ngày và đừng quên bôi các loại thuốc có tác dụng kháng khuẩn và giúp khô vết thương.
3. Bệnh nhân mắc thủy đậu có thường bị sốt không?
Theo tự nhiên, cơ thể con người khi bị siêu vi xâm nhập thường phản ứng bằng cơ chế làm tăng nhiệt độ khu vực bị nhiễm và tăng nhiệt độ chung của cơ thể. Hai phản ứng này góp phần ngăn chặn sự lây nhiễm virus. Đó là cơ chế của một cơn sốt do siêu vi.
Với người bình thường, sau khi tiếp xúc trực tiếp với chất dịch cơ thể từ người mang bệnh trái rạ hoặc bị lây nhiễm qua đường hô hấp sẽ mắc bệnh. Khi nhiễm, cơ thể sẽ ủ bệnh trong thời gian khoảng 10-20 ngày, sau đó xuất hiện các triệu chứng như: sốt 38-39 độ, đau đầu, uể oải, chán ăn, họng đau và viêm đỏ.
Riêng với triệu chứng sốt sẽ kéo dài không quá 48 giờ.
4. Dấu hiệu bệnh thủy đậu sắp khỏi
Ở người có thể trạng tốt, quá trình bị thủy đậu từ khi mới nhiễm đến giai đoạn cuối sẽ trong khoảng từ 7 đến 21 ngày. Tùy vào điều kiện vệ sinh và quá trình điều trị, người bệnh có thể khỏi hoàn toàn nhanh nhất là sau 1 tuần.
Biểu hiện bệnh trái rạ sắp khỏi là khi các nốt mụn nước dừng lại, lặn hết và bắt đầu đóng vẩy, bong tróc.
Tùy vào cơ địa của mỗi người, các nốt phỏng để lại thẹo nhiều hay ít, nông hay sâu... Thường chúng ít để lại sẹo nếu người bệnh được chăm sóc đầy đủ và bản thân giữ vệ sinh thân thể tốt.
Có thể thấy, bệnh thủy đậu là hậu quả của cơ thể khi nhiễm phải siêu vi từ người mang bệnh. Về cơ bản, bệnh có thể tự khỏi trong không quá 3 tuần lễ. Tuy nhiên cũng đừng vì thế mà chủ quan với những biến chứng có thể xảy ra.
Bệnh thủy đậu có phải là bệnh với các biến chứng nặng không? Làm cách nào giảm ngứa khi mắc bệnh thủy đậu và không để lại sẹo?, hãy đón xem bài 4 của loạt bài này “Cảnh giác: Ngoài ngứa và sẹo, biến chứng bệnh thủy đậu gây vô sinh, bội nhiễm”.