Tiêu điểm: Nhân Humanity

Thuốc và mẹo chữa nước ăn chân cực hay

VOH - Nước ăn chân là cách gọi dân gian để chỉ bệnh nấm da chân, một bệnh rất dễ gặp ở những người làm nghề tiếp xúc với nước, môi trường ẩm ướt hoặc mang giày, vớ mà không giặt thường xuyên.

1. Nguyên nhân và biểu hiện của hiện tượng nước ăn chân

Nước ăn chân thực chất là bệnh nấm kẽ chân là bệnh khá phổ biến ở nước ta, nhất là ở những vùng trũng, nước ứ đọng không được lưu thông, đặc biệt là vào mùa mưa, lũ. Khi mưa nhiều gây ngập úng, nước sẽ bị nhiễm vi sinh vật gây bệnh (vi khuẩn, virus, vi nấm), nhất là những chỗ bùn lầy, khi lội xuống nước bẩn, vi nấm sẽ bám dính vào da gây bệnh nước ăn chân.

thuoc-va-meo-chua-nuoc-an-chan-cuc-hay-voh-1

Biểu hiện của nước ăn chân thường xuất hiện ở kẽ chân (Nguồn: Internet)

Biểu hiện của nước ăn chân thường là tróc vảy khô, mụn nước hoặc viêm kẽ chân. Ở các kẽ ngón chân, lớp da bên trên có kẽ nứt, bên dưới là một nền da đỏ ướt. Ở lòng bàn chân, gót chân, các cạnh ngoài của bàn chân có thể có mụn nước hoặc mảng da dày màu nâu đỏ, bề mặt phủ vảy nhỏ mịn, gây ngứa ngáy, khó chịu, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt và lao động.

2. Cách trị nước ăn chân

Khi bị nước ăn chân, người ta dùng thuốc để điều trị, chủ yếu là thuốc dạng bôi ngoài da. Vậy nước ăn chân bôi thuốc gì?

Dưới đây là một số loại thuốc có thể sử dụng để chữa nước ăn chân:

2.1 Kem bôi chứa ketoconazole

Đây là thuốc có hoạt tính kháng nấm mạnh đối với các vi nấm ngoài da. Ngoài ra, ketoconazole còn có tác dụng kháng viêm, giảm ngứa, không gây kích ứng nguyên phát hoặc dị ứng hay nhạy cảm ánh sáng khi bôi ngoài da. Do thuốc chỉ thoa ngoài da, không hấp thu vào máu nên có thể sử dụng ở phụ nữ có thai và cho con bú.

Trong quá trình dùng thuốc, người bệnh có thể có cảm giác nóng rát hoặc kích ứng vùng da thoa kem nhưng thuốc không gây tác dụng phụ gây hại cho sức khỏe.

Khi sử dụng bạn cần chú ý không dùng thuốc ở mắt hay làm dính thuốc vào mắt.

2.2 Dung dịch BSI 2% (còn gọi là cồn hắc lào)

Dung dịch này có thành phần chính là acid salicylic, là thuốc dùng ngoài da. Khi dùng thuốc nên bôi lượng vừa đủ lên vùng da cần điều trị, xoa nhẹ. Không bôi quá nhiều vì thuốc có thể gây hoại tử da.

Dung dịch BSI chỉ được dùng ngoài da nhưng cần tránh làm dây thuốc lên mắt, môi, niêm mạc, hậu môn, cơ quan sinh dục, vùng da nứt nẻ,…

Lưu ý: Các loại thuốc trị nước ăn chân đều có những chỉ định chặt chẽ về số lần bôi thuốc, thời gian sử dụng đối với từng bệnh nhân. Vì thế, nếu bị nước ăn chân bạn nên đến chuyên khoa da liễu để được thăm khám và hướng dẫn điều trị cụ thể.

3. Mẹo chữa nước ăn chân

Nếu không muốn dùng thuốc, bạn có thể trị nước ăn chân theo những mẹo dân gian sau đây:

3.1 Nước muối pha loãng

Ngâm chân vào nước pha thêm giấm ăn, rượu hay muối có thể giúp bạn khắc phục được tình trạng nước ăn chân.

Cách ngâm

thuoc-va-meo-chua-nuoc-an-chan-cuc-hay-voh-2

Ngâm nước muối chữa nước ăn chân (Nguồn: Internet)

Cho 1 – 2 cốc nước dấm ăn hay một chén rượu, một lượng muối vừa đủ để pha nước muối nhạt vào chậu nước nhỏ, ngâm chân ngày 2 – 3 lần, mỗi lần từ 10 – 15 phút. Sau đó lau khô chân bằng khăn mềm.

Cách này có tác dụng sát khuẩn và giảm ngứa hiệu quả.

3.2 Nước kim ngân hoa

Dùng khoảng 1 nắm lá kim ngân, sắc đặc với nước rồi ngâm rửa chân. Mỗi ngày thực hiện từ 2 – 3 lần.

3.3 Dùng rau răm, lá trầu không

Rau răm giã nát rồi bôi vào kẽ chân hoặc lấy lá trầu không, vò nát, xát vào các kẽ ngón chân. Hay bạn cũng có thể lấy nước vắt từ lá trầu bôi vào các kẽ ngón chân, các nốt loét ngứa có thể khỏi.

Ngoài ra, bạn có thể lấy 10 lá trầu không, đun sôi với nửa lít nước, để nguội, cho phèn chua to vào đánh tan. Dùng nước này rửa kỹ các kẽ ngón chân bị loét ngứa.

Lưu ý: Các mẹo dân gian chữa nước ăn chân tuy hiệu quả nhưng bạn cần chọn lựa và làm sạch các nguyên liệu trước khi thực hiện để tránh nhiễm trùng.

Bình luận