Viêm thanh quản ở trẻ em: Nguyên nhân và cách điều trị

(VOH) – Thời tiết thay đổi, cơ thể trẻ không kịp thích nghi sẽ dễ mắc phải các bệnh viêm đường hô hấp trên, trong đó có bệnh viêm thanh quản. Vậy viêm thanh quản ở trẻ em là bệnh gì?

Viêm thanh quản thường là hậu quả của việc cảm lạnh do virus ở đường hô hấp trên gây ra. Đây là một căn bệnh cấp tính có thể tự hết sau 5 – 7 ngày với sự hỗ trợ của thuốc giảm đau, thuốc kháng viêm và cần hạn chế nói chuyện.

1. Viêm thanh quản ở trẻ em là gì?

Bệnh viêm thanh quản là tình trạng dây thanh âm bị sưng dẫn đến khản tiếng và mất giọng. Dây thanh âm là những nếp gấp trong niêm mạc thanh quản. Dây thanh âm khi bị sưng, âm thanh hình thành do không khí đi qua dây thanh âm bị biến dạng khiến giọng nói của trẻ trở nên khàn và khó nghe hơn bình thường.

Viêm thanh quản ở trẻ thường sẽ hết trong khoảng 5 – 7 ngày nhưng khi bệnh kéo dài lâu hơn thì sẽ được chẩn đoán là bệnh viêm thanh quản mãn tính. Trẻ bị viêm thanh quản mãn tính, việc điều trị sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh và sẽ phải tốn nhiều thời gian để bình phục.

2. Triệu chứng viêm thanh quản ở trẻ em là gì?

Triệu chứng bệnh viêm thanh quản thường gặp nhất khi trẻ bị viêm dây thanh quản chính là giọng nói sẽ trở nên trầm, khàn hoặc mất giọng. Ngoài ra, còn có một số triệu chứng khác như:

  • Trẻ bị sốt nhẹ khoảng 37.5 – 38 độ C
  • Ho khan, nhiều nhất vào ban đêm.
  • Đau họng
  • Ngứa cổ
  • Nghẹt mũi
  • Sưng hạch bạch huyết ở họng, cổ.

viem-thanh-quan-o-tre-em-nguyen-nhan-va-cach-dieu-tri-voh

Viêm thanh quản là tình trạng dây thanh âm bị sưng dẫn đến khản tiếng và mất giọng (Nguồn: Internet)

3. Nguyên nhân gây viêm thanh quản ở trẻ em

Nguyên nhân chủ yếu gây viêm thanh quản ở trẻ em là do trẻ bị cảm lạnh, cảm cúm từ virus hoặc do trẻ la hét quá nhiều khiến cho dây thanh âm bị kích thích (trẻ hát lớn cũng có thể bị viêm thanh quản).

Bên cạnh đó, một số yếu tố khác được xem là nguyên nhân gây viêm thanh quản trẻ em là:

  • Trẻ bị dị ứng với khói thuốc lá, hóa chất... gây kích thích dây thanh âm.
  • Một số loại vi khuẩn gây bệnh sổ mũi và cảm cúm ở trẻ có thể khiến dây thanh âm bị nhiễm trùng.
  • Trẻ tiếp xúc nhiều với hệ thống máy điều hòa, máy giữ ẩm không khí sẽ làm cuống họng dễ bị khô và gây viêm.
  • Trẻ bị bệnh trào ngược dạ dày thực quản khiến lượng axit trong bao tử bị trào ngược lên kích thích dây thanh âm.
  • Trẻ bị chấn thương, viêm phổi hoặc viêm đường hô hấp trên do virus.

4. Điều trị viêm thanh quản ở trẻ em như thế nào?

Phần lớn trẻ bị viêm thanh quản có thể sẽ tự khỏi sau 5 – 7 ngày. Tuy nhiên, cũng có một số dạng viêm thanh quản ở trẻ có khả năng gây tắc nghẽn đường hô hấp và có thể dẫn đến tử vong. Chẳng hạn như trẻ mắc bệnh Croup và viêm nắp thanh quản.

Đối với trẻ nhỏ, viêm thanh quản cấp tính cấp độ nhẹ cha mẹ có thể chăm sóc và theo dõi, điều trị tại nhà. Cha mẹ cần tạo môi trường yên tĩnh để trẻ được nghỉ ngơi, tránh la khóc, giúp trẻ kiêng nói.

Cho trẻ uống nhiều nước ấm, kiêng các gia vị kích thích như tiêu, ớt. Nếu trẻ sốt cao có thể dùng thuốc hạ sốt, chống viêm theo chỉ dẫn của bác sĩ.

viem-thanh-quan-o-tre-em-nguyen-nhan-va-cach-dieu-tri-1-voh

Nếu trẻ bị viêm thanh quản có những biểu hiện bất thường cần đưa trẻ đến bệnh viện (Nguồn: Internet)

Trong quá trình chăm sóc cần phải theo dõi diễn tiến của bệnh, nếu phát triển trẻ có một trong những dấu hiệu sau đây thì cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế chuyên khoa:

  • Trẻ có biểu hiện thở rít, nhất là khi nằm yên.
  • Xuất hiện dấu hiệu khó thở, thở bất thường, phập phồng cánh mũi.
  • Trẻ mệt nhiều.
  • Trẻ há miệng khi thở và chảy nước miếng.
  • Sốt cao trên 39 độ C
  • Đau họng ngày càng tăng
  • Trẻ khó nuốt.

Thông thường để điều trị tình trạng trẻ bị viêm thanh quản, đầu tiên, bác sĩ sẽ khám lâm sàng để kiểm tra việc trẻ bị khàn tiếng có phải là do nhiễm trùng đường hô hấp hay không. Những trường hợp trẻ bị khàn tiếng kéo dài hơn 1 tháng thì cần phải đến gặp bác sĩ tai – mũi – họng để kiểm tra cổ họng và đường tiêu hóa.

Một số kỹ thuật y tế mà bác sĩ có thể thực hiện để chẩn đoán là nội soi thanh quản hoặc sinh thiết để có kết quả chính xác và rõ ràng nhất.

Sau khi xác định được nguyên nhân gây viêm thanh quản. Nếu trẻ bị viêm thanh quản nhẹ, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc để làm giảm triệu chứng. Nếu nguyên nhân gây viêm thanh quản là do nhiễm khuẩn, bác sĩ sẽ kê thuốc kháng sinh cho trẻ. Nếu nguyên nhân là do khối u, bác sĩ sẽ có thể thực hiện cắt bỏ khối u.

5. Phòng ngừa viêm thanh quản ở trẻ em bằng cách nào?

Để phòng tránh tình trạng trẻ bị viêm thanh quản cha mẹ cần lưu ý những điều sau đây:

  • Không cho trẻ la hét quá lớn trong lúc vui chơi để tránh làm trẻ bị khàn giọng.
  • Không cho trẻ tiếp xúc nhiều với hệ thống máy giữ ẩm không khí, máy điều hòa nhiệt độ... vì dễ làm cho cuống họng bị khô.
  • Tránh để trẻ tiếp xúc với môi trường có khói, bụi, thuốc lá hoặc bị ô nhiễm.
  • Cách ly trẻ với người bị bệnh để tránh lây lan.
  • Dạy trẻ học cách che miệng khi ho, hắt hơi, chảy mũi và không khạc nhổ bừa bãi.
  • Tăng cường dinh dưỡng để trẻ tăng sức đề kháng với bệnh.
  • Cần đưa trẻ đi chích ngừa đầy đủ.

Bệnh viêm thanh quản ở trẻ nhỏ rất dễ bị tái phát vì thế khi trẻ đã khỏi bệnh hoàn toàn, các bậc phụ huynh vẫn phải chú ý đến việc giữ ấm và phòng ngừa cho trẻ để tránh tình trạng bệnh quay trở lại.