Trong thông cáo ngày 21/4, Bộ Ngoại giao cho biết chỉ còn một công dân mang hai quốc tịch Việt Nam và Australia đang sống tại thủ đô Khartoum, Sudan sau khi các thuyền viên rời khỏi nước này.
Việt Nam tiếp tục theo dõi tình hình xung đột tại Sudan và sẵn sàng triển khai các biện pháp bảo hộ cần thiết nhằm đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của công dân.
Giao tranh tại Sudan bùng phát ngày 15/4 giữa quân đội dưới quyền tướng Abdel Fattah al-Burhan và Lực lượng Hỗ trợ Nhanh (RSF) của tướng Mohamed Hamdan Dagalo, sau nhiều tuần căng thẳng vì kế hoạch sáp RSF vào quân đội chính quy.
Phát ngôn viên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Margaret Harris ngày 21/4 cho biết 413 người thiệt mạng và 3.551 người bị thương trong xung đột tại Sudan.
20 cơ sở y tế tại Sudan đã ngừng hoạt động và 12 cơ sở khác đối mặt nguy cơ này, ảnh hưởng tới những người bị thương trong xung đột lẫn các bệnh nhân trước đó.
Trong ngày qua, hàng ngàn dân thường tại khu vực Khartoum đã cố di tản khỏi địa bàn bằng ô tô hoặc đi bộ. WHO cho biết, hiện hàng triệu người dân tại khu vực Khartoum đang mắc kẹt trong chính ngôi nhà của mình, và họ phải đối mặt với tình trạng thiếu điện, nước, và lương thực.
Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế kêu gọi chấm dứt xung đột tại Sudan. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cảnh báo xung đột leo thang tại Sudan có thể tàn phá quốc gia này và khu vực.
Sudan nằm ở khu vực đông bắc châu Phi, giáp với Ai Cập. Nước này có diện tích hơn 1,8 triệu km2 với dân số gần 48 triệu người.