21 năm vụ khủng bố 11/9: Tinh thần đoàn kết của người Mỹ!

(VOH) - 21 năm đã trôi qua nhưng hình ảnh về vụ khủng bố 11/9 cũng như những hậu quả bi thương của nó vẫn mãi ám ảnh người dân trên toàn thế giới.

Vào ngày 11/9/2001, 19 tên khủng bố Al Qaeda đã khống chế 4 máy bay thương mại của hai hãng hàng không United Airlines và American Airlines. 

Hai chiếc Boeing 767 lần lượt đâm vào hai tòa tháp đôi thuộc khu phức hợp Trung tâm Thương mại thế giới (WTC) ở thành phố New York, kéo theo sự sụp đổ của toàn bộ 7 tòa tháp trong khu vực.

Xem thêm: Mỹ: Nhiều hoạt động tưởng niệm các nạn nhân vụ khủng bố 11/9

 khủng bố 11/9
Khói bốc lên từ tòa WTC 1 (tháp bắc) sau cú đâm lúc 8h46 sáng 11/9/2001 (Ảnh: AP)
 khủng bố 11/9
Cú đâm thứ hai vào tòa WTC 2 xảy ra trong lúc việc sơ tán và cứu hỏa đang được thực hiện ở tòa WTC 1 và 2 (Ảnh: Reuters)

Tại thủ đô Washington D.C, một chiếc Boeing 757 của Hãng American Airlines đâm vào phía tây trụ sở Lầu Năm Góc gây ra đám cháy kinh hoàng, giết chết toàn bộ 64 người trên máy bay (bao gồm 5 tên khủng bố) và 125 người trên mặt đất.

 khủng bố 11/9
Trụ sở Lầu Năm Góc bị đổ sụp một phần sau vụ tấn công (Ảnh: Reuters)

Sau vụ tấn công tại Lầu Năm Góc, toàn bộ không phận Mỹ trở thành vùng cấm bay. Tuy nhiên, vẫn có một chiếc máy bay bất tuân. Đó là một chiếc Boeing 757 thuộc chuyến bay 93 của Hãng United Airlines bị 4 tên không tặc khống chế. Do chuyến bay cất cánh trễ, phi hành đoàn và hành khách đã kịp nghe về vụ tấn công tại New York.

Các hành khách trên máy bay quyết định chống lại bọn không tặc khiến máy bay rơi xuống Shanksville, bang Pennsylvania lúc 10h03.

Đây là một vụ tấn công chưa từng có trong lịch sử khủng bố (xét về quy mô), cũng là cuộc tấn công quy mô lớn nhất của một lực lượng nước ngoài trên đất Mỹ. Sự kinh hoàng và nỗi sợ hãi của vụ khủng bố ngày 11/9/2001 không chỉ giới hạn trong vài tháng, vài năm mà đã phủ một bóng đen lên cuộc sống của người Mỹ cho đến ngày nay.

khủng bố 11/9
Người dân chạy khỏi khu vực Trung tâm Thương mại Thế giới, bao quanh họ là khói bụi mù mịt. (Ảnh: AP)

Dưới đây là những con số liên quan tới hậu quả bi thương của vụ khủng bố 11/9:

  • 2.976 người người thiệt mạng: Vụ khủng bố kinh hoàng khiến 2.976 người thiệt mạng (không bao gồm 19 tên khủng bố) và khoảng 6.000 người bị thương. Chỉ tính riêng tại khu phức hợp WTC là 2.752 người thiệt mạng, với gần một nửa trong số này vẫn chưa được nhận dạng (Tính đến năm 2021, chỉ 1.647 (60%) trong số 2.753 hài cốt nạn nhân WTC đã được xác định).
  • 411 nhân viên cảnh sát, cứu hỏa, cứu hộ thiệt mạng: Lực lượng cứu hỏa, cứu hộ Thành phố New York và lực lượng cảnh sát đã mất hơn 411 nhân viên khi họ giải cứu người bị mắc kẹt và dập lửa tòa nhà WTC.
  • 1.337 phương tiện giao thông bị đè bẹp: Vụ khủng bố 11/9 khiến 1.337 phương tiện giao thông bị đè bẹp, trong đó có 91 phương tiện của lực lượng phòng cháy chữa cháy.
  • 10 tỷ USD là thiệt hại về cơ sở vật chất: Tòa WTC-2 bị sụp đổ hồi 09 giờ 59 phút, sau 56 phút bốc cháy và tòa WTC-1 bị sụp đổ hồi 10 giờ 28 phút, sau 102 phút bốc cháy. Thiệt hại về tài sản và cơ sở vật chất ít nhất là 10 tỷ USD.
  • 8,7 tỷ USD tài sản công ty và cá nhân bị chôn vùi: Khoảng 8,7 tỷ USD tài sản của các công ty và cá nhân bị cháy thành tro hoặc bị chôn vùi trong đống đổ nát của hai tòa tháp đôi.
  • 83-95 tỷ USD là thiệt hại của thành phố New York: Vụ khủng bố 11/9 gây thiệt hại cho riêng thành phố New York từ 83-95 tỷ USD, một phần do nhiều việc làm bị mất và nhiều công ty chuyển trụ sở ra khỏi thành phố.
  • 3,1 triệu giờ lao động để dọn dẹp hiện trường: Ước tính, phải mất 3,1 triệu giờ lao động để dọn dẹp 1,8 triệu tấn mảnh vỡ tại khu vực tòa tháp đôi đổ sập. Quá trình dọn dẹp chính thức kết thúc vào ngày 30/5/2002.
  • 21,8 tỷ USD là chi phí xây dựng lại: 21,8 tỷ USD là chi phí cho việc xây dựng lại các tòa nhà và cơ sở hạ tầng ở thành phố New York bị phá hủy do vụ khủng bố. Sửa chữa phần sườn phía tây Lầu Năm Góc tốn phí 500 triệu USD.
  • 25.000 người liên quan bị ung thư: 21 năm sau vụ khủng bố 11/9, chủ nghĩa khủng bố vẫn đang gây ra những hậu quả về mặt tinh thần và cả vật chất với nước Mỹ. Trong đó, có khoảng 25.000 người liên quan tới vụ việc đã bị ung thư vì khói bụi, hóa chất nóng chảy.
  • 117.000 người nằm trong diện chăm sóc y tế hậu 11/9: Ngoài những đau thương mất mát với các gia đình nạn nhân xấu số, không ít người sống sót cũng trải qua giai đoạn khó khăn do bệnh tật. Khoảng hơn 117.000 người nằm trong diện chăm sóc y tế hậu 11/9. Theo ước tính, đến năm 2032, quỹ hỗ trợ y tế cho các nạn nhân này cần tới khoảng 3 tỷ USD.
khủng bố 11/9
Từ năm 2009, ngày 11/9 đã được Quốc hội Mỹ thông qua trở thành Ngày Quốc gia về Phụng sự và Tưởng nhớ để khắc ghi một ngày buồn trong lịch sử nước này. Đây là hình ảnh một người đàn ông tìm kiếm ảnh cha mình, một hành khách trên Chuyến bay 11 - chiếc đầu tiên lao vào Tháp đôi WTC. (Ảnh: Scott Lewis)

Vụ tấn công đã làm thay đổi gần như mọi mặt của nước Mỹ. Sau cuộc tấn công, chính quyền Tổng thống George W. Bush phát động cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu, dẫn tới việc Mỹ phát động cuộc chiến tại Afghanistan ngay trong năm 2001.

Sau vụ khủng bố 1 năm, Mỹ đã chi 408 tỷ USD cho hoạt động của Bộ An ninh Nội địa Mỹ kể từ khi bộ này được thành lập năm 2002.

20 năm sau sự kiện này, khó có thể tìm thấy một phần nào đó trong cuộc sống của người Mỹ chưa bị ảnh hưởng bởi sự kiện 11/9/2001. Từ việc tăng cường an ninh tại các sân bay đến quân sự hóa cảnh sát, những cuộc chiến tranh kéo dài hao người tốn của và cả bản chất quyền tự do của nước Mỹ đã được định nghĩa lại bởi sự kiện này.

Hàng năm, dịp tưởng niệm sự kiện ngày 11/9 là cơ hội để nhắc nhở người Mỹ về những hy sinh, mất mát mà họ đã trải qua, cũng như về tinh thần đoàn kết mà người Mỹ đã có được từ sự kiện này, thay vì chia rẽ.

Năm 2022, dự kiến hàng nghìn người sẽ có mặt tại chân tòa tháp đôi cũ ở New York, 3 địa điểm đã bị tấn công khác ở Mỹ để tưởng niệm các nạn nhân trong vụ khủng bố 11/9.

Năm nay, ngày 11/9 vào cuối tuần, do đó lượng người tham dự đông hơn mọi năm. Vì là năm lẻ nên theo dự kiến, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ không tham dự lễ tại New York. Thành phần tham dự chủ yếu là người nhà các nạn nhân, người dân và quan chức địa phương.