Thông điệp của Joe Biden
Trong đoạn video clip được công bố vào đêm trước ngày 11/9/2021 (giờ Mỹ), Tổng thống Joe Biden đã thể hiện sự trân trọng đến 2.977 nạn nhân thiệt mạng trong vụ tấn công kinh hoàng cách đây 20 năm gây chấn động toàn thế giới, và nhiều người dân Mỹ mãi cho đến hiện tại vẫn chưa thể nguôi ngoai.
Đối với các lực lượng khẩn cấp chịu trách nhiệm ứng phó với các vụ tấn công năm đó, ông Biden bày tỏ: “Chúng ta tôn vinh tất cả những người đã liều lĩnh và hy sinh mạng sống của chính mình trong từng phút, từng giờ và cả nhiều năm tháng sau thảm kịch.”
“Bất kể thời gian đã trôi qua bao lâu, những ký ức đau thương này mỗi khi gợi nhắc lại đều vẹn nguyên nỗi đau như chúng vừa mới xảy ra”, Tổng thống Mỹ phát biểu.
Joe Biden cũng thừa nhận rằng, “những cảm xúc nội tâm sâu thẳm của con người - bao gồm nỗi sợ hãi, giận dữ, phẫn uất và cả những hành động bạo lực chống lại những người Mỹ theo đạo Hồi giáo” đã xuất hiện như một hệ quả tự nhiên sau các vụ tấn công ngày 11/9, tuy nhiên với ông, sự đoàn kết vẫn luôn là “sức mạnh to lớn nhất” của dân tộc.
“Chúng ta cũng hiểu được rằng sự đoàn kết là điều không bao giờ được phá vỡ”, Biden khẳng định.
Cũng trong dịp này, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho rằng các vụ tấn công đã thất bại “trong việc làm lung lay niềm tin của chúng ta về nền tự do và dân chủ”. Trong số những nạn nhân thiệt mạng vì vụ khủng bố ngày 11/9, có 67 người là công dân Anh.
Chuỗi các vụ tấn công kinh hoàng vào nước Mỹ được lên kế hoạch bởi nhóm khủng bố quốc tế al-Qaeda đến từ Afghanistan. Ngày 11/9/2001, 4 máy bay thương mại chở khách cỡ lớn của hàng không Mỹ đã bị khống chế bởi nhóm không tặc là những phần tử cực đoan của al-Qaeda. Các máy bay lần lượt bị chuyển hướng sang tấn công hàng loạt mục tiêu.
Hai máy bay đầu tiên lao nhanh tới và đâm thẳng vào hai tòa tháp Bắc và Nam của Trung tâm Thương mại Thế giới (World Trade Center - WTC) ở New York. Hai tòa tháp bị nổ và đổ sập hoàn toàn chỉ ít phút sau đó.
Máy bay thứ ba mang số hiệu 77 của American Airlines đâm vào Lầu Năm Góc nằm tại quận Arlington, bang Virginia gần sát thủ đô Washington DC, làm sập một phần mặt phía tây của tòa nhà.
Máy bay thứ tư mang số hiệu 93 của American Airlines ban đầu được nhắm vào thủ đô Washington nhưng sau đó thì lao thẳng xuống đất, vỡ toang trên một cánh đồng ở Pennsylvania sau khi có báo cáo cho thấy có sự chống trả từ các hành khách trên máy bay này.
Loạt vụ tấn công trên đã làm 2.977 người thiệt mạng, hơn 6.000 người khác bị thương và gây ra thiệt hại ít nhất 10 tỷ USD về tài sản và cơ sở hạ tầng, đồng thời gây những tổn thất tổng cộng ước tính lên tới 3.000 tỷ USD.
Đây cũng là thảm họa gây thiệt hại về người lớn nhất đối với lực lượng lính cứu hỏa và hành pháp trong lịch sử nước Mỹ, với 343 lính cứu hỏa và 72 sỹ quan hành pháp thiệt mạng.
Trong chuỗi các sự kiện tưởng niệm ngày 11/9, Tổng thống Joe Biden sẽ cùng Đệ nhất phu nhân Jill Biden lần lượt đến thăm 3 địa điểm từng là nơi xảy ra các vụ tấn công.
Các sự kiện tưởng niệm năm nay diễn ra trong bối cảnh được xem là khoảng thời gian khó khăn đối với Joe Biden, khi gần đây ông đang chịu sự chỉ trích mạnh mẽ về việc rút quân vội vã khỏi Afghanistan, kết thúc sự hiện diện của quân đội Mỹ tại cuộc chiến kéo dài nhất lịch sử, để lại một đất nước Afghanistan ngổn ngang và có phần hỗn loạn trước sự tái chiếm đóng của Taliban.
Ground Zero và biểu tượng hồi sinh
"Ground Zero" (Khu vực số 0) là thuật ngữ chỉ một vùng đất sau khi một quả bom nguyên tử được ném xuống, nổ tung và biến nơi đây thành bình địa, không một cấu trúc nào hay sinh vật nào còn tồn tại. Sau vụ tấn công khủng bố 11/9, giới truyền thông Mỹ đã gọi nơi mà hai tòa tháp đôi của Trung tâm Thương mại thế giới bị đổ sập này là Ground Zero.
Bằng tiềm lực kinh tế hùng mạnh và ý chí vượt qua quá khứ đau thương, tại khu vực Ground Zero ngày nay sừng sững mọc lên 4 tòa tháp, một khu bảo tàng và khu tưởng niệm, một nhà ga sầm uất và một trung tâm biểu diễn nghệ thuật.
Để tưởng nhớ gần 3.000 người đã thiệt mạng trong vụ tấn công khủng bố kinh hoàng nhất trong lịch sử nước Mỹ và quyết tâm "hồi sinh New York", ngày 6/9/2005, tại khu vực Ground Zero, một tổ hợp tháp mới đã được khởi công xây dựng.
Lúc chưa bị hai chiếc máy bay do bọn khủng bố điều khiển đâm vào và sụp đổ, tòa tháp đôi WTC từng được xem là một trong những biểu tượng cho sức mạnh kinh tế New York nói chung và nước Mỹ nói riêng. Ngày nay, trung tâm của Ground Zero là tòa tháp Trung tâm Thương mại Một Thế giới (One World Trade Center- OWTC) hay còn được gọi là "Tháp Tự do" (Tower of Freedom) là tòa tháp cao nhất nước Mỹ với chiều cao đầy tính biểu tượng 1.776 feet (tương đương 541m) tích hợp nhiều đặc điểm thiết kế đặc biệt để tránh lặp lại thảm kịch của tòa WTC cũ bị phá hủy hoàn toàn cách đây 16 năm.
Ngày 3/11/2014, Trung tâm Thương mại Một thế giới mới đã mở cửa đón công ty đầu tiên chuyển đến. Conde Nast - "Người khổng lồ" trong lĩnh vực xuất bản của Mỹ là doanh nghiệp đầu tiên đặt đại bản doanh tại tòa tháp 104 tầng OWTC. Tháng 5/2015, đài quan sát trên nóc OWTC đã mở cửa đón những du khách đầu tiên. Đài quan sát này được đặt trên các tầng từ 100 đến 102 của tòa tháp, mở cửa tất cả các ngày trong tuần từ 9 giờ sáng đến 12 giờ đêm.
Từ độ cao 380 mét, du khách có thể ngắm nhìn toàn cảnh thành phố New York, kéo dài từ khu Manhattan đến tượng Nữ thần Tự do, phóng tầm mắt tới bang New Jersey, bang Connecticut và thậm chí đến bờ biển Đại Tây Dương.