Ông Michael Morell, người hai lần giữ chức quyền Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) mới đây cảnh báo rằng tổ chức khủng bố al-Qaeda có thể sẽ xây dựng lại lực lượng và củng cố lại sức mạnh của mình ở Afghanistan khi nước này đặt dưới sự dưới sự cai trị của Taliban.
Ông Morrell từng có nhiều năm làm việc tại CIA. Sau khi xảy ra vụ tấn công khủng bố ngày 11/9 tại Mỹ, ông từng báo cáo với Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là ông George W. Bush về vụ tấn công này và từng giải thích với người kế nhiệm của ông Bush là Tổng thống Barack Obama về cái chết của thủ lĩnh al-Qaeda Osama bin Laden.
Ông Morrel tin rằng Taliban sẽ mời al-Qaeda tham gia vào công cuộc tái thiết ở Afghanistan.
Ông không nghi ngờ gì về điều này và cho biết: "Tôi tin rằng Taliban sẽ chứa chấp al-Qaeda và tin rằng al-Qaeda muốn xây dựng lại lực lượng của mình để họ có thể tấn công chúng tôi trên lãnh thổ nước Mỹ".
Theo hãng tin AP, nhận định trên của cựu lãnh đạo CIA được đưa ra tại một diễn đàn trực tuyến do Văn phòng công tố Mỹ tại quận phía Đông của bang Virginia tổ chức. Văn phòng này đang tổ chức các cuộc thảo luận nhằm kỷ niệm 20 năm vụ tấn công khủng bố ngày 11/9.
Ông Morrell cho rằng chiến thuật chống khủng bố đã rơi vào một khuôn mẫu cố định khi tập trung tấn công vào một mục tiêu cụ thể, mục tiêu sẽ dần bị tiêu diệt, nhưng sau khi giảm đòn tấn công, mục tiêu sẽ hồi sinh trở lại.
Ông đã nêu ví dụ rằng vào năm 2002 và 2003, sau khi Mỹ chuyển trọng tâm sang Iraq, al-Qaeda đã có được khoảng thời gian dễ thở hơn. Sau đó vào năm 2004 và 2005, tổ chức khủng bố này đã phát động các cuộc tấn công tại thủ đô Madrid của Tây Ban Nha và thủ đô London của nước Anh.
Ông Morrell cho biết nếu al-Qaeda được chứa chấp ở Afghanistan, sẽ rất khó để có được những thông tin tình báo chiến thuật của họ. Khi đó, Mỹ sẽ phải dựa vào những kinh nghiệm mà mình có được trong 20 năm qua.
Al-Qaeda chúc mừng Taliban trở lại nắm quyền ở Afghanistan
Hồi tuần trước, al-Qaeda đã chúc mừng Taliban trở lại nắm quyền ở Afghanistan, điều này dường như càng khẳng định thêm rằng mối đe dọa có thể xảy ra trong tương lai là có thật.
Al-Qaeda nói: "Chiến thắng này cho thấy những gì có thể làm được khi những người Hồi giáo đoàn kết lại và cầm lấy vũ khí để chiến đấu bảo vệ tôn giáo của mình theo cách của Thánh Allah. Sự kiện này chứng tỏ thánh chiến là con đường duy nhất dẫn đến chiến thắng và sự trao quyền".
Tuy nhiên, một số chuyên gia lại có những cách lý giải khác nhau về lời chúc mừng chiến thắng của al-Qaeda.
Al-Qaeda đang xây dựng lực lượng để mở rộng sự hiện diện của mình trong khu vực
Ông Colin P. Clarke, Giám đốc chính sách & nghiên cứu của The Soufan Group - một công ty tư vấn an ninh và tình báo ở New York - mới đây đã có bài viết trên tờ Politico rằng, mặc dù mối quan hệ giữa Taliban và al-Qaeda chưa từng bị cắt đứt, nhưng tình hình hiện nay đã rất khác so với 20 năm trước.
Ông tin rằng mục tiêu cuối cùng của al-Qaeda không phải là thuyết phục Taliban chứa chấp họ để họ lên kế hoạch phát động các cuộc tấn công khác nhằm vào các nước phương Tây.
"Al-Qaeda dường như không còn nhấn mạnh đến mục tiêu này nữa, và có thể họ biết rất rõ rằng Taliban sẽ không bao giờ chấp nhận bất kỳ rủi ro nào có thể ảnh hưởng đến sự cai trị của họ ở Afghanistan thêm lần nữa", ông Clarke nói trong bài viết.
Ông cho biết al-Qaeda đã để việc thực hiện các vụ tấn công nhằm vào các nước phương Tây lại cho các nhóm cực đoan khác như tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, để họ tập trung vào các hoạt động ở cơ sở.
Ông Clark chỉ ra rằng trong những năm qua, al-Qaeda đã tạo dựng được sức mạnh riêng của mình ở các nước Trung Đông, Nam Á và Châu Phi. Hiện al-Qaeda đang dùng chiến thắng của Taliban để tiến hành các hoạt động tuyên truyền nhằm truyền cảm hứng cho các nhóm trực thuộc và những người ủng hộ họ trên khắp thế giới.
Ông nói, al-Qaeda đang dồn sức vào việc trở thành một bên tham gia quyền lực trong khu vực với hy vọng có thể chiêu mộ các chiến binh mới để bổ sung lực lượng và mở rộng sự hiện diện của họ trong khu vực.
Taliban và al-Qaeda sẽ bắt tay với nhau?
Ông Clark cho rằng chiến thắng của Taliban đã khiến các tổ chức cực đoan tin rằng họ có thể thành công và giành được chính quyền theo phương pháp thực hiện từng bước một, không tấn công quyết liệt, đồng thời tăng cường mối liên kết với các bộ lạc và gia tộc tại địa phương.
"Các nhóm thánh chiến ở Syria và Pakistan đã xem Taliban là tấm gương.. Một nhóm vũ trang ở Tây Phi có mối liên hệ với al-Qaeda đã ca ngợi '20 năm kiên nhẫn' của Taliban và cho biết những chiến lược tương tự sẽ giúp họ chinh phục được nước cộng hòa Mali và các quốc gia khác thuộc khu vực Sahel ở châu Phi", ông Clark nói.
Ông cảnh báo rằng khi mối quan hệ giữa Taliban và al-Qaeda được khôi phục trở lại, đó có thể là một mối nguy mới bởi hai nhóm này có thể trở thành đồng minh lâu dài.
Theo nhận định của ông, Taliban có thể cần đến sự giúp đỡ của al-Qaeda để chống lại nhóm thánh chiến Nhà nước Hồi giáo Khorasan (ISIS-K) và hỗ trợ họ trong việc điều hành đất nước tại Afghanistan. Đồng thời, cả Taliban và al-Qaeda có thể sẽ tập trung nguồn lực tại Pakistan và dùng các cuộc tấn công khủng bố để chống lại Ấn Độ nhằm gây ảnh hưởng đến tình hình ở khu vực Nam Á.