Chính phủ mới của Afghanistan dưới thời Taliban và những thông điệp đầu tiên

(VOH) - Taliban đã chính thức tuyên bố thành lập chính phủ lâm thời, khẳng định Afghanistan là một “Tiểu vương quốc Hồi giáo” và có những thông điệp đầu tiên đến thế giới.

Hơn 3 tuần trước, lực lượng Taliban đã chiếm quyền kiểm soát hầu hết lãnh thổ Afghanistan và lật đổ thành công bộ máy lãnh đạo trước đó của quốc gia này.

Ngày 7/9, Taliban đã chính thức công bố chính phủ lâm thời nắm quyền điều hành Afghanistan. Nội các mới cầm quyền Afghanistan bao gồm các nhân vật cấp cao của Taliban, đáng chú ý một vài người trong số này từng “khét tiếng” bởi các cuộc tấn công nhắm vào lực lượng quân đội Mỹ và NATO trong vòng 2 thập kỷ qua.

Việc công bố nội các là một bước tiến quan trọng trong việc hình thành một chính phủ thực thụ do Taliban điều hành. Chính quyền mới được dự báo sẽ đối mặt với rất nhiều thách thức phía trước, đặc biệt trong đó là ổn định tình hình xã hội và kinh tế tại Afghanistan.

Phía Taliban trước đó cho biết họ muốn thành lập một chính phủ với toàn diện với đầy đủ thành phần; tuy nhiên, tất cả thành viên nội các vừa được công bố đều là các thủ lĩnh của Taliban và không có bất kỳ phụ nữ hay người ngoài nào góp mặt.

Chính phủ mới của Afghanistan dưới thời Taliban và những thông điệp đầu tiên
Đại diện Taliban đọc quyết định công bố chính phủ lâm thời Afghanistan. Ảnh: BBC

Luật Hồi giáo sẽ được áp dụng trở lại?

Một thông cáo bằng tiếng Anh được cho là của thủ lĩnh tối cao của Taliban - Mawlawi Hibatullah Akhundzada có nội dung yêu cầu chính phủ mới tại Afghanistan tiếp tục duy trì bộ luật Hồi giáo, hay còn gọi là luật Sharia.

Luật Sharia được xem là bộ quy tắc ứng xử của người Hồi giáo, có nguồn gốc từ Kinh Qur’an và những điều răn của nhà tiên tri Muhammad. 

Một số quy định của luật Sharia do Taliban từng áp dụng vào thời kỳ 1996-2001 bao gồm: đàn ông buộc phải để râu, không uống rượu bia; phụ nữ chỉ được ra đường khi có người thân là nam giới đi kèm, phải che kín mặt, không được trang điểm. Giai đoạn này, đa số trẻ em gái không được đến trường.

Nhiều điều khoản hà khắc khác đối với phụ nữ cũng được áp dụng như không được đi giày cao gót, không được phép quay phim hay trưng bày những hình ảnh của phụ nữ ở nơi công cộng hay ở nhà. Tất cả những người phụ nữ vi phạm có thể bị đánh đòn ngay trên phố, sân vận động, ngay cả khi họ ra khỏi nhà không có đàn ông đi cùng vì họ không có người thân nào là đàn ông.

Một lực lượng “cảnh sát đạo đức” được Taliban lập ra để xử lý sai phạm. Những ai vi phạm bị trừng phạt công khai bằng hình thức đánh đòn, ném đá. Với phụ nữ, mắc lỗi đôi khi sẽ khiến họ trả giá bằng mạng sống. 

Chính phủ mới của Afghanistan dưới thời Taliban và những thông điệp đầu tiên
Phụ nữ Afghanistan từng có cuộc sống cực kỳ tù túng và khó khăn dưới thời Taliban trước đây, khi áp dụng luật Sharia. Ảnh: Reuters

Ngoài ra, thông cáo được cho là của thủ lĩnh tối cao Mawlawi Hibatullah Akhundzada nói trên còn cho biết Taliban mong muốn xây dựng “quan hệ lành mạnh và vững chắc với các nước láng giềng và tất cả các quốc gia khác dựa trên cơ sở tôn trọng và hỗ trợ qua lại lẫn nhau”. Qua đó, Taliban đang muốn nói với thế giới rằng lực lượng này sẽ tôn trọng các hiệp định và luật pháp quốc tế với điều kiện “không mâu thuẫn với luật Hồi giáo và các giá trị vốn có của đất nước”.

Thủ lĩnh tối cao Hibatullah Akhundzada của Taliban chưa bao giờ xuất hiện công khai trước công chúng. Thông cáo này được xem là thông điệp đầu tiên của nhân vật này kể từ khi Taliban chiếm được quyền kiểm soát đất nước vào tháng trước.

Chính phủ lâm thời Afghanistan gồm những ai?

Taliban công bố người đứng đầu chính phủ lâm thời Afghanistan là Mullah Mohammad Hassan Akhund. Vào giai đoạn nắm quyền cuối cùng trước đây của Taliban (1996-2001), người này từng là thứ trưởng ngoại giao Afghanistan. Đây là một trong những người đầu tiên thành lập lực lượng Taliban và hiện tại đang nằm trong danh sách đen của Liên Hiệp Quốc.

Vị trí tiếp theo là Bộ trưởng Nội vụ thuộc về Sirajuddin Haqqani. Đây là người đứng đầu nhóm phiến quân thường được gọi là “mạng lưới Haqqani” vốn có mối liên hệ với Taliban, đồng thời là lực lượng đứng sau nhiều vụ tấn công đẫm máu tại Afghanistan trong suốt 20 năm qua - trong đó có cả vụ đánh bom xe tải ở thủ đô Kabul vào năm 2017 khiến hơn 150 người thiệt mạng.

Mạng lưới Haqqani bị chính phủ Mỹ xếp vào danh sách những tổ chức khủng bố ở nước ngoài và hiện lực lượng này vẫn duy trì quan hệ mật thiết với tổ chức khủng bố al-Qaeda.

Theo hồ sơ của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) về Haqqni thì người này “đang bị FBI truy nã để điều tra về vụ tấn công tại một khách sạn ở Kabul vào năm 2008 khiến 6 người thiệt mạng, trong đó có 1 công dân Mỹ.”

Cũng theo FBI, Haqqani “được cho là đã phối hợp và tham gia vào các cuộc tấn công xuyên biên giới chống lại quân đội Mỹ và quân đồng minh ở Afghanistan. Haqqani cũng bị cáo buộc có liên quan đến đến kế hoạch thực hiện âm mưu ám sát cựu Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai vào năm 2008.”

Ngoài ra, mạng lưới Haqqani cũng nằm trong danh sách tình nghi đứng sau vụ tấn công vào Đại sứ quán Mỹ và các căn cứ của NATO ở Kabul vào ngày 12/9/2011. Sự kiện này đã khiến 8 người - gồm 4 cảnh sát và 4 dân thường - thiệt mạng.

Chính phủ mới của Afghanistan dưới thời Taliban và những thông điệp đầu tiên
Các tay súng Taliban trong dinh Tổng thống Afghanistan ngày 15/8/2021. Ảnh: AP.

Một số chức vụ khác của chính phủ mới ở Afghanistan gồm:

  • Bộ trưởng Quốc phòng Mullah Yaqoob. Đây là con trai của Mullah Omar - một trong những người thành lập Taliban và được xem là lãnh tụ tinh thần của lực lượng này.
  • Phó Thủ tướng Mullah Abdul Ghani Baradar - cũng là một trong những người đồng thành lập Taliban. Baradar trước đây là người đứng đầu văn phòng chính trị Taliban, từng chứng kiến lễ ký kết thỏa thuận rút quân của Mỹ vào năm ngoái.
  • Bộ trưởng Ngoại giao Amir Khan Muttaqi - lãnh đạo cấp cao từng tham gia vào việc đàm phán với Mỹ về vấn đề rút quân khỏi Afghanistan.
Chính phủ mới của Afghanistan dưới thời Taliban và những thông điệp đầu tiên
Sơ đồ các vị trí chủ chốt trong chính phủ lâm thời Afghanistan. Nguồn: BBC 

Khi được hỏi tại sao không xuất hiện người phụ nữ nào trong thành phần nội các, Ahmadullah Wasiq thuộc Ủy ban Văn hóa Taliban cho biết bộ máy chính phủ hiện tại công bố vẫn chưa là danh sách cuối cùng.

Việc Taliban công bố chính phủ mới diễn ra trong bối cảnh xuất hiện nhiều báo cáo cho rằng lực lượng này đang tiến hành nhiều cuộc tấn công mang tính “trả thù” - điều mà phía Taliban một mực phủ nhận kể từ khi chiếm quyền kiểm soát Afghanistan tới nay.

Theo nhiều nguồn tin cung cấp cho BBC, một vài chiến binh Taliban đã lùng sục và giết hại những người từng phục vụ trong chính quyền trước đây, trong đó có 2 sĩ quan cảnh sát cấp cao.

“Kể từ khi Taliban nắm lại quyền lực, họ không ngừng giết chóc”, một cựu sĩ quan đặc nhiệm Afghanistan nói, đồng thời xác nhận một số đồng đội trước đây của anh đã bị giết hại.

Nhiều phụ nữ tháo chạy khỏi Afghanistan sau khi Taliban lên nắm quyền cho biết, họ nhận được nhiều lời nhắn từ lực lượng này, kêu gọi họ mau chóng trở về và “sống theo cách của người Hồi giáo, theo luật Hồi giáo”.

Bình luận