Trong vòng 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm: Mỹ (76.616 ca), Ấn Độ (50.224ca), Pháp (45.422 ca), Brazil (25.574 ca), Anh (23.012 ca), Đức (10.458 ca)…
Đến thời điểm này, số ca tử vong do Covid-19 là 1.154.282 ca, số bệnh nhân bình phục đã lên tới 31.654.014 người, 10.105.346 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 77.142 ca nguy kịch. Đáng chú ý, nhiều nước châu Âu ghi nhận số ca tử vong mới cao kỷ lục.
Mỹ: 76.616 ca nhiễm trong 24 giờ
Nước Mỹ trong 24 giờ qua ghi nhận 76.616 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 8.823.899 ca, bao gồm 230.045 ca tử vong, tiếp tục đứng đầu thế giới. Các chuyên gia cảnh báo, Mỹ có thể sẽ chứng kiến số ca lây nhiễm mới ở mức 6 con số và số ca tử vong sẽ tăng mạnh trong vòng 3-4 tuần tới, thường là sau đợt tăng ca nhiễm mới khoảng 2-3 tuần.
Hiện 35/50 bang của Mỹ chứng kiến số ca mắc Covid-19 gia tăng từng ngày. Trong tuần qua, ít nhất 34 tiểu bang của Mỹ đã thông báo số ca nhiễm mới Covid-19 tăng hơn tuần trước đó.
Số ca tử vong do Covid-19 mỗi ngày ở Mỹ tăng ổn định ở mức 700-800 ca kể từ đầu mùa Thu. Hiện có đến 14 bang của Mỹ ghi nhận số ca tử vong cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát.
Châu Âu: Số ca nhiễm mới tăng nhanh
Tại châu Âu, dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, số ca nhiễm mới liên tục tăng nhanh tại nhiều nươc. Trong đó, Pháp ghi nhận thêm 45.422 ca nhiễm trong 24 giờ qua, Anh 23.012 ca, Ý 19.644 ca, Bỉ 17.568 ca…
Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC) - cơ quan kiểm soát dịch bệnh của Liên minh châu Âu (EU) cảnh báo, toàn bộ các nước thành viên EU, ngoại trừ Cyprus, Estonia, Phần Lan và Hy Lạp, đều có mức độ lây lan dịch bệnh ở mức đáng báo động.
Giới chức Đức hối thúc người dân hạn chế tối đa tiếp xúc xã hội cũng như các hoạt động đi lại không cần thiết để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm, đồng thời cũng khuyến cáo người dân không đi nghỉ Đông tại các khu nghỉ dưỡng trượt tuyết ở Áo, Italy và Thụy Sĩ.
Tại Bỉ, kể từ ngày 26/10 đến 19/11, thủ đô Brussels áp dụng lệnh giới nghiêm từ 10 giờ tối đến 6 giờ sáng hôm sau, mọi trung tâm hoạt động văn hóa như bảo tàng, nhà hát, rạp chiếu phim... đều phải đóng cửa.
Quy định về đeo khẩu trang được tái áp dụng trên toàn vùng Brussels và việc tụ tập quá 4 người tại nơi công cộng sẽ bị cấm. Các cửa hàng phải đóng cửa muộn nhất lúc 8 giờ tối và chỉ có một người trong gia đình được đi mua sắm. Cửa hiệu phục vụ đồ ăn mang đi được phép mở cửa đến 10 giờ đêm.
Theo quy định mới, đám cưới được phép tổ chức nhưng chỉ có cô dâu, chú rể, người chứng kiến và nhà chức trách thực hiện việc đăng ký. Đám tang chỉ được diễn ra với quy mô tối đa là 15 người tham dự.
Các chuyến dã ngoại của học sinh tại Bỉ bị cấm. Mọi cuộc thi đấu thể thao không chuyên đều bị đình chỉ, kể cả đối với trẻ em dưới 12 tuổi. Các buổi đào tạo thể thao được duy trì, ít nhất là cho thanh niên dưới 18 tuổi. Nhà thi đấu thể dục thể thao, bể bơi, sân trượt băng cũng phải đóng cửa.
Tại thủ đô Sofia (Bulgaria), từ ngày 25/10 sẽ chính thức đóng cửa các hộp đêm và vũ trường trong hai tuần nhằm ngăn chặn dịch bệnh, đồng thời kêu gọi các trường đại học tại thủ đô có khoảng 2 triệu dân này chuyển sang hình thức học trực tuyến, các chủ doanh nghiệp tạo điều kiện cho nhân viên làm việc tại nhà.
Tại Pháp, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, trong giai đoạn này, Pháp vẫn chưa có kế hoạch nào nhằm giảm bớt lệnh giới nghiêm ngăn chặn lây lan đại dịch Covid-19, thậm chí lệnh giới nghiêm dự kiến còn có thể kéo dài. Pháp đã công bố kế hoạch gia hạn lệnh giới nghiêm đối với 38 khu vực hành chính. Tổng cộng, 2/3 trong dân số 67 triệu dân của nước này sẽ phải ở trong nhà từ 21 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau, kéo dài cho đến đầu tháng 12.
Kể từ ngày 26/10, Slovenia sẽ đóng cửa biên giới với Italy. Quyết định được Chính phủ Slovenia đưa ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang tiếp diễn phức tạp tại Italy.
Theo đó, công dân Italy chỉ được phép quá cảnh tại Slovenia tối đa 12 tiếng để tới các điểm đến khác và không loại trừ việc tiến hành kiểm tra sức khỏe. Tuy nhiên, lao động xuyên biên giới, vận chuyển quốc tế, thành viên của các phái đoàn nước ngoài và trường hợp vì lý do công việc khẩn cấp hoặc kiểm tra y tế được miễn trừ.
Ngoài ra, những trường hợp tới từ các quốc gia có nguy cơ cao mắc Covid-19 sẽ bị cách ly tại biên giới Slovenia.
Châu Á: Nhiều nước Đông Nam Á chưa kiềm chế được dịch
Tại châu Á, số ca nhiễm Covid-19 "nhập cảnh" tại Trung Quốc đang tăng cao. Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết Trung Quốc đại lục có thêm 28 ca nhiễm Covid-19, đều là ca trở về từ nước ngoài.
Ngoài ra, nước này phát hiện thêm 27 ca mắc Covid-19 không triệu chứng, cũng đều là ca "nhập cảnh". Tính đến ngày 25/10, Trung Quốc có tổng cộng 85.775 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 80.876 ca đã được chữa khỏi và 4.634 ca tử vong.
Malaysia 24 giờ qua ghi nhận thêm 1.228 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2, mức cao nhất từ trước đến nay và cũng là lần đầu tiên số ca nhiễm mới trong một ngày tăng ở mức bốn con số. Malaysia đang trong làn sóng Covid-19 thứ ba, bắt nguồn từ bang Sabah sau khi bang này tổ chức bầu cử Hội đồng bang hồi cuối tháng 9 vừa qua.
Philippines ghi nhận thêm 2.057 ca nhiễm mới trong ngày 24/10. Bộ Y tế nước này thông báo tổng số ca bệnh tại nước này hiện là 367.819 người, trong đó có 313.112 người đã hồi phục. Số ca tử vong tại Philippines hiện là 6.934 ca, chỉ tăng 19 ca trong ngày 24/10.
Indonesia ghi nhận 4.070 ca Covid-19 mới, nâng tổng số ca bệnh tại nước này lên 385.980 trường hợp. Cùng ngày, Indonesia cũng ghi nhận thêm 129 ca tử vong, nâng tổng ca tử vong lên 13.205 trường hợp không qua khỏi. Số ca hồi phục tại Indonesia đã lên tới 313.112 trường hợp.
Myanmar ghi nhận 1.423 ca nhiễm mới trong ngày 24/10. Do đó con số ca mắc Covid-19 tại nước này đã lên tới 43.788 người, trong đó có 1.066 ca tử vong và 23.708 người đã khỏi bệnh.