Con số khiến nhiều người bất ngờ này nói lên điều gì? Tình hình nhiễm bệnh gia tăng trở lại tại Iran thời gian gần đây thật sự nghiêm trọng đến mức nào? Vì sao chính phủ Iran lại công bố số liệu gây sốc để gióng lên hồi chuông cảnh báo?
Một bà cụ đeo khẩu trang đang đứng mua rau quả tại thành phố Tonekabon
Con số hơn 270.000 và 25.000.000
Iran có dân số khoảng 84 triệu và hiện đang là quốc gia có số ca nhiễm cao nhất tại Trung Đông. Kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại Iran vào tháng 2, nước này từng ghi nhận hàng ngàn ca nhiễm mới mỗi ngày vào những thời điểm dịch bệnh nghiêm trọng nhất.
Sau khi thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch nghiêm ngặt trên toàn quốc, số ca nhiễm mới tại Iran đã giảm đáng kể và tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát.
Tuy nhiên, kể từ khi các biện pháp kiểm soát dịch từng bước được dỡ bỏ, tình hình trở nên tồi tệ hơn khi các ca nhiễm mới bắt đầu tăng mạnh trở lại từ tháng 6. Những ngày gần đây, mỗi ngày đều ghi nhận trên 2.000 ca nhiễm mới.
Theo số liệu do Bộ Y tế Iran công bố, tính đến trưa ngày 21/7, Iran đã ghi nhận thêm 2.625 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên đến 278.827 ca, trong đó có 14.634 ca tử vong.
Trước đó, vào ngày 18/7, Tổng thống Iran Hassan Rouhani dẫn số liệu của Bộ Y tế nước này cho biết, 25 triệu người tại nước này có thể đã bị nhiễm virus SARS-CoV-2 và khoảng 30 - 35 triệu người khác có nguy cơ nhiễm bệnh.
Thông tin này đã nhanh chóng được lan truyền trên các phương tiện truyền thông ngay sau khi số liệu được công bố.
Giải thích về con số 25 triệu, một thành viên Hội đồng khoa học thuộc Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh quốc gia Iran ngày 19/7 cho biết nó chỉ mang ý nghĩa về mặt nghiên cứu dịch tễ học chứ không phải con số chẩn đoán thực tế.
Vị này cho biết thêm rằng trên 90% những người bị nhiễm là không có triệu chứng, họ được chẩn đoán đã bị nhiễm nhờ vào kết quả xét nghiệm kháng thể. Và con số 25 triệu nói trên là ám chỉ những trường hợp không có triệu chứng như vừa đề cập chứ không phải “những người đã được chẩn đoán”.
Vì sao Iran lại gióng lên hồi chuông cảnh báo vào lúc này?
Do việc chống dịch là rất khó khăn nên trong các tuyên bố trước đây của giới lãnh đạo Iran, họ thường đặt nặng vấn đề tạo niềm tin nơi người dân.
Một số nhà phân tích cho rằng, phát biểu lần này của Tổng thống Rouhani có vẻ “khác thường” khi ông dùng con số gây sốc để gióng lên hồi chuông cảnh báo, cho thấy chính phủ Iran đang có nhiều cân nhắc cho những thay đổi trong chiến lược phòng chống dịch cũng như việc nắm bắt tình hình dịch bệnh hiện nay.
Một mặt, nó hạ thấp kỳ vọng của người dân về mặt tâm lý, đồng thời cảnh báo dịch bệnh có thể tiếp tục chuyển biến xấu. Tuy nhiên, chính phủ Iran e rằng sẽ khó có thể nhanh chóng kiểm soát được dịch bệnh thông qua các biện pháp nghiêm ngặt như ngưng việc, ngưng sản xuất, đóng cửa hàng loạt các nhà máy, xí nghiệp trên phạm vi toàn quốc như trước đây.
Nền kinh tế của Iran vốn đã bị suy yếu do ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ, nay dưới tác động của dịch bệnh Covid-19, tình hình kinh tế và đời sống của người dân càng trở nên khó khăn hơn.
Đồng Rial của Iran liên tiếp bị mất giá, tính đến nay đã mất khoảng 60% giá trị. Vật giá gia tăng đã làm tăng đáng kể chi phí sinh hoạt hàng ngày của người dân. Giá cả các loại thực phẩm như trứng, thịt gà và các loại hạt đã tăng hơn 30%.
Có học giả cho rằng, dưới áp lực của nền kinh tế hiện nay, chính phủ Iran có thể sẽ thay đổi cách thức vừa chống dịch vừa sản xuất như trước đây mà chỉ tập trung vào việc đảm bảo sản xuất để tránh xảy ra tình trạng khủng hoảng nhân đạo, đồng thời có thể nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch.
Chính quyền các địa phương tại Iran có thể đề xuất với trung ương các biện pháp phòng chống dịch trên cơ sở tình hình thực tế công tác phòng dịch của địa phương mình.
Từ ngày 18/7, thủ đô Tehrean của Iran bắt đầu triển khai các biện pháp mới về kiểm soát dịch, bao gồm đóng cửa nhà hàng, cấm tổ chức hội họp, tạm ngừng một số hoạt động thể thao, đóng cửa quán cà phê và một số địa điểm vui chơi giải trí, giảm 1/3 số lượng nhân viên chính phủ… Nhưng xét về mức độ, sẽ không làm “căng” như trước đây. Thời gian thực hiện dự kiến trong một tuần.
Ông Javad, một người dân tại Teheran nói rằng, nhiều người đã không thể duy trì được công việc và thu nhập của mình thông qua hình thức làm việc từ xa hoặc làm việc tại nhà.
Mặc dù tình hình nhiễm bệnh đã gia tăng trở lại kể từ khi dỡ bỏ các biện pháp phòng chống dịch khiến nhiều người cảm thấy lo ngại, nhưng họ khó có thể chịu đựng được cái giá của sự đình trệ kinh tế thêm một lần nữa.
Mặt khác, nhiều người dân không coi trọng việc phòng ngừa sau khi các biện pháp phòng chống dịch từng bước được dỡ bỏ, điều đó đã khiến tình hình nhiễm bệnh gia tăng trở lại và chính phủ Iran muốn nhân cơ hội này cảnh báo đến người dân.
Chính phủ đã ban hành lệnh yêu cầu người dân phải đeo khẩu trang khi ra đường kể từ ngày 5/7, các ngân hàng và cơ quan nhà nước không được phục vụ người dân khi họ không đeo khẩu trang. Tuy nhiên, những người dân không chấp hành các biện pháp phòng chống dịch vẫn nhan nhản xuất hiện trên đường phố.
Ông Javad nói, tàu điện ngầm và xe buýt là những phương tiện vận chuyển thường có rất đông người nên không thể giữ khoảng cách phù hợp để đảm bảo an toàn. Xung quanh nơi ông ấy ở phần lớn là những người thuộc tầng lớp lao động, họ không đủ khả năng chi trả cho việc thay khẩu trang hàng ngày.