Ả Rập Saudi: Quyết định cắt giảm dầu 'thuần túy vì kinh tế', yêu cầu Mỹ tôn trọng

(VOH) - Ả Rập Saudi đã bác bỏ những tuyên bố - mà nước này cho là “không dựa trên thực tế” - nhằm vào quyết định được đưa ra tuần trước của OPEC+ về việc cắt giảm sản lượng dầu.

Trong thông cáo của Bộ Ngoại giao Ả Rập Saudi đưa ra ngày 13/10, quyết định của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) nhận được sự đồng thuận, nhất trí cao của các thành viên; trong đó đã tính đến sự cân bằng của cung và cầu, và nhằm mục đích kiềm chế sự biến động của thị trường.

Hồi đầu tuần này, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định mối quan hệ giữa Mỹ và Ả Rập Saudi “sẽ chịu hậu quả” từ quyết định cắt giảm mạnh sản lượng dầu của OPEC+ xuống 2 triệu thùng dầu/ngày.

Mỹ cho rằng Ả Rập Saudi chịu khuất phục trước Moscow, khi nước này phản đối việc phương Tây áp giá trần đối với dầu của Nga như một động thái tạo áp lực cho Nga vì chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Trong khi đó, Nga - cũng là một thành viên của OPEC+, đã ca ngợi động thái cắt giảm sản lượng dầu thô của nhóm OPEC+ là một hành động có trách nhiệm, góp phần chống lại "'tình trạng hỗn loạn" mà Mỹ gây ra.

Thông cáo cũng dẫn lời một quan chức giấu tên nhấn mạnh quyết định cắt giảm sản lượng của OPEC+ được đưa ra trong “bối cảnh thuần túy là kinh tế”.

Ngoài ra, trong thông cáo cũng đề cập đến các tham vấn của Mỹ yêu cầu OPEC+ hoãn triển khai việc cắt giảm trong vòng một tháng. “Vương quốc đã làm rõ - thông qua các cuộc tham vấn liên tục với chính quyền Mỹ - rằng tất cả các phân tích kinh tế đều cho thấy việc trì hoãn quyết định của OPEC + trong một tháng sẽ gây ra tác động tiêu cực cho nền kinh tế”, trích thông cáo của cơ quan ngoại giao Ả Rập Saudi.

Nước này cũng khẳng định quan hệ song phương với Mỹ là mối quan hệ chiến lược, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn trọng lẫn nhau giữa hai bên.

Ả Rập Saudi: Quyết định cắt giảm dầu
Quyết định cắt giảm sản lượng dầu của OPEC+ vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ phía Mỹ. Ảnh: The New York Times

Trước đó vào ngày 5/10, tại hội nghị diễn ra tại Vienna, Áo, OPEC+ đã nhất trí cắt giảm sản lượng dầu khoảng 2 triệu thùng/ngày kể từ tháng 11/2022. Động thái diễn ra bất chấp sức ép từ Mỹ và nhiều nước đề nghị OPEC+ tăng sản lượng để giảm giá năng lượng toàn cầu.

Đây là mức giảm sản lượng lớn nhất của OPEC+ kể từ sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát, cho thấy ý định của OPEC+ là giữ giá ở mức cao sau khi trải qua 7 năm giá thấp, giới phân tích cho biết.

Quyết định của OPEC+ không được Mỹ hoan nghênh trong bối cảnh các nền kinh tế toàn cầu đang nỗ lực kiềm chế lạm phát tăng cao. Mỹ trước đó nhiều lần kêu gọi OPEC không cắt giảm sản lượng. Washington cho rằng các yếu tố cơ bản của nền kinh tế toàn cầu hiện không thuận lợi cho quyết định cắt giảm sản lượng.

Ngoài ra, quyết định của OPEC+ cũng có khả năng làm gián đoạn những nỗ lực do Mỹ dẫn đầu nhằm thiết lập giới hạn giá dầu từ Nga. Đây là kế hoạch do Mỹ đề xuất như một cách để hạn chế dòng tiền chảy vào nước này và được dùng cho các mục đích quân sự.