Afghanistan lo ngại sẽ hạn hán vì thiếu tuyết

VOH - Afghanistan hầu như không có tuyết kể từ giữa tháng 1, một dấu hiệu mới cho thấy hậu quả nặng nề của hiện tượng nóng lên toàn cầu đối với quốc gia Trung Á vốn có mùa đông khắc nghiệt.

Lượng mưa đặc biệt thấp ở một quốc gia phụ thuộc nhiều vào nông nghiệp đã buộc nhiều nông dân phải trì hoãn việc trồng trọt.

Rohullah Amin, người đứng đầu bộ phận biến đổi khí hậu của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Quốc gia (NEPA) cho biết: “Trong những năm trước, vào tháng 1, chúng tôi có rất nhiều mưa và tuyết. Nhưng bây giờ chúng tôi không có đủ thứ gì cả”.

Ông nói với AFP: “Điều này rất đáng lo ngại vì có thể xảy ra hạn hán nghiêm trọng trong tương lai, gây áp lực nặng nề lên sinh kế và kinh tế” bởi việc thiếu tuyết đe dọa đến lớp băng tuyết cung cấp nước trong những tháng nóng hơn.

tuyết
Các tòa nhà dân cư trên nền núi ở Kabul vào ngày 16/1/2024 - Ảnh: AFP

Xem thêm: Bão mùa đông ở Mỹ: Tuyết phủ dày 6 tấc, ít nhất 9 người ở New York chết

Theo ông Amin, nông dân ở phía Tây Nam đất nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi hạn hán, tiếp theo là những người ở các tỉnh phía Nam - dù điều kiện khô hạn đã lan đến mọi nơi trên đất nước.

Tại các tỉnh phía đông Ghazni và Paktika, gần đây tuyết chỉ rơi vài cm hoặc ít hơn và tỉnh miền núi Badakhshan chỉ mới chứng kiến ​​những đợt tuyết đầu tiên trong tuần này.

Ngay cả ở độ cao 3.800 mét gần đèo Salang ở dãy núi Hindu Kush, chỉ có những mảng tuyết rải rác trên mặt đất đá, một điều bất thường vào giữa tháng 1.

Vào tháng 12, chính quyền Taliban đã chỉ thị cho các cơ sở tôn giáo ở mọi tỉnh thực hiện cầu nguyện Namaz-e Istisqa - thực hiện những lời cầu mưa trong đạo Hồi.

Nhiều nông dân đã trì hoãn việc trồng trọt, thường được thực hiện vào tháng 10 hoặc tháng 11. Mọi người đang chờ mưa hoặc tuyết, nhưng nếu không có mưa hoặc tuyết trong khoảng 10 hoặc 15 ngày tới thì nông dân sẽ không thể gieo lúa mì vì đất sẽ quá khô.

Các nhà khí tượng học Afghanistan hiện không dự đoán được bất kỳ thay đổi nào trong 2 tuần tới.

Theo Liên Hợp Quốc, bước vào năm hạn hán thứ ba, Afghanistan là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu.

Người phát ngôn của Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO) - Robert Kluijver cho biết, tình hình 'rất nghiêm trọng' và “trên tất cả các ngọn núi, không hề có tuyết”.

Lúa mì mùa đông - loại lúa mì chiếm khoảng 60% lượng calo hàng ngày của người Afghanistan - thường được thu hoạch vào tháng 4 và tháng 5. Ông Kluijver cho rằng, nếu người dân cứ chờ đợi thời tiết thuận lợi mới trồng lúa mì thì năng suất sẽ càng thấp.

Bình luận