Ai cập: Phát hiện bia đá và lăng mộ gần đền thờ Nữ hoàng Hatshepsut

AI CẬP - Các nhà khảo cổ vừa phát hiện những phần còn nguyên vẹn của bức tường móng của ngôi đền của Nữ hoàng Hatshepsut tại Luxor cùng với lăng mộ gần đó của Nữ hoàng Teti Sheri.

Phát hiện này, được công bố ngày 08/01, bởi ông Zahi Hawass, nhà khảo cổ học và cựu Bộ trưởng Bộ Du lịch và Cổ vật Ai Cập, người dẫn đầu các cuộc khai quật tại địa điểm này kể từ năm 2022.

Ông Hawass cho biết, nhóm nghiên cứu đã phát hiện hơn 1.000 khối đá được trang trí tại khu vực ngoại ô của Đền tang lễ Hatshepsut.

Nữ hoàng Hatshepsut thuộc triều đại thứ 18, qua đời khoảng năm 1458 TCN, là một trong số ít phụ nữ từng trị vì Ai Cập. Ngôi đền của bà đã bị cố ý phá hủy nhiều thế kỷ sau đó.

Ai cap phat hien moi (1)

Một hiện vật được trưng bày bên trong lăng mộ của Jehuti-Mes, được các nhà khảo cổ học phát hiện gần Đền Hatshepsut ở Deir El-Bahari, Ai Cập. - Ảnh: Reuters.

Ông Hawass chia sẻ: "Đây là lần đầu tiên chúng tôi phát hiện 1.500 khối đá được trang trí, với những bức tranh đẹp nhất mà tôi từng thấy trong đời và màu sắc vô cùng sống động".

Tại địa điểm khai quật, một bia đá vôi được tìm thấy mang tên kiến trúc sư Senmut, người giám sát việc xây dựng ngôi đền của Nữ hoàng Hatshepsut.

Gần đó, các nhà khảo cổ đã phát hiện lăng mộ của Nữ hoàng Teti Sheri, bà của Ahmose I, vị pharaoh đầu tiên của thời kỳ Tân Vương quốc, người giải phóng Ai Cập khỏi sự xâm lược của người Hyksos, những kẻ xâm lược từ phía đông bán đảo Sinai. Nữ hoàng Teti Sheri qua đời vào năm thứ 9 dưới triều đại của Ahmose, tức khoảng một thế kỷ trước thời Nữ hoàng Hatshepsut.

Lăng mộ đơn giản của bà được chạm khắc trên đá và nằm ở cuối một nhà nguyện có mái vòm bằng gạch bùn. Tường của nhà nguyện được sơn đỏ trên nền vữa trắng, tạo nên những họa tiết trang trí độc đáo.

Bình luận