Mối quan hệ này được hình thành bởi nhiều yếu tố địa chính trị phức tạp. Nó cũng phản ánh lập trường của 2 nước trong nhiều vấn đề quốc tế.
Để hiểu mối quan hệ Ai Cập – Thổ Nhĩ Kỳ, cần xem xét cuộc cách mạng mùa xuân Ả Rập 2011, khiến Ai Cập và nhiều nước Ả Rập thay đổi mạnh mẽ.
Thổ Nhĩ Kỳ dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, đã ủng hộ cuộc nổi dậy của người Ả Rập, đưa các nhóm Hồi giáo lên nắm quyền, ví dụ nhóm anh em Hồi giáo ở Ai Cập.
Cuộc nổi dậy dẫn đến việc cựu Tổng thống Hosni Mubarak bị phế truất sau 30 năm trên ngai vàng, mở đường cho ông Mohammed Morsi - một thành viên nhóm anh em Hồi giáo kế nhiệm năm 2012. Thời điểm đó, quan hệ Ai Cập-Thổ Nhĩ Kỳ ở đỉnh cao gần gũi, đánh dấu bằng sự hợp tác chặt chẽ giữa 2 lãnh đạo.
Thổ Nhĩ Kỳ coi sự trỗi dậy của ông Morsi là diễn biến tích cực, phù hợp với các phong trào Hồi giáo trong khu vực. Tuy nhiên, nhiệm kỳ Tổng thống của ông Morsi không kéo dài. Năm 2013, quân đội Ai Cập lật đổ nhà lãnh đạo có liên hệ với nhóm anh em Hồi giáo, sau các cuộc biểu tình của người dân. Quân đội do tướng Abdel Fattah El-Sisi - bộ trưởng quốc phòng lãnh đạo, hiện là Tổng thống.
Thổ Nhĩ Kỳ lên án mạnh mẽ việc lật đổ ông Morsi, dẫn đến căng thẳng trong quan hệ với chính quyền mới của Ai Cập. Thổ Nhĩ Kỳ thường xuyên chỉ trích và từ chối công nhận chính phủ mới, dẫn đến một thập kỷ lạnh nhạt ngoại giao.
Giai đoạn này, sự tin tưởng lẫn nhau không còn, thậm chí 2 bên đối đầu trong 1 số vấn đề. Ví dụ cuộc xung đột ở Lybia. Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ chính phủ quốc gia, trong khi Ai Cập ủng hộ phe quân đội quốc gia do tướng Khalifa Haftar lãnh đạo.
Căng thẳng còn lan sang lĩnh vực khác, như truyền thông và kinh tế. Cả hai đều tìm cách hạn chế ảnh hưởng của nhau. Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ những kênh truyền thông phản đối chế độ quân sự ở Ai Cập.
Thay đổi trong quan hệ Ai Cập-Thổ Nhĩ Kỳ có tín hiệu vào năm 2021, khi bắt đầu các cuộc đàm phán thăm dò.
Bước đi này diễn ra, khi cả hai nhận ra nhu cầu vượt qua đối đầu, cũng là để thích nghi với thay đổi trong khu vực lẫn toàn cầu. Bối cảnh địa chính trị ở Trung Đông và thế giới đã trải qua nhiều biến động, trong giai đoạn 2 nước lạnh nhạt. Điều này cũng góp phần vào xu hướng hòa giải.
Về kinh tế, cả 2 cùng đối mặt với thách thức nan giải trong những năm gần đây. Thổ Nhĩ Kỳ chật vật với lạm phát cao và đồng tiền mất giá. Ai Cập thì ngày càng dựa vào viện trợ từ bên ngoài. Hai nước nhận ra, họ cần hợp tác vì lợi ích song phương.
An ninh khu vực cũng là yếu tố quan trọng. Cả 2 hiểu rằng, sự ổn định của khu vực phụ thuộc vào sự phối hợp giữa các cường quốc trong vùng.
Ở Libya và Syria, đã xuất hiện những hiểu biết mới về cách chấm dứt giao tranh thông qua giải pháp chính trị. Chính trị là con đường khả thi nhất dẫn đến ổn định.
Hơn nữa, Hoa Kỳ có xu hướng chuyển trọng tâm từ Trung Đông sang châu Á. Washington giảm quan tâm đến khu vực, các nước như Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ phải tăng cường quan hệ để bảo vệ lợi ích. Sự thay đổi này thúc đẩy cả hai định vị lại mình trong trật tự toàn cầu mới. Mối quan hệ hợp tác có thể nâng cao khả năng đàm phán với những cường quốc toàn cầu, tăng mức độ độc lập trong việc ra quyết định.
Bước ngoặt trong mối quan hệ diễn ra vào tháng 2/2024, khi Tổng thống Erdogan có chuyến thăm lịch sử tới Cairo, theo lời mời của người đồng cấp El-Sisi.
Chuyến thăm đánh dấu cột mốc quan trọng trong tiến trình hòa giải. Đây là chuyến đi chính thức đầu tiên của một lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ tới Ai Cập, từ khi phe anh em Hồi giáo bị lật đổ năm 2013.
Chuyến thăm được tiếp đón nồng hậu. Các cuộc thảo luận diễn ra về nhiều vấn đề, như thương mại, đầu tư, an ninh và văn hóa.
Chuyến thăm gửi thông điệp mạnh mẽ tới cộng đồng quốc tế, rằng cả hai đều nghiêm túc trong việc hàn gắn quan hệ và tìm kiếm cơ hội hợp tác. Nó cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại trực tiếp, trong việc giải quyết tranh chấp. Tuyên bố chung được đưa ra trong chuyến thăm, đã tái khẳng định cam kết xây dựng một chương mới trong quan hệ song phương, dựa trên sự tôn trọng và lợi ích chung.
Hiện nay, 2 bên đang sắp xếp để ông El-Sisi thăm Ankara.
Có nhiều kỳ vọng một số nghị sự sẽ được trao đổi, giúp định hình lại tương lai quan hệ 2 nước.
Các lĩnh vực được dự đoán sẽ tăng cường hợp tác là năng lượng, phát triển cơ sở hạ tầng và thương mại. Đầu tư của Thổ Nhĩ Kỳ vào Ai Cập, hiện chiếm một phần đáng kể đầu tư trực tiếp nước ngoài. Sự hiểu biết chính trị có thể thúc đẩy các khoản đầu tư này, cũng như tăng khối lượng trao đổi thương mại.
Xung đột ở Trung Đông, đặc biệt là Libya và Syria, có thể nằm trong chương trình nghị sự. Cả hai đều thừa nhận, bất ổn không có lợi cho tất cả. Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ có chung lợi ích, trong việc ổn định khu vực. Sự phối hợp có thể góp phần đạt được các giải pháp chính trị lâu dài.
Chuyến thăm của Tổng thống Ai Cập tới Thổ Nhĩ Kỳ, được dự đoán mang lại nhiều cơ hội, nhưng chính trị và lịch sử Trung Đông luôn có nhiều bài học, là cơ hội thường đi kèm với thách thức.
Khác biệt về ý thức hệ giữa 2 nước vẫn tồn tại, đặc biệt liên quan đến ủng hộ các nhóm Hồi giáo. Khác biệt này có thể cản trở việc đạt được thỏa thuận, về một số vấn đề nhạy cảm, nếu không tin tưởng vào cam kết của đối phương.
Thổ Nhĩ Kỳ đã có những bước đi cụ thể về vấn đề này, nhưng vẫn còn nhiều dấu chấm hỏi về tính nghiêm túc và bền vững.
Ngoài ra, không thể bỏ qua ảnh hưởng từ bên ngoài tới mối quan hệ này. Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nga có những lợi ích khác nhau trong khu vực.
Tiến triển gần đây trong quan hệ song phương giữa Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy, cả hai sẵn sàng vượt qua thách thức để theo đuổi mục tiêu chung.
Chìa khóa thành công này, là ý chí chính trị, ngoại giao và tập trung vào lĩnh vực cùng quan tâm.
Bằng cách xây dựng mối quan hệ dựa trên nền tảng, là chuyến thăm cấp cao gần đây, sau đó chuyển thiện chí chính trị thành hành động cụ thể, Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ được dự đoán có thể thiết lập đối tác bền vững, đóng góp vào sự thịnh vượng trong khu vực.