Chờ...

Tia hy vọng cho Trung Đông từ hiệp định hợp tác Iraq – Thổ Nhĩ Kỳ

VOH - Giữa tháng 8/2024, Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ ký 1 thỏa thuận quan trọng, với mục tiêu xoa dịu căng thẳng, cũng như tăng cường hợp tác quân sự, an ninh, kinh tế và quản lý tài nguyên nước.

Theo thỏa thuận, một cơ sở huấn luyện quân sự chung sẽ được thành lập tại Bashiqa. Các hoạt động hợp tác chống lại PKK sẽ được tăng cường, một dự án cơ sở hạ tầng và thương mại trị giá 17 tỷ USD có tên “Development Road” sẽ được khởi xướng. Thỏa thuận 10 năm về quản lý tài nguyên nước, cũng được ký để đảm bảo phân phối nước công bằng.

c_Turkey_Iraq
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ (trái) và người đồng cấp Iraq trong 1 buổi đàm phán ký kết thỏa thuận - Ảnh: Foreign Policy

Đây là bước tiến đáng kể, trong việc cải thiện quan hệ song phương. Nó cũng đặt ra câu hỏi về tác động đối với khu vực, đặc biệt là Syria và nhiều bên liên quan khác.

Giống như mối quan hệ với Syria, Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq có nhiều năm căng thẳng liên quan đến người Kurd và PKK.

Ví dụ tháng 1/2024 và tháng 12/2023, Thổ Nhĩ Kỳ không kích địa điểm của PKK trong lãnh thổ Iraq, sau khi binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng vì giao tranh.

Căng thẳng cũng trở nên trầm trọng, do bất đồng về tài nguyên nước của sông Tigris và Euphrates. Thỏa thuận mới đã mở ra con đường, hướng đến việc chấm dứt những vấn đề tồn tại lâu đời này.

Nếu nhìn sang Syria, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ vẫn hiện diện ở miền Bắc, nơi lực lượng dân chủ Syria kiểm soát.

Sự hiện diện này bắt đầu từ phong trào quần chúng chống lại tổng thống Bashar Assad năm 2011. Lực lượng dân chủ Syria được Hoa Kỳ hậu thuẫn, làm tăng thêm sự phức tạp của tình hình. Mặc dù vậy, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan thường xuyên đe dọa, sẽ có nhiều hành động quân sự hơn trong khu vực, để chống lại đảng Công Nhân Người Kurd (PKK).

Miền bắc Syria gần đây liên tục chứng kiến ​​hoạt động quân sự, như các cuộc không kích, khiến tình hình trở nên căng thẳng. Bên cạnh đó, giao tranh thường xuyên diễn ra ở miền bắc Syria, tại các khu vực do nhóm đối lập kiểm soát, được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn.

Tất cả điều này phản ánh mối quan hệ phức tạp giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, nhưng gần đây có bước đi thận trọng tiến tới hòa giải.

Sau khi ủng hộ phe đối lập Syria ở giai đoạn đầu nội chiến, Tổng thống Erdogan đã ra hiệu mong muốn hòa bình với Chính phủ của Tổng thống Assad.

Một số chuyên gia cho rằng, vẫn còn nhiều thách thức. Chính phủ Syria yêu cầu quân đội Thổ Nhĩ Kỳ rời khỏi lãnh thổ và ngừng hỗ trợ các tổ chức đối lập. Hơn nữa, địa chính trị khu vực phức tạp, như mối quan hệ của Syria với Nga và Iran, gây khó thêm cho nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ. Bất chấp các thách thức này, động thái ngoại giao gần đây cho thấy một sự thay đổi thận trọng, nhưng đáng chú ý về mối quan hệ hai nước.

Nhiều ý kiến cho rằng, thỏa thuận Iraq-Thổ Nhĩ Kỳ có thể đóng vai trò là lộ trình, để xoa dịu căng thẳng và tìm ra giải pháp hòa bình ở miền bắc Syria. Tuy nhiên, nó cũng có thể được hiểu là Thổ Nhĩ Kỳ muốn tránh mặt trận thứ hai, trong trường hợp quan hệ với Syria trở nên xấu hơn.

Cách tiếp cận của ông Erdogan chỉ ra, họ thực sự muốn xoa dịu căng thẳng. Hơn nữa, người ta có thể thấy rõ mong muốn của Iraq, là sắp xếp lại mối quan hệ của mình với Iran, và tìm kiếm sự cân bằng hơn với phần còn lại của Trung Đông. Điều tương tự cũng có thể áp dụng cho Syria.

Mọi tiến trình đều sẽ mất thời gian. Giới quan sát cho rằng, trước hết thỏa thuận Thổ Nhĩ Kỳ - Iraq cần phải được duy trì. Vào thời điểm sự mệt mỏi và nỗi sợ hãi về xung đột bao phủ khắp nơi, thỏa thuận này là cơ hội quan trọng để giữ ổn định và nhân rộng.

Ngoài Syria, Thổ Nhĩ Kỳ đã bày tỏ mong muốn xoa dịu căng thẳng với Iran, như đã chứng kiến ​​chuyến thăm của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Azerbaijan vừa qua. Azerbaijan là đồng minh của Thổ Nhĩ Kỳ và Nga là đồng minh của Iran.