Ngoài ra, Ấn Độ cũng cho tiến hành hủy bỏ các bộ xét nghiệm đã được sử dụng trước đó ở một số địa phương và kết quả kèm theo vì độ chính xác được xác nhận chỉ đạt 5%.
Bộ xét nghiệm nhanh từ Trung Quốc mất khoảng 30 phút để cho ra kết quả và hoạt động dựa trên nguyên lý tìm kháng thể (nếu có) trong máu của người nghi nhiễm bệnh. Đây được cho là sẽ giúp khoanh vùng số ca nhiễm nhanh chóng trong một khu vực nhất định.
Tuy nhiên, bộ xét nghiệm nhanh này không thể tự mình kiểm tra được Sars-CoV-2 và một vài nhà khoa học đã bày tỏ lo ngại về việc sử dụng chúng để chẩn đoán bệnh.
Phía Trung Quốc đã phản ứng lại những nhận định của Ấn Độ khi cho rằng các bộ dụng cụ xét nghiệm của nước này không đạt chuẩn. Trong thông cáo chính thức vào ngày thứ Ba 28/4, người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc tại Ấn Độ - ông Ji Rong khẳng định: “Trung Quốc luôn coi trọng chất lượng của các sản phẩm vật tư y tế dùng cho xuất khẩu. Thật không công bằng và vô trách nhiệm khi một số cá nhân luôn mặc định dán nhãn “hàng lỗi” cho những sản phẩm của Trung Quốc một cách phiến diện, đầy định kiến.”
Trước đó, nhiều bang ở Ấn Độ đã hối thúc Hội đồng Nghiên cứu Y khoa của nước này (ICMR) cho phép sử dụng các bộ xét nghiệm nhanh đối với dịch Covid-19 vì lo ngại ở Ấn Độ vẫn chưa có nơi nào được xét nghiệm một cách đầy đủ.
Trước động thái này, phía ICMR ban đầu còn một số do dự, nhưng sau đó đã xúc tiến nhập khẩu các bộ xét nghiệm nhanh từ hai công ty Trung Quốc.
Tuy nhiên không lâu sau khi được áp dụng xét nghiệm nhanh, nhiều địa phương đã lên tiếng than phiền rằng các bộ xét nghiệm nhập từ Trung Quốc có độ chính xác chỉ đạt 5%. Những bang này cho biết thậm chí đã sử dụng bộ xét nghiệm cho những bệnh nhân có kết quả dương tính với Sars-CoV-2 trước đó nhưng vẫn kết quả trả về vẫn là âm tính. Sau đó, ICMR tiến hành kiểm định chất lượng và toàn bộ số hàng này đều không đạt tiêu chuẩn.
Vào thứ Hai 27/4, các vấn đề liên quan tới việc này còn trở nên phức tạp hơn sau khi tòa án tối cao Delhi đã đưa ra mức định giá của các bộ xét nghiệm gây tranh cãi này và cho rằng chính phủ Ấn Độ đã trả phí quá cao. Tuy nhiên, các quan chức lại khẳng định rằng chính phủ sẽ "không mất một đồng rupee nào” khi hủy các đơn đặt hàng này vì không phải thanh toán trước và việc hủy toàn bộ đơn hàng đã xong.
Một khu vực xét nghiệm nhanh Covid-19 ở Ấn Độ. Ảnh: The Asian Age
Ngoài bộ xét nghiệm nhanh đang gây tranh cãi, chính quyền Bắc Kinh ngày 26/4 cho biết đã tịch thu khoảng 89 triệu khẩu trang không đúng tiêu chuẩn. Thông báo này được đưa ra trong bối cảnh chính sách "ngoại giao khẩu trang" của Trung Quốc bị sứt mẻ vì tai tiếng khẩu trang xuất khẩu kém chất lượng.
Theo đó, hơn 89 triệu chiếc khẩu trang, hơn 400.000 linh kiện thiết bị bảo hộ đã bị chính quyền Trung Quốc tịch thu kể từ đầu mùa dịch đến nay. Canada, cũng như nhiều nước châu Âu, chẳng hạn như Tây Ban Nha, phàn nàn vì đã nhận được những chiếc khẩu trang không đúng chuẩn. Những lời chỉ trích này đang làm tổn hại đến hình ảnh của Trung Quốc. Thế nên, để xóa tan những lời chỉ trích đó, chính quyền thông báo là đã tăng cường các quy định có liên quan đến việc xuất khẩu trang thiết bị y tế từ nhiều ngày qua.
Theo một quan chức cao cấp của bộ Ngoại Thương, chính phủ ʺnghiêm trị việc sản xuất hàng nhái và kém chất lượng, cũng như mọi hoạt động gây xáo trộn thị trường và lĩnh vực xuất khẩuʺ. Kể từ đầu mùa dịch đến nay, Trung Quốc đã gởi tổng cộng hơn một tỷ khẩu trang cho gần 70 quốc gia.