Ấn Độ dẫn đầu danh sách về số lần ngắt kết nối với mạng Internet toàn cầu

(VOH) - Số lần Ấn Độ ngừng kết nối với Internet toàn cầu vào năm 2022 cao nhất trên thế giới, một báo cáo mới tiết lộ.

Trong số 187 vụ ngắt kết nối Internet được ghi nhận trên toàn thế giới năm 2022 có 84 vụ xảy ra ở Ấn Độ, theo báo cáo của Access Now - một nhóm theo dõi tự do Internet có trụ sở tại New York.

Nhóm này cho biết, đây là năm thứ 5 liên tiếp nền dân chủ lớn nhất thế giới với hơn 1,3 tỷ dân đứng đầu danh sách, làm dấy lên lo ngại về cam kết của Ấn Độ đối với tự do Internet dưới thời Thủ tướng Narendra Modi.

Các nhà phê bình cho rằng, đây là một đòn giáng vào cam kết của nước này đối với quyền tự do ngôn luận và tiếp cận thông tin.

Ấn Độ
Lính tuần tra trên đường phố trong cuộc tuần hành phản đối vào ngày 10/6/2022 tại Srinagar, Ấn Độ. (Ảnh: Getty Images)

Báo cáo cho biết: "Chính quyền ở một số khu vực trên cả nước ngày càng sử dụng nhiều hơn biện pháp đàn áp này, khiến nhiều người ở nhiều nơi bị ngắt kết nối".

Theo báo cáo, gần 60% các vụ ngừng hoạt động Internet của Ấn Độ vào năm ngoái xảy ra ở Kashmir do Ấn Độ quản lý - nơi chính quyền thực hiện biện pháp gián đoạn truy cập do "bất ổn chính trị và bạo lực".

Ngoài Kashmir và Jammu, chính quyền ở các bang Tây Bengal và Rajasthan đã áp đặt nhiều lệnh ngắt kết nối Internet hơn để đối phó với "các cuộc biểu tình, bạo lực cộng đồng và các kỳ thi" - báo cáo cho biết.

Ấn Độ có dân số sử dụng công nghệ lớn thứ hai thế giới, sau Trung Quốc, với hơn 800 triệu người dùng Internet. Internet đã trở thành huyết mạch kinh tế - xã hội quan trọng đối với phần lớn dân số và kết nối các khu vực nông thôn của đất nước với các thành phố đang phát triển.

Báo cáo cho biết, sự gián đoạn kết nối đã "đã ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của hàng triệu người trong hàng trăm giờ vào năm 2022".

Access Now cho biết, năm 2022 chứng kiến ​​nhiều vụ ngắt Internet trên toàn thế giới nhiều hơn bao giờ hết. Ngoài Ấn Độ, các quốc gia khác đã nhiều lần ngừng hoạt động Internet vào năm ngoái bao gồm Ukraine, Iran và Myanmar.

Bình luận