Chờ...

Ấn Độ hạn chế xuất khẩu vắc-xin Covid-19, nhiều quốc gia và tố chức thế giới bị ảnh hưởng

(VOH) - Nepal và Bangladesh đang tiến hành các nỗ lực ngoại giao nhằm đảm bảo nguồn cung vắc-xin Covid-19, khi số lượng vắc-xin đang dần cạn kiệt và Ấn Độ thì thông báo cắt giảm xuất khẩu vắc-xin.

Theo hãng tin Reuters, Ấn Độ có thể sẽ không nối lại các hoạt động xuất khẩu vắc-xin Covid-19 ít nhất là đến tháng 10 năm nay, để đảm bảo nguồn cung vắc-xin sử dụng trong nước.

Việc trì hoãn lần này kéo dài hơn bình thường, không những ành hưởng đến nguồn cung vắc-xin của các nước như Nepal và Bangladesh mà còn được cho rằng sẽ làm nghiêm trọng hơn việc thiếu vắc-xin đối với chương trình chia sẻ vắc-xin Covax của Liên Hiệp Quốc.

Trước đây, Bangladesh đã ký thỏa thuận với Viện Serum của Ấn Độ (SII) - nhà sản xuất vắc-xin lớn nhất thế giới và cũng là đơn vị sản xuất vắc-xin Covid-19 của hãng AstraZeneca, về việc cung ứng 30 triệu liều vắc-xin của hãng này. Tuy nhiên hiện tại Bangladesh chỉ mới nhận được 7 triệu liều vắc-xin.

Bangladesh cho biết, đang cần khẩn cấp 1,6 triệu liều vắc-xin AstraZeneca cho giai đoạn tiêm chủng mũi thứ hai. Hiện mới chỉ khoảng 2% trong tổng số 170 triệu dân nước này hoàn thành tiêm chủng đủ 2 mũi vắc-xin.

Trước tình hình này, Bangladesh đã yêu cầu sự hỗ trợ từ vài quốc gia trong đó có cả Mỹ và Canada. “Ngoại trưởng Bangladesh kêu gọi Cao ủy Canada tại Bangladesh đệ trình và làm việc với chính phủ Canada, mục tiêu hỗ trợ Bangladesh ít nhất 2 triệu liều vắc-xin AstraZeneca vì mục đích khẩn cấp”, trích thông cáo của Bộ Ngoại giao Bangldesh.

Cơ quan này cũng cho biết các quan chức ngoại giao cũng hy vọng đảm bảo được 4 triệu liều vắc-xin AstraZeneca hỗ trợ từ Mỹ - vốn nằm trong kế hoạch chia sẻ 60 triệu liều mà Mỹ từng đặt ra trước đó.

Ngoài ra, sau khi Ấn Độ tạm ngừng xuất khẩu vắc-xin vào tháng 4, Bangladesh cũng đã làm việc với Trung Quốc và Nga về nguồn cung các loại vắc-xin Sinopharm và Sputnik V do hai nước này sản xuất.

Ấn Độ hạn chế xuất khẩu vắc-xin Covid-19, nhiều quốc gia và tổ chức bị ảnh hưởng
Một người dân Nepal bên cạnh hai bình oxy vừa được làm đầy để phục vụ cho bệnh nhân Covid-19, khi đại dịch càn quét qua khu vực Nam Á những tuần qua. Ảnh: Reuters

Về phía Nepal, nước này chỉ mới bắt đầu triển khai tiêm vắc-xin vào tháng 1 năm nay với 2,35 triệu liều vắc-xin của hãng AstraZeneca đã được sử dụng. Số vắc-xin này chủ yếu do Ấn Độ cung cấp và một phần từ chương trình chia sẻ vắc-xin của Liên Hiệp Quốc mang tên COVAX.

Song hiện tại, Nepal cũng cho biết lượng vắc-xin lưu trữ đã hết và vẫn còn hơn 1,55 triệu người đang chờ được tiêm mũi vắc-xin thứ hai.

Sewa Lamal - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nepal cho biết nước này đã yêu cầu giới chức Ấn Độ tiến hành giao sớm hơn dự kiến một ít vắc-xin, tuy nhiên Bộ Ngoại giao Ấn Độ hiện chưa phản hồi yêu cầu này của Nepal.

“Dù Ấn Độ cũng đang gặp nhiều vấn đề trong nước, nhưng chúng tôi hy vọng họ có thể xem xét các yêu cầu này vì tính chất khẩn cấp”, Sewa Lamal nói.

Ấn Độ hạn chế xuất khẩu vắc-xin Covid-19, nhiều quốc gia và tổ chức bị ảnh hưởng
Việc Ấn Độ tuyên bố cắt giảm và hạn chế xuất khẩu vắc-xin Covid-19 sẽ gây ra nhiều biến động lớn đối với tình hình cung ứng vắc-xin trên toàn thế giới. Ảnh: Reuters

Viện SII của Ấn Độ ngày 18/5 cho biết hy vọng sẽ có thể nối lại việc cung cấp vắc-xin cho chương trình COVAX và xuất khẩu sang các nước khác vào cuối năm nay.

Vào đầu tuần này, Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) - đơn vị hỗ trợ cung ứng vắc-xin cho chương trình COVAX - đã kêu gọi các quốc gia khối G7 hỗ trợ nguồn cung vắc-xin cho chương trình, như một biện pháp khẩn cấp để đối phó với tình huống sụt giảm lượng lớn vắc-xin do gián đoạn nguồn cung từ Ấn Độ.

“Nhiều hoạt động ngoại giao theo hình thức “cửa sau” đang được tiến hành để có thể thêm nhiều vắc-xin từ các nước Mỹ, khối EU và một số cường quốc khác - như biện pháp dự phòng trong trường hợp của Ấn Độ không chỉ hiện tại mà còn về lâu dài”, hãng tin Reuters trích lời một nguồn tin từ UNICEF cho biết.

Mặc dù vậy, những ảnh hưởng trước mắt của việc Ấn Độ ngưng xuất khẩu văc-xin là hoàn toàn hiện hữu. UNICEF thông báo chỉ có khoảng 65 triệu liều vắc-xin từ chương trình COVAX được chuyển đến các nước trong tuần này - ít hơn rất nhiều so với kế hoạch dự kiến là 170 triệu liều.