Bộ trưởng Hardeep Singh Puri nói trong cuộc phỏng vấn với Nikkei Asia: “Hợp tác trong các dự án năng lượng là phi ý thức hệ và phi chính trị. Với hoạt động xuất nhập khẩu, giá cả là tiêu chí duy nhất. Các công ty của chúng tôi, dù lĩnh vực tư nhân hay công, đều phát hành đấu thầu nhập khẩu tại thời điểm giao hàng. Vì vậy nếu bạn có thể giao hàng với giá rẻ, chúng tôi rất vui mừng.”
Ấn Độ là nước nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) ròng lớn thứ 4 thế giới và nhu cầu ngày càng cao. Hợp tác năng lượng của Ấn Độ với Nga, được coi là hình mẫu của các nước đang phát triển không tuân theo lệnh trừng phạt của phương Tây với xứ bạch dương, vì cuộc chiến ở Ukraine.
Theo ông Puri, mục tiêu của Ấn Độ là tăng tỷ lệ khí đốt tự nhiên lên 15% thị phần năng lượng vào năm 2030. Điều này nghĩa là tăng gấp đôi, và Ấn Độ cần đầu tư khoảng 60 tỷ USD.
Phương Tây đã giảm nhập khẩu dầu và khí đốt tự nhiên qua đường ống từ Nga, để siết doanh thu của Moscow nhằm phản đối cuộc chiến ở Ukraine. Một số nước châu Âu và Nhật Bản vẫn mua LNG từ các dự án hiện có.
Trong khi đó, Hoa Kỳ đang cố gắng trừng phạt, để ngăn Nga đẩy mạnh xuất khẩu LNG. Hiện Nga là nhà xuất khẩu LNG lớn thứ 4 thế giới.
Bộ trưởng Puri không loại trừ khả năng Ấn Độ đầu tư vào dự án LNG Sakhalin-2. Ông nói: “Chúng tôi mở cửa cho các khoản đầu tư ra thế giới. Một tập đoàn dầu khí tự nhiên thuộc lĩnh vực công của Ấn Độ đã đầu tư vào mỏ Sakhalin-1 ở Viễn Đông của Nga. Ấn Độ và Nga thường xuyên liên lạc và trao đổi, về các khoản đầu tư vào lĩnh vực năng lượng của nhau.”
Ấn Độ nhập khẩu khoảng 90% dầu thô và 50% khí đốt tự nhiên phục vụ nhu cầu trong nước. Theo ông Puri, mức tiêu thụ dầu thô sẽ tiếp tục tăng, nhưng họ muốn nền kinh tế dựa nhiều hơn vào khí đốt.
Hiện nay hầu hết khí đốt tự nhiên nhập khẩu của Ấn Độ đến từ Hoa Kỳ và Qatar. Ông Puri không nói liệu Ấn Độ có tăng cường mua từ Nga trong tương lai hay không.
Khí đốt tự nhiên thải ra ít CO2 hơn so với dầu mỏ hoặc than. Ông Purin kêu gọi doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào lĩnh vực năng lượng của Ấn Độ. Ông dẫn chứng nhu cầu của quốc gia Nam Á đang tăng nhanh gấp 3 lần trung bình toàn cầu. Ông khẳng định mối quan hệ đối tác trong bộ tứ Kim Cương, giữa Ấn Độ, Hoa Kỳ, Úc và Nhật Bản, không chỉ có ý nghĩa chính trị, mà còn về kinh tế trong đó có năng lượng.